Người Đà Nẵng

Thầy giáo 14 năm dạy học trò bằng ánh mắt, cử chỉ

16:47, 10/12/2022 (GMT+7)

ĐNO - Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ lại càng khó khăn gấp bội. Ấy thế nhưng với thầy Nguyễn Xuân Việt, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, chỉ cần được nhìn thấy các em tiến bộ hằng ngày là bao mệt nhọc đều tan biến. Động lực đó giúp anh gắn bó với những học sinh đặc biệt suốt 14 năm qua.

Thầy Nguyễn Xuân Việt đang giúp cho một trẻ tự kỷ tập vận động. Ảnh: THẢO NGUYÊN
Thầy Nguyễn Xuân Việt đang giúp cho một trẻ tự kỷ tập vận động. Ảnh: THẢO NGUYÊN

Tốt nghiệp khóa đầu tiên (năm 2008) của ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, anh về nhận công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ban đầu anh được phân công là giáo viên hỗ trợ của lớp 2 – đây là lớp có học sinh khuyết tật trí tuệ nặng nhất của trường. Công việc của người giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy mà còn trở thầy bảo mẫu cho các em, thậm chí đảm nhận luôn vệ sinh cho những học sinh không làm chủ được việc tiểu tiện, đại tiện, thậm chí quậy phá, làm đau thầy.

Thế nhưng anh không nản lòng. Đối với thầy Việt, chỉ cần các em đọc và làm được những phép tính đơn giản cũng khiến anh vui và hạnh phúc. Học sinh của thầy có nhiều dạng khuyết tật khác nhau: từ bại não, tự kỷ, khiếm thính, khiếm thị, tăng động đến khuyết tật vận động... Vì vậy, phương pháp dạy của thầy cũng uyển chuyển, linh hoạt như: dỗ dành, năn nỉ, khen ngợi…. “Dạy trẻ tự kỷ rất khó, nếu không kiên nhẫn thì không thể làm được bởi các em không thể tiến bộ ngay mà có khi là cả một quá trình rất dài”, thầy Việt chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả trong dạy học, thầy Việt đã áp dụng hiệu quả phương pháp Dohsa-hou dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Theo thầy Việt, phương pháp Dohsao-hou thể hiện tính ưu việt của nó so với các phương pháp trị liệu tâm lý truyền thống khác là ít tốn kém,  không đòi hỏi những điều kiện quá phức tạp (dụng cụ tập luyện, phòng ốc, chi phí...), mang lại hiệu quả tức thời và lâu dài trong trong công tác can thiệp sớm, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Phương pháp này đòi hỏi những kỹ năng thực hành cơ bản: kỹ năng hướng dẫn, kỹ năng tạo mối quan hệ gần gũi, an toàn; kỹ năng giao tiếp;  kỹ năng khích lệ, động viên, đồng cảm... giữa chuyên gia trị liệu và người bệnh. Hơn 20 năm qua, phương pháp tập luyện vận động Dohsa-hou được xem là chương trình phục hồi chức năng dựa vào liệu pháp tâm lý hiệu quả nhất ở Nhật Bản.

Nhờ phương pháp này, thầy Việt đã giúp nhiều em tiến bộ. Đơn cử như em N.K (7 tuổi) đang học tại trung tâm. Lúc mới vào N.K không quan tâm gì ngoài đồ chơi và không lúc nào chịu ngồi yên. Vậy là, nhân lúc đang tập trung vào các trò chơi, thầy nhẹ nhàng đến bên cạnh và sử dụng kỹ thuật tập Dohsa-hou “ấn thả” tại một số điểm trên cơ thể K. Sau đó, khi K. đã quen với môi trường mới, thầy Việt thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, vận động tinh, vận động thô, giao tiếp. Đến thời điểm hiện tại, K. đã thay đổi nhiều, em chịu hợp tác và tham gia vào các hoạt động do thầy đưa ra.

Hay như em M.T (11 tuổi) bị hội chứng rối loạn phổ tự kỉ, mức độ nặng vừa. T. có thể nhắc lại những từ, câu đơn giản của người khác, tuy nhiên phát âm chưa rõ và luôn căng thẳng và tỏ ra lo lắng khi người khác nói to, hoặc khi nghe những âm thanh lớn. T. được gia đình đưa vào trung tâm và bắt đầu tham gia tập luyện phương pháp Dohsa-hou từ tháng 10-2020. Ban đầu, T. luôn trong tâm trạng bất an. Việc tiếp xúc và tập luyện là vô cùng khó khăn bởi em chưa chấp nhận việc người khác đụng chạm, tập luyện trên cơ thể.

Thế nhưng, thầy Việt không bỏ cuộc. Thầy đã từ từ làm quen, chơi với em và đã áp dụng được các bài tập “ấn - thả” tại các điểm khác nhau trên cơ thể em. Sau thời gian tháng tập luyện phương pháp Dohsa-hou, em T. đã có nhiều cải thiện trong việc tương tác, giao tiếp cùng giáo viên. Em đã hiểu và thực hiện theo được các yêu cầu, hướng dẫn của thầy như: nằm xuống, nâng cánh tay lên, hạ cánh tay xuống, ngồi thẳng lưng, thả lỏng cơ thể.

Hơn 10 năm đi qua những vất vả, xen lẫn niềm vui khi thấy trò tiến bộ cho đến ngày hôm nay, anh bảo, phải nỗ lực và kiên trì, thực sự yêu thương trẻ thì mới có thể bám trụ được với nghề. Sự tiến bộ rất đỗi bình dị của trẻ như biết gọi ba, gọi mẹ, biết cảm ơn, xin lỗi… chính là niềm vui, hạnh phúc và động lực để anh bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

THẢO NGUYÊN

.