Chuối Tết

.

Ngày Tết, nải chuối xanh là thứ không thể thiếu trên bàn thờ. Chuối là móng, là nền, là phông cho ngôi nhà tâm linh. Cái màu xanh như cỏ cây, như mây mặt đất bầu trời để cho bưởi, quít quất, bánh kẹo, rượu… nương tựa. Chuối nải xòe tay nguồn cội, từ đấy đi lên, rộng ra vừa bao la vừa thâu tóm. Màu xanh của chuối trong bàn thờ thấp thoáng như niềm tin bền vững, như sợi dây diều cho sắc hồng đỏ của trái cây khác bay lên.

Tranh của Đặng Thị Phượng
Tranh của Đặng Thị Phượng

Tổ tiên người Việt, cây lúa ngoài đồng ngày Tết về nhà bánh chưng, còn vườn tược không thứ gì hơn chuối. Chuối đầy sức sống, dù trên đồi đất đai cằn cỗi hay dưới vườn màu mỡ, chuối cứ vươn. Hiếm có loại cây nào gần gũi với người như chuối. Chuối sau nhà, trước nhà, bên hiên, ngoài bờ ao, bờ sông, bờ suối… Đâu có đất là có người, có chuối. Qua lâu rồi thời đói kém, cao lương mỹ vị nội ngoại đủ đầy, giàu nghèo vẫn chung mẫu số chuối. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu một ngày kia không còn chuối, cái gì sẽ thay chuối trong những việc tâm linh. Chịu. Chuối là máu thịt bao nhiêu đời rồi, sao lại nghĩ ngớ ngẩn thế.

Chuối có nhiều loại. Chuối ngốp thân to gần bằng cột cái, dẫu đã trồng tận góc vườn vẫn lừng lững lừng lững một gia đình lực sĩ. Chuối ngốp quả ăn không ngon, thân cứng cho lợn lợn chê nhưng ở quê trước kia nhà nào cũng trồng một vài bụi. Chuối cứu đói, giữ nhà đấy. Hồi trước thời hợp tác xã công điểm chả mấy nhà đủ ăn. Phải ăn độn, độn là thứ để đánh lừa cái dạ dày những mong đêm không sôi bụng, vật mình phải trái. Tôi nhớ ngày bé mở nồi cơm ra, khói chuối át hết mùi cơm. Chuối cơm quyện nhau, dẫu yêu ghét thế nào cũng không thể sàng lọc riêng rẽ được. Bây giờ mới thấy mẹ quá khéo… và khôn nữa. Quả chuối ngốp rạch ba, bốn đường từ rốn xuống cuống, rồi nhẹ nhàng lột da. Quả chuối hết vỏ, nằm im trong tay mẹ, dọc ngang con dao bài phân chia, rồi từng lát, từng lát hạ xuống chậu nước, tự ra thành những viên vuông vuông. Những viên đấy là em của gạo, là em nên phải vào sau khi chị đã trong biển sôi ùng ục. Khi đã trong nồi, chị em bảo ban nhau cùng chín, không để một đứa nào nát, đứa nào sống. Ăn cơm độn chuối không nóng cổ như sắn nhưng không chắc dạ bằng, tức là cái bụng nhanh ngót. Thôi thì ăn sắn ngán tận cổ, có chuối thay đổi nhạc điệu thêm được mấy ngày sẽ nhanh đến mùa.

