Lạc

.

Đường hai chiều xe chạy xuôi ngược đã được ngăn lại, như mọi năm phân lô đánh số để người ta mướn bán chợ Tết. Từ hai mươi, dưa hấu lên trước nhất, phủ xanh cả đoạn đường dài. Nhờ đó mà đường xá có không khí Tết hơn, thong thả vài người mặc áo đẹp đi dạo vài vòng hỏi dọ giá dưa. Lúc này chỉ bán lai rai, chưa vô đợt chính. Người ta trông gần tới giao thừa giá xuống để mua cho đỡ một khoản tiền.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rẹm nhìn ề dưa vỏ căng bóng thẫm xanh chất cao như núi, lòng không khỏi ngun ngút những dự cảm bấp bênh. Cũng may đã nhờ người ta chặt chuối quây lại giữ dưa, chớ dưa mà lăn bao nhiêu trái chắc lòng Rẹm cũng khuyết đi bấy nhiêu lần. Nhìn xung quanh coi, người ta ai ai cũng có cặp có đôi xúm xít nồi niêu chuẩn bị mùa dưa bán Tết. Chỉ có Rẹm rồi lọt thỏm giữa náo nhiệt với đứa con nhỏ tóc còn hôi nắng, miệng lẩm bẩm cầu trời Phật thương phù hộ mua may bán đắt.

Dưa năm nay trúng mùa, trái nào trái nấy tròn căng lớn bộn nhìn đã mắt lắm. Nhưng nhìn đâu có no được, phải đem bán đổi tiền, rồi tiền đó mới trả được tiền phân, thuốc và đổi áo mới, kẹo mứt và đủ thứ khác để mà tươm tất đón Tết. Giá dưa tỷ lệ nghịch với số lượng dưa thu hoạch, nghĩ sao mà không buồn. Nhìn đống dưa, Rẹm không khỏi bùi ngùi. Phải bằng giá năm ngoái, bán hết phân nửa chỗ này đã đủ ăn Tết lớn. Còn năm nay may phước bán hết mới mong vun vén dư ra chút đỉnh.

Năm nay không biết sẽ bán được bao nhiêu. Rẹm nửa có lòng tin nửa lại không, một mình cô không biết xoay xở sao trong những ngày khách tới lựa dưa đông. Chỉ vài ngày nữa thôi, người ta sẽ ùa ra chợ, xúng xính áo váy ghé qua coi dưa. Kiểu gì Rẹm cũng sẽ bị vây trong một hỗn hợp người ríu ran: người hỏi giá, người trả giá, người kêu chọn dưa đẹp trưng ba ngày Tết, người biểu lấy dưa ăn liền. Cô sẽ phải xoay như chong chóng, dù mệt mỏi cũng phải cười tươi dù đầu đang suy tính coi bớt sao để khách vui lòng mua mà mình vẫn có lời. Cô sợ một mình cô loay hoay lấy trái này sắp trái kia lựa trái nọ, khách chờ lâu phật ý qua chỗ khác mua thì chết. Phải chi có anh…

Mà thôi, nhắc anh làm chi nữa. Tết là mùa sum họp, vậy mà anh nỡ lòng nào chọn ngay dịp đó để bỏ Rẹm đi. Bỏ lại đứa con nhỏ xíu tối tối lại rúc vô lòng cô khóc rấm rứt, ngây ngô hỏi “Ba đi chừng nào mới về vậy má?”. Rẹm đâu có dám trả lời con rằng ba nó đi luôn rồi, đi thiệt xa không trở về nữa đâu. Đi theo người đàn bà trắng trẻo bán quán rượu đầu xóm, người lúc nào cũng nồng mùi kem trộn và môi luôn ướp sẵn đường. Đi đem theo mớ tiền dành dụm để sửa sang nhà cho coi đàng hoàng chút để ăn Tết. Đi bỏ rớt ánh mắt của má ở ngoài sông, khi chiều chiều vẫn bắc ghế ngồi trông tin thằng con tệ bạc.

