Ký ức Tết

.

Có lẽ với những người hoài cổ như tôi, Tết luôn là ký ức đẹp. Lứa tuổi ở thập niên 60 như tôi ngày ấy, Tết luôn là sự háo hức đợi chờ. Bởi lẽ, thời đất nước khó khăn, cái ăn, cái mặc phải dè sẻn từng chút một, thì chỉ có Tết, bọn trẻ con chúng tôi mới được ăn thỏa thích những món mình thèm; được mặc áo mới tung tăng cùng chúng bạn, rồi mừng rỡ khoe nhau những tờ tiền giấy mới cứng vừa được người lớn lì xì.

Nhớ những ngày giáp Tết theo ba đi giẫy cỏ, quét vôi mộ ông bà, ba luôn nhắc chúng tôi, đến Tết là phải lo mồ mả, bàn thờ ông bà trước hết. Có ông bà mới có chúng ta. Tết là dịp để tỏ lòng biết ơn tổ tiên nên các con phải nhớ. Và tôi luôn ghi lòng tạc dạ những lời này của ba. Giờ ba tôi đã là người thiên cổ, nhưng những gì ba làm, ba dặn tôi đều nhớ và làm theo. Mâm cơm cúng rước ông bà ngày 30 tháng Chạp hằng năm đều được tôi chăm chút, không để thiếu những thứ mà ngày xưa ba mẹ vẫn thường bày biện cúng tế. Bàn thờ tổ tiên nhà tôi luôn được trang hoàng đẹp, ấm cúng để rước ông bà, cha mẹ về cùng vui vầy với con cháu trong 3 ngày Tết.

Tết của tôi ngày thơ bé không có nhiều món ngon như bây giờ. Nhưng những thứ đã đi vào ký ức của tôi dường như ngon hơn, hấp dẫn hơn rất nhiều những món gọi là đặc sản được bày bán khắp các siêu thị, cửa hàng. Tết của tôi là chảo mứt gừng mẹ cặm cụi ngào bên bếp than hồng những đêm gió bấc thổi hun hút. Mớ gừng mẹ chắt chiu trồng ngoài góc vườn từ những ngày tháng Giêng, rồi dành dụm mua thêm ít đường cát cất để dành đến Tết làm mứt cho các con có cái ăn với bạn bè. Tết của tôi là hũ dưa món với củ kiệu, củ cải với hương vị riêng có, mẹ làm sẵn cất trong chạn để ăn kèm với bánh tét mẹ gói. Rồi những ổ bánh tổ, khúc bánh lăn, bánh khảo bảy lửa..., những loại bánh mà chỉ ở quê tôi mới có trong ngày Tết. Mẹ tôi khéo tay, món nào mẹ làm cũng ngon, cũng đượm vị. Mỗi lần làm món gì, tôi ngồi phụ một bên, mẹ đều kể chuyện ngày xưa rằng, cứ đến dịp Tết thì bà ngoại lại dạy mẹ làm món này, thứ kia. Và tôi cũng nhập tâm những lời mẹ kể. Bây giờ, hễ mỗi lần Tết về, tôi lại nhắc những chuyện ngày xưa mẹ kể, để nhớ, để thương và để cảm ơn mẹ đã sinh ra tôi, cho tôi ký ức tuổi thơ ngọt ngào.

Vị ngon của những món mẹ làm, đến bây giờ khi đã qua bên kia dốc cuộc đời, tôi vẫn nhớ như in dáng mẹ ngồi trong ánh đèn dầu tù mù chuẩn bị Tết cho con. Ký ức những món ngon Tết xưa dường như theo tôi suốt cuộc hành trình làm người. Có ai mà không nhớ những thứ mình đã được ăn những ngày thơ bé. Nhớ mãi vị ngọt của lát bánh in ăn vụng mà tôi đã thèm thuồng nhón trên nia bánh đang sấy khi mẹ quay lưng. Nhớ cái bánh ú nóng rẫy mẹ vớt trong nồi bánh tét gói riêng để thưởng cho tôi vì có vị thứ cao trong lớp và được cô giáo khen trước khi về nghỉ Tết. Bây giờ, dù đã nếm nhiều món ngon, vật lạ, nhưng cái dẻo của nếp và thơm bùi của đậu xanh trong cái bánh ú nhỏ xíu mẹ dành phần cho riêng tôi như vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.

Nhớ những chiều 29 Tết, tôi và lũ trẻ trong xóm ngồi chầu chực bên nồi cháo lòng mà người lớn sau khi làm thịt heo chia cho mỗi nhà một phần xong, còn bộ lòng nấu cháo chia cho mỗi đứa con nít một bát. Cái cảm giác ngồi xì xụp ăn cháo nóng bên bếp than ngày ấy và cãi nhau chí chóe để tranh phần nhà đứa nào nhiều bánh mứt hơn mà nhớ và thương lũ bạn cùng trang lứa ngày xưa. Bây giờ, có đứa đã nên ông, nên bà; đứa đã về cõi thiên thu; đứa đang tha hương… vẫn quay quắt nhắc nhớ về ngày xưa cũ mỗi lần Tết về.

Từ những ký ức đẹp về Tết trong lòng mình, tôi luôn muốn giữ lại cho các con tôi những kỷ niệm mà tôi đã từng có. Và tôi luôn nhắc các con, có đi khắp chân trời góc bể thì những ngày Tết cũng phải quay về nhà, lo mâm cơm cúng ông bà, lo quét tước bàn thờ tổ tiên để rước các cụ về sum họp với con cháu.
Ai cũng có trong lòng mình những góc nhớ. Và tôi cũng không ngoại lệ. Góc nhớ của tôi là những cái Tết ngày xưa cũ, nhớ bài học thuộc lòng  Đi chợ Tết  của tác giả Đoàn Văn Cừ trong cuốn sách giáo khoa lớp Bốn mà tôi đã thuộc nằm lòng từ ngày còn thơ dại. Với tôi - đó là áng văn hay nhất về Tết Việt và luôn nhắc tôi nhớ về nguồn cội của mình.

KIM EM

;
.
.
.
.
.