Người Đà Nẵng

Quán cơm chay ấm lòng người lao động nghèo

14:43, 19/05/2019 (GMT+7)

ĐNO - Hơn 3 năm nay, quán cơm chay tùy hỷ Hồng Minh tọa lạc trên đường Bùi Giáng (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo. Cứ vào giờ cơm trưa và tối, những bác xe ôm, người bán vé số, buôn ve chai, thợ nề và cả sinh viên tập trung về đây dùng bữa, nghỉ ngơi.