Mấy năm trước có anh, hai vợ chồng Rẹm hủ hỉ với nhau nên làm quần quật cũng không thấy mệt. Anh lo chất dưa, lấy dưa, chở dưa cho khách; cô lo coi giá, chọn lựa, mời chào. Giờ một mình Rẹm bơi giữa đống dưa, nhìn thôi đã thấy màu xanh lấn lên như muốn nuốt luôn thân hình nhỏ bé phủ màu da nâu giòn của cô. Nhưng nhớ mình còn đứa con, còn má, Rẹm ngoi lên vét hết sức để năng nổ bán buôn. Có bán, có tiền mới có Tết. Cũng hên ông trời còn thương, cho nắng tốt dưỡng nuôi đám dưa đang lên xanh anh đang tâm bỏ lại. Chớ lỡ ông trời chơi ác bỏ xuống vài trận mưa dầm, chắc Rẹm chỉ còn nước ôm mớ dưa nứt vỏ ăn trừ cơm chớ đừng mơ ăn Tết. Cũng may lòng trời không bạc như lòng người…

Rẹm ngó kiếm thằng con. Chắc nó lại chạy qua khu bán bông coi người ta náo nhiệt. Rẹm đã định để nó ở nhà với má, con nít ra chỗ bán buôn chi cho khổ cực. Ở nhà, có gì má cần cũng có đứa sai biểu. Mà má kêu thôi, bắt Rẹm đem nó theo để có gì còn hụ hợ được chút việc vặt. Chắc má sợ mình Rẹm ngoài đây dễ chìm lỉm trong nỗi tủi thân khi nhìn người ta có vợ có chồng bên cạnh.

Cũng tốt, có đứa con kề bên Rẹm nhìn vô tự dưng có sức bùng lên. Như một cái cây khô gặp nước, cô vung lá xanh lên chào mời những vị khách đang thong thả bước qua. Bán được trái nào hay trái nấy, mỗi trái dưa vơi đi là thấy Tết tới với gia đình Rẹm gần thêm chút đỉnh.

Rẹm tìm không thấy, cất tiếng réo thằng nhỏ. Cô cần nó đi mua thêm mớ bịch ni-lông loại lớn để khách đựng dưa. Mua thêm một xấp giấy đỏ nữa dán lên dưa cho bắt mắt, như mấy chỗ hôm qua thằng con Rẹm kêu thấy người ta làm. Nhắc đến người ta, Rẹm lại chạnh lòng. Đằng kia, cách chỗ Rẹm bán vài lô có một nhà bán dưa kiểu mới hút khách quá chừng. Những trái dưa được đóng khuôn từ hồi còn nhỏ chịu quen nề nếp thành những hình vuông, hình tượng Phật, hình trái tim lạ mắt. Ai cũng chuộng, khách ùa tới đông lắm, tranh nhau mua mà không thèm trả giá. Phải anh đừng đi, Rẹm sẽ chỉ anh coi để năm sau hai vợ chồng tập tành mua khuôn về học hỏi thử làm theo. Mà, anh đi thiệt rồi. Đi luôn. Sẽ chẳng có cái khuôn nào để những trái dưa ngoan ngoãn thành hình hết…

Mãi suy nghĩ, Rẹm không hay thằng con nghe tiếng má kêu đã lẹ lẹ chạy về. Nó bồng theo một con chó đen nhỏ, nhìn không giống mấy con chó xóm Rẹm hay nuôi. Chắc chó lai. Rẹm thấy vậy mới rầy nó:

- Con bắt chó của ai vậy? Đem trả người ta lẹ. Lát người ta kiếm không thấy người ta chửi chết. Không phụ má bán dưa mà đi chơi hoài he!