Cao quý nhất là chuối ngự (chuối tiến vua). Loại này buồng nhỏ, quả nhỏ, ăn để ngon, thưởng thức là chính. Nhiều nhất, phổ biến nhất vẫn là chuối tiêu. Chuối tiêu dễ ăn, dễ bán, bộ phận nào trong cây cũng dễ dùng. Nó như lúa tẻ ngoài đồng, ăn cỗ đình đám có xôi thì ngon, vinh hạnh nhưng dù no xôi chán chè về nhà vẫn phải đệm bát cơm tẻ, nước rau muống mới yên tâm lên giường. Chuối tiêu cũng thế, rất gần ngay đầu hè tưởng như vô nghĩa, có buồng chín cây dựng góc nhà, thế mà đi ra đi vào, một quả hai quả… mấy ngày đã trơ cuống. Chuối tiêu chín vị ngọt nhẹ, đậm đà, lúc quyện trong khoang miệng muốn giữ thật lâu cái thơm thơm. Ăn xong rồi, nuốt nước miếng, chẹp môi vào vẫn ngon ngon. Người khỏe đi đồng về mệt, xơi ba bốn quả chả khác nào có sâm Hàn Quốc. Người ốm, cơm ứ nước ừ, có chuối tỉnh hẳn. Chiều đông nhìn nải chuối trứng cuốc ai mà không nôn nao. Cái màu vàng, điểm hoa lấm tấm như khơi như mời, đố ông to bà lớn cầm lòng cứng rắn.

Nếu như chuối chín thức dậy mọi giác quan mãnh liệt thì chuối xanh lại có con đường đi riêng gọi tình yêu về mình. Canh chuối, chuối xào là hai món dân dã khó có thể quên. Ốc, ếch, cá không có chuối coi như không có chuyện gì. Nấu chuối dứt khoát không được gọt vỏ mà phải tước. Tước cái lớp da nhẵn ngoài cùng đi, để lại phần xanh xanh tia tia, rồi từ đó thái chéo hoặc sắt con chì. Ngâm nước (có pha ít giấm, hoặc nước quả chua) mươi phút cho nhựa thôi ra, miếng chuối viền xanh nét cái màu trắng gợi mở… còn sống đã ngon rồi. Ốc (ếch, cá) nấu trước cùng giấm mẻ, mắm muối, gia vị; khi thơm bay nức mũi thì cho chuối vào, đậy vung. Lửa nhè nhẹ, nhè nhẹ cho ngấm vào nhau. Cạn nước lại nhè nhẹ thêm nước, cứ thế cứ thế chậm rãi từ từ… đến khi nếm thử ngon đẩy thụt lưỡi thì được. Miếng chuối còn nguyên hình, không nát, vỡ vụn; con ốc, cũng thế… nhưng tất cả chỉ là hình thức thôi, kỳ thực chúng đã đi vào nhau chẳng còn phân biệt đâu là chuối, đâu là ốc. Ngon lắm. Dám chắc, giò chả bày trên mâm sẽ tức giận nghiêng chao khỏi đĩa.

Với người, chuối cùng no đói, buồn vui. Khi từ giã cõi tạm về nơi vĩnh hằng, chuối là thứ đầu tiên ngoài vườn bước vào. Hai cây chuối đứng hai bên, đứng trước tấm ảnh người quá cố. Khói hương nghi ngút, bát hương là đoạn thân chuối chắc chắn cội rễ. Chuối đi cùng kiếp người, nhìn tầu lá im lặng trong khói hương mà nhớ bao nhiêu kỷ niệm. Chuối ơi, lời thầm thì vào chuối, con dao tức giận cũng vào chuối, chuối chẳng chấp nhặt làm gì. Đi đâu, ở đâu vẫn cùng bên.

Tết lại đến rồi! Năm nay dặn trước bạn trong làng hai nải chuối thật đẹp. Nhà ai cũng thế không giàu thì nghèo, ngày Tết nhìn cái bàn thờ thấy nải chuối là yên lòng. Dẫu có chuối rồi, tôi vẫn đi chợ Tết, thời gian dành nhiều nơi hàng chuối. Ba, bốn, năm chục... một nải. Đắt gì đâu cái hồn quê, gió đưa tàu chuối sau nhà, mẹ già như chuối chín cây… Quê hương ơi, tôi nâng nải chuối lên nghe.

DU AN

;
.
.
.
.
.