Huấn luyện chó "cưng"

.

Không chỉ bỏ hàng chục triệu đồng mua chó quý, nhiều gia đình tại Đà Nẵng còn đưa các chú chó “cưng” vào trung tâm huấn luyện hoặc nhờ người huấn luyện với số tiền không nhỏ. Dịch vụ này vì thế đang trở nên rất “hot”.

Anh Nguyễn Hữu Thứ đang dạy chú chó biết chào hỏi. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Anh Nguyễn Hữu Thứ đang dạy chú chó biết chào hỏi. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Chỉ cần lên Google tìm kiếm nội dung “Huấn luyện chó ở Đà Nẵng” sẽ hiện ra nhiều địa chỉ nhận “dạy” chó tại gia. Trung tâm TTC hiện gồm hơn chục huấn luyện viên (HLV) có kinh nghiệm và trình độ cao, được đào tạo chuyên ngành huấn luyện chó nghiệp vụ trong quân đội. Trung tâm này nhận huấn luyện các loại chó vào các mục đích khác nhau theo yêu cầu khách hàng như: giữ nhà, bảo vệ chủ, huấn luyện các động tác cơ bản kỷ luật, bảo vệ mục tiêu (công ty, nhà xưởng, trang trại...). Ông Nguyễn Khang, phụ trách trung tâm này cho biết, những giống chó người dân thường đưa đến và nhờ trung tâm huấn luyện là Alaska, Berger, Doberman, Tammei, Poodle… Giá của những giống chó này khác nhau nhưng trung bình khoảng từ 8-15 triệu đồng/con. Trong đó, giống chó được nhiều người ưa chuộng vẫn là Berger của Đức và Bỉ bởi lẽ chúng khá thông minh, lanh lẹ, dễ huấn luyện.

Anh Hà, người trực tiếp huấn luyện chó cảnh ở Trung tâm TTC cho biết, độ tuổi phù hợp để huấn luyện là khoảng 6-7 tháng tuổi. “Nếu nhỏ quá thì huấn luyện chưa có hiệu quả nhiều, lớn quá thì phải mất nhiều thời gian mới huấn luyện được, nên độ tuổi đó phù hợp nhất vì chú chó chưa hình thành hết tính cách”, anh Hà chia sẻ. Theo anh Hà, để huấn luyện một chú chó biết nghe lời chủ nhân và có tính kỷ luật thì phải qua nhiều bước. Có khi mất chỉ từ 3-4 tháng, có khi mất cả năm trời tùy sự tiếp thu của chú chó. Khổ nhất là nhận huấn luyện chó cho các “tiểu thư”. Những con chó dạng này vốn được các nàng chăm sóc kỹ như cho ăn thịt bò, uống sữa, ngủ máy lạnh cùng chủ. Bởi vậy, khi đưa vào trung tâm, chúng khá “õng ẹo” trong sinh hoạt. Có khi anh Hà phải dùng tay đút thức ăn vào miệng cho nó hoặc đặt thức ăn vào chân trước rồi đưa vào miệng nó. Có những chú chó cưng ngày đầu nhớ chủ không chịu ăn, anh phải ngồi cạnh vuốt ve, âu yếm nó giống y cô chủ ở nhà nó mới chịu “cầm đũa”. Vì quá cưng chó, ngày nào cô chủ cũng ghé thăm nó ở trung tâm để tiếp tế thực phẩm vì lo… chó ăn chưa vừa miệng.

Để hiểu rõ “học viên”, các HLV phải ngồi hàng giờ đồng hồ trao đổi với chủ nhân nhằm nắm thông tin, đặc điểm, tính cách, điều kiện sinh hoạt của từng loại chó. Những ngày đầu các HLV phải chăm sóc chó tương tự như chủ nhân và thay đổi dần theo môi trường ở trung tâm để chó thích nghi.

Chị Đông Ba (quận Sơn Trà), chủ một con chó lai giống Phú Quốc cho biết, chị mua con chó này với giá khá rẻ - chỉ vài trăm ngàn đồng từ một người bạn. Thế nhưng, sau thời gian được nuôi dưỡng, nó rất khôn ngoan nên gia đình chị ai cũng thương quý và coi nó là một thành viên trong gia đình. Sau đó chị gửi chú chó của mình vào Trung tâm TTC để nhờ các anh huấn luyện và thấy tiến bộ rõ rệt. “Chỉ mới hơn 3 tháng mà Lu Lu (tên chú chó-PV) trông rất chuyên nghiệp và nghe lệnh chủ. Cũng nhờ Lu Lu mà bọn trộm đã phải bỏ lại túi xách của tôi để tháo chạy”, chị Ba tâm sự. Theo chị Ba, dù mất gần chục triệu đồng nộp tiền huấn luyện nhưng thấy cũng đáng giá.

Anh Nguyễn Hữu Thứ (37 tuổi, quê Thái Bình), từng học tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng ở Ba Vì (Hà Nội) – nơi chuyên đào tạo HLV sử dụng chó nghiệp vụ, cũng nhận huấn luyện chó nhà, cho biết, nghề này khá vất vả và có khi còn gặp tai nạn nghề nghiệp. Để kích thích bản năng của con chó, nhiều khi HLV phải đóng giả “quân xanh” (con người làm mồi) khiêu khích con chó để nó tấn công mình. Tuy đã được bảo hộ nhưng do lực cắn mạnh nên việc bị trầy, bầm tay, chân là chuyện thường ngày với các HLV. Còn đối với những con chó khá hung dữ thì việc tập luyện cũng gian nan không kém khi phải rèn luyện nó biết vâng lời, bảo đảm an toàn cho chủ nhân và những người xung quanh. Lịch tập luyện với chó thường không cố định mà tùy vào “đồng hồ sinh học”, sức khỏe của con chó và phải chọn thời điểm chúng vui vẻ và có sức khỏe tốt nhất. Chó sau khi được huấn luyện sẽ biết đi vệ sinh đúng chỗ, đúng giờ và đặc biệt là biết bảo vệ chủ, giữ nhà. Có những con chó Berger Đức khá hiền hoặc thậm chí là khá nhút nhát, sau khi được anh huấn luyện thì đã biết tấn công người lạ khi chủ có yêu cầu để lấy lại tài sản. Theo anh Thứ, để huấn luyện được một chú chó biết nghe lời, trước tiên phải tạo được mối quan hệ tốt, tình cảm với con vật, yêu thương chúng. Nhiều con chó được huấn luyện thành thục có thể làm theo tín hiệu của chủ nhân như ngoắc tay, huýt sáo…

Giá cho mỗi đợt “học tập” của chó cưng khác nhau, dao động khoảng từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng tùy điều kiện sinh hoạt của từng con. Trước khi nhận “học viên”, các HLV phải kiểm tra xem chó đã được tiêm phòng đầy đủ chưa, đồng thời yêu cầu chủ nhân ký một số cam kết. Thường các trung tâm phải theo dõi khoảng 1 tuần rồi mới nhận chó vào “dạy dỗ”. Với những HLV lâu năm như anh Thứ, anh Khang thì chỉ cần nhìn trạng thái là có thể biết được đặc tính của loài chó, phát hiện bệnh của chúng. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự nhìn nhận cũng thành công. Có những con chó không thích nghi được trong môi trường tập luyện hoặc do chủ nhân “xót” chó nên mang về nhà sau thời gian ngắn. Lại có nhiều chủ nhân không thống nhất trong hiệu lệnh giao tiếp với con vật nên nay gọi kiểu này, mai ra hiệu kiểu khác khiến thói quen do HLV tạo lập đối với con vật dần mất đi.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.