Phòng chống tệ nạn xã hội

Cai nghiện tại cộng đồng: Hướng đi đúng

.

Với những cách làm quyết liệt, sáng tạo, mô hình cai nghiện tại cộng đồng đã từng bước khẳng định đây là một hướng đi đúng đắn, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian đến.  

Những thanh-thiếu niên sử dụng ma túy lần đầu trong một chuyến đi thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. 			   Ảnh: THANH VÂN
Những thanh-thiếu niên sử dụng ma túy lần đầu trong một chuyến đi thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Ảnh: THANH VÂN

Chị L.T.L ở phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) vẫn còn nhớ như in cảm giác chết lặng khi nghe Công an khu vực đến nhà thông báo đứa con trai mới học lớp 11 của mình sử dụng ma túy. Đang rối bời, chị L. được cán bộ UBND phường, Công an khu vực đến hướng dẫn cho con trai cai nghiện tại nhà. “Quả thực lúc đầu tôi cũng vừa mừng vừa lo với phương án cai nghiện tại nhà, tuy nhiên những tháng sau đó, nhờ kiên trì đưa con lên Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố cai nghiện, đến nay, con tôi đã hoàn toàn cai nghiện, hoàn thành chương trình phổ thông, hiện đang học nấu ăn”, chị L. không giấu niềm vui thổ lộ.
Con trai bà L. là một trong nhiều trường hợp cai nghiện thành công từ mô hình cai nghiện cộng đồng.

Đánh giá về công tác cai nghiện tại cộng đồng trong thời gian qua, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, trước đây, tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đã gặp khó khăn rất nhiều, thậm chí là thất bại khi triển khai việc cai nghiện tại cộng đồng. Rút kinh nghiệm từ thực tế, gần đây thành phố có nhiều giải pháp nên công tác cai nghiện tại cộng đồng thu được những tín hiệu khả quan. Tính từ tháng 9-2014 (thời điểm triển khai việc cai nghiện tại cộng đồng) đến tháng 3-2020, thành phố có 841 người cai nghiện tại cộng đồng. Trong số này, 414 người cai nghiện tự nguyện và 427 người cai nghiện bắt buộc. Kết quả, có 678 người hoàn thành chương trình cai nghiện 3 tháng, 163 người tái nghiện trong thời gian cai nghiện, 46 người vẫn đang trong quá trình cai nghiện.

Để có được kết quả rất khả quan này, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến và cách làm hay để bảo đảm người cai nghiện không tái nghiện. Ngoài Bệnh viện Y học Cổ truyền và Bệnh viện Tâm thần thành phố đã làm tốt công tác điều trị cắt cơn, ổn định tinh thần, các trung tâm y tế quận, huyện đảm nhận việc cắt cơn giải độc. Bên cạnh đó, sự quan tâm của chính gia đình và giám sát theo dõi động viên của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương cũng trở thành nguồn lực tiếp sức người nghiện thêm động lực để cai nghiện. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt việc hỗ trợ vốn làm ăn, tạo điều kiện học nghề, giúp người cai nghiện vừa có công ăn việc làm, tránh “nhàn cư vi bất thiện”.

Theo thống kê, trong 4 năm qua (2016-2019), đã có 544 người cai nghiện có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được hỗ trợ hơn 423 triệu đồng để tổ chức làm ăn; 34 trường hợp được hỗ trợ số tiền 264 triệu đồng để sửa chữa nhà; 73 trường hợp được bố trí nhà ở chung cư; 174 người được vay vốn làm ăn. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ hơn 600 trường hợp gặp khó khăn đột xuất với số tiền gần 200 triệu đồng... Đây không đơn thuần là sự giúp đỡ về nguồn lực mà còn là sự thông cảm chia sẻ, là nguồn động viên rất lớn để người nghiện thêm quyết tâm cai nghiện.

Dù đã có những thành công ban đầu kể trên, song với diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là việc “trẻ hóa” người sử dụng chất cấm cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách về phòng, chống ma túy hiện chưa đồng bộ, nhất là các chính sách về hỗ trợ công tác dự phòng nghiện, tái nghiện chưa phù hợp với thực tế.... Vì vậy, trong thời gian đến rất cần sự thay đổi các chính sách của Nhà nước, sự chung tay quyết liệt hơn nữa của cả xã hội và sự chung sức của chính gia đình để công tác cai nghiện tại cộng đồng nói riêng và cai nghiện ma túy nói chung mang lại hiệu quả như mong đợi.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.