Nghe rầy, thằng nhỏ tiu nghỉu, mắt cụp xuống thấy thương. Nó kêu nó thấy con chó bị lạc mà dạn người nên bắt chơi. Nó đem hỏi vòng vòng rồi, không ai nhận hết. Nên nó đem về đây luôn, có gì người ta đi kiếm ngang qua người ta dễ thấy. Chứ để con chó đi rong, biết đường nào mà tìm.

Rẹm thấy mắc cười, thằng con mình nhỏ xíu mà coi bộ cũng chịu nghĩ ngợi này nọ dữ. Nó nói cũng có lý, thôi thì buộc con chó ở đây. Chỗ Rẹm bán ở đầu đường, nhiều người đi ngang nên chủ con chó chắc cũng dễ kiếm. Có con chó chơi cùng, thằng nhỏ cũng đỡ buồn, khỏi phải chạy lòng vòng mắc công Rẹm phải kêu réo.

Con chó như cảm ơn Rẹm đã cho nó ở lại, kêu ư ử. Nó ngoan ngoãn để thằng con Rẹm buộc vô cột chống sạp dưa. Mắt nó hơi buồn, chắc là nhớ chủ. Chèn, ai mà vô ý vô tứ để lạc con chó lúc này. Mà cũng phải thôi, người với người sống với nhau biết rõ từng cái nốt ruồi mà còn bỏ lạc được, huống chi là con chó nhỏ xíu giữa chợ Tết đông nghẹt người vầy. Rẹm thôi nghĩ, cầm dao cắt một miếng dưa để lát đem cho khách coi dưa ngon cỡ nào. Sẵn để trốn câu hỏi của thằng con “ủa sao mắt má đỏ rần vậy má?”.

Chợ dưa đã náo nhiệt hơn, dòng người như con sông mùa lũ phình to ra chảy tràn qua những sạp dưa tìm mớ trái ngon về ăn Tết. Người nhiều, tìm nhiều, mà mua thì ít quá. Một mớ hỏi để biết giá, nấn ná đợi tới ba mươi để dưa thiệt rẻ mới mua ăn. Một mớ khác lại trả giá gắt quá, Rẹm dù tiếc cũng đành phải bấm bụng lắc đầu không. Giá đó mà bán thì còn lời lóm gì nổi. Quanh đi quảnh lại chỉ được một mớ người tranh thủ lúc dưa đẹp còn nhiều vừa giá dưa dễ chịu ra lựa vài cặp trưng Tết.

Nhìn sức mua năm nay không khỏi thấy đìu hiu. Cánh bán dưa ái ngại nhìn nhau, lo sợ đống dưa chất đống còn cao hơn núi sẽ ế. Họ sợ phải chở dưa về với gương mặt tai tái màu vỏ dưa, buồn bã nhìn căn nhà mình năm nay chắc thiếu hụt nhiều vị Tết. Thôi còn nước còn tát, coi bán được tới đâu hay tới đó. Năm nay có ba mươi, coi như có thêm một ngày để hy vọng.

Rẹm cũng như mọi người, bán chẳng được bao nhiêu. Dưa đẹp đó, ngon đó – vỏ xanh bóng ruột đỏ thẫm ngọt lịm, ít hột – vậy mà người ta vẫn chưa dám bỏ tiền mua. Nghĩ cũng như con người ha, lòng thắm đỏ như dưa mà vẫn bị bỏ rơi bỏ rớt. Rẹm rầu rầu nhìn đám dưa, tính toán coi nếu lỡ bán ế vầy hoài thì Tết này phải gói ghém kiểu nào để không thiếu hụt. Những trái dưa tròn trĩnh là vậy mà sao lọt vô mắt cô vẫn như có gai, khi những người khách cứ lần lựa cầm lên rồi bỏ xuống.

