Làm tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

.

Nhằm khống chế kịp thời, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm, các ngành chức năng, trong đó chủ lực là Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu triển khai nhiều giải pháp để tăng cường phòng, chống các bệnh lây nhiễm.

Tập huấn công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho đội ngũ cán bộ y tế, tuyên truyền viên trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: ĐVCC
Tập huấn công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho đội ngũ cán bộ y tế, tuyên truyền viên trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: ĐVCC

Kiểm soát tốt dịch bệnh trong tình hình mới

Theo nhận định của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, năm 2024, các bệnh thường xuất hiện trên địa bàn như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận là 146 ca mắc (giảm 49 ca so với cùng kỳ năm 2023), xuất hiện 27 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết; 17 ca mắc tay chân miệng, địa phương có số ca mắc cao nhất là phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc; 71 ca mắc bệnh thủy đậu, giảm 4,05% ca; chưa ghi nhận ca mắc sốt phát ban nghi sởi.

Ông Ngô Văn Dũng, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu cho biết, Liên Chiểu là địa bàn có hoạt động giao thương, du lịch, dịch vụ diễn ra sôi động, lại tập trung đông lượng công nhân sinh sống cùng với thời tiết thay đổi bất thường, làm tăng nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh. Từ đầu năm 2024, đơn vị triển khai kế hoạch công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; bảo đảm kinh phí cũng như huy động các các nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, chủ động tăng cường triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch truyền nhiễm, chủ động theo dõi, giám sát tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, nhằm phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Công tác phòng, chống dịch triển khai thường xuyên, cập nhật số liệu hằng ngày tại hệ thống phần mềm 54 bệnh truyền nhiễm, các ca bệnh đều được hướng dẫn và điều tra xử lý chặt chẽ. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phòng chống các bệnh truyền nhiễm luôn nhận được sự quan tâm và phối hợp tích cực từ người dân cũng như các khu dân cư trên địa bàn quận Liên Chiểu. Bà Nguyễn Thị Bích (50 tuổi, ở đường Trần Đình Tri, phường Hòa Minh) bày tỏ, sau khi được cơ quan chức năng tuyên truyền đã nắm được các bước xử lý cần thiết khi mắc phải các bệnh truyền nhiễm: “Trong nhà có cháu nhỏ nên chúng tôi không chủ quan đối với việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm”.

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm ghi nhận số ca mắc tăng đột biến ở nhiều phường. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu liên tục có những văn bản tham mưu UBND quận triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Yêu cầu UBND các phường, trường học trện địa bàn tăng cường công tác phối hợp với ngành y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động kiểm soát, giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên người, động vật để có biện pháp kịp thời xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan.

“Trung tâm Y tế quận phối hợp các ngành chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát chó, mèo thả rông, không rọ mõm, động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại; tuyên truyền, vận động, đề nghị người dân tiêm và tiêm nhắc lại vắc-xin phòng dại cho động vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp cho người dân về đặc điểm, tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cách nhận biết người và động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại; hướng dẫn người dân cách sơ cứu ban đầu ngay khi bị chó, mèo cắn và đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá, tư vấn, điều trị dự phòng kịp thời”, ông Ngô Văn Dũng cho hay.

Theo ông Trần Công Hoan, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Hòa Hiệp Bắc, địa bàn tổ trải dài qua nhiều tuyến đường và hệ thống các kiệt hẻm chằng chịt nên công tác tuyên truyền, nhắc nhở, vận động bà con nhân dân nêu cao ý thức trong việc chấp hành các biện pháp để phòng, chống các bệnh lây nhiễm gặp nhiều khó khăn.

“Công tác tuyên truyền phòng, chống các bệnh truyền nhiễm luôn được chúng tôi thực hiện thường xuyên hằng năm, bằng nhiều hình thức khác nhau như ra quân dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp. Tuy vậy, thực thế vẫn còn những cá nhân, hộ gia đình chưa có ý thức cao trong việc chung tay cùng cộng đồng xây dựng khu dân cư có môi trường sống an toàn, vẫn còn xảy ra tình trạng người dân nuôi, thả chó chạy rong hoặc không quan tâm đến việc tiêm ngừa phòng bệnh cho vật nuôi. Đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng có lẽ cần có chế tài hoặc biện pháp mạnh hơn nữa để không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh”, ông Hoan nói.

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.