Vài trái dưa bị người ta vô ý tứ lăn lựa tới bầm dập, Rẹm xẻ ra ăn cùng con. Dưa dù dập nhưng vẫn ngọt và nhiều nước, chắc bởi thấm mồ hôi người trồng mà chịu khó chắt vị ngon. Mấy trái này phải người biết lựa hay dân trong nghề mới nhận ra, Rẹm có thể để trà trộn trong mớ dưa tốt để bán. Nhưng cô không làm vậy. Nếu có bán thì cô để riêng ra một bên, nói rõ cho người ta biết và hạ giá xuống. Chớ bán buôn lừa gạt kiểu đó mang tiếng cánh bán dưa, mà còn làm cô chợn rợn khó chịu. Cảm giác hụt hẫng khi nhầm lẫn về một thứ có vẻ ngoài đẹp đẽ, tốt lành cô trải qua rồi. Cô không muốn có người phải chịu cảm giác đó, nhất là với thứ trái mang nhiều ý nghĩa cho mùa sum họp này.

Thằng con hình như chưa biết những băn khoăn của Rẹm, năn nỉ cô cho giữ lại con chó nhỏ nuôi. Chớ mấy ngày rồi có thấy ai tới nhận nó đâu. Con chó cũng ngoan, cứ quấn lấy thằng nhỏ. Rẹm chưa biết tính sao, cô còn biết bao nhiêu thứ phải lo. Nuôi thêm con chó, là nồi cơm trong nhà sẽ bị chia nhỏ ra phần nữa. Mà dưa thì đang ế… Nhưng nhìn ánh mắt tha thiết của con, Rẹm không nỡ từ chối. Cô đành gật đầu, bụng dạ càng nhen thêm lửa nóng bừng bừng bởi suy nghĩ tính lo cho ngày Tết cận kề.

Rẹm nói giỡn với thằng nhỏ: “Bán dưa hết má mới có tiền cho con nuôi chó”. Ai ngờ thằng nhỏ tin thiệt, sống chết chạy tới chạy lui hết mời người này tới kéo người kia ghé coi dưa. Con chó nhỏ cũng lăng xăng sủa phụ họa. Nhìn cảnh đó, tự dưng Rẹm thấy vui, lòng bừng nở màu hoa vạn thọ rục tươi như mớ hoa Rẹm đã gieo trước nhà mình. Nhìn thằng con cố gắng như vậy, Rẹm biết nó mến con chó. Cũng phải, tuổi nó lẽ ra cần bè bạn, cần hồn nhiên vui chơi chứ đâu phải lạc ra chỗ này cùng má chạy xất bất xang bang kiếm từng đồng bạc như vầy. Rẹm qua nhìn con chó nhỏ, cô cũng thấy thương nó. Mùa này người ta xúm nhau về nhà, ai lại bị bỏ lạc giữa chợ như nó. Mà cả cô, cô cũng đang đi lạc trên cuộc đời mình mà. Cả ba cùng lạc quây quần lại một chỗ, coi bộ cũng hay.

Hôm nay đã ba mươi, cánh bán dưa lao vô tranh thủ từng giờ một. Người ta như nước sông bị chặn bởi con đê giá cả, giờ đê vỡ ào ạt chen ra đen đặc một khúc đường. Tiếng người kẹo đặc không gian tưởng như hít thở cũng đầy ồn ào. Ai nấy cũng tất bật bán mua, hy vọng bán hết dưa được thổi bùng lên lần nữa. Ngày cuối cùng của năm mà, cũng là ngày sức mua mạnh nhất.

Rẹm cũng đổ mồ hôi với dòng người ập đến. Cô xoay vòng trong những tiếng í ới trả giá và thêm bớt số dưa. Người này mua vài cặp, người kia mua một chục. Mua nhiều, Rẹm cũng vui vẻ bớt thêm chút đỉnh, không quên dặn “nhớ kêu người ủng hộ con nha”. Dù mệt, Rẹm vẫn râm ran vui khi nhìn đống dưa cao đang vơi bớt. Người người chen lấn, thằng con Rẹm cũng bị xoay tới chóng mặt. Đông người quá sợ con chó bị người ta chen lấn giẫm trúng, Rẹm dời nó vô buộc ở phía trong sạp.

Chộn rộn tới tối mịt, núi dưa của Rẹm đã vơi bớt gần một nửa. Nhưng tới được mức đó thì nó cũng chững lại, không thèm khuyết thêm chút nào. Sắp tới giao thừa rồi, người ta hối hả giục nhau về nhà để còn kịp chuẩn bị sắp mâm cơm cúng ông bà. Cánh bán dưa cũng đã có người bán đổ bán tháo để về cho sớm, để nấu ấm trà đốt cây nhang chờ giây phút chuyển giao năm. Chợ thưa dần, chỉ còn vài người nấn ná kiếm mớ dưa dạt rẻ rề mua ăn chơi. Coi như cuộc chạy đua bán mua dừng ở đây và kết quả coi như đã định. Chiến thắng là những gương mặt hớn hở khi đã bán hết veo hay chỉ còn một ít để ăn Tết, về sau là những người lưng lửng như Rẹm.

Những người ở lại chia nhau vài cây nhang, khấn vái cầu ông bà cho kịp giao thừa rồi mới lục đục dọn đồ về. Rẹm buồn thiu nhìn số dưa còn lại, không biết phải làm sao với chúng. Có đem tặng lối xóm mỗi nhà một cặp, phần còn lại có ăn tới mùng mười chắc cũng chưa hết được. Nhưng Rẹm tự an ủi mình bán được vậy cũng coi như ông bà phù hộ rồi, ít ra cũng có chút đỉnh tiền ăn Tết.

Khi Rẹm đang cùng con chất mớ dưa còn lại lên xe thì có khách tới. Một người đàn bà khá lớn tuổi, hơi đậm người. Cô nhanh nhẹn bước tới kêu khách lựa đi cô để giá vốn cho. Nhưng khách không thèm để ý tới dưa mà nhìn vô sâu trong sạp, chỗ con chó nhỏ đang nằm ngủ. Thấy con chó, khách có vẻ vui lắm.

Người đàn bà mà Rẹm tưởng là khách mua dưa trễ ấy xưng là chủ của con chó nhỏ. Hôm trước đi chơi Tết bà dẫn nó theo, không ngờ để lạc mất. Bà đã đi kiếm mấy lần, nhất là hôm nay bà đã đi tới rã cặp chân quanh quẩn đoạn này mà đông người quá nên tìm không thấy (hèn chi Rẹm thấy bà quen quen, thì ra bà đã đảo qua đảo lại chỗ cô mấy lần rồi). Con chó thấy chủ liền vẫy đuôi mừng rối rít.

Thằng con Rẹm thấy chủ con chó đã tới bèn lẳng lặng tháo dây buộc, ẵm con chó nhỏ ra trao trả. Tay nó run run, cẩn trọng như cầm một thứ quý giá. Rẹm biết nó buồn, nhưng chó của người ta phải trả cho người ta chớ. Con chó nhỏ cũng có gia đình riêng của nó mà, thằng nhỏ và Rẹm đâu thể nói thay thế là thay thế được.

Người đàn bà mừng lắm, gửi chút tiền nói coi như cảm ơn Rẹm nhưng Rẹm một mực từ chối. Cô chỉ giữ giùm thôi, chớ ơn nghĩa gì. Cô cười, kêu “Bà muốn cảm ơn con thì mua ủng hộ con cặp dưa là con vui rồi”. Nói chơi vậy thôi, ai dè bà ấy làm thật. Nhưng không mua một cặp, mà mua hết. Nhìn cặp mắt ngạc nhiên của Rẹm và con, bà cười cười nói lo đi kiếm con chó có nhớ mua sắm gì đâu nên nhà vẫn chưa có dưa trưng Tết, dưa tặng họ hàng. Cả ba người nhìn nhau, tự nhiên bật cười như quen thân lâu lắm. Những nỗi lo đi lạc bay hơi đi mất, để hơi ấm xuân tràn vô thế chỗ.

Tết đã tới thật rồi.

Dương Thành Phát

;
.
.
.
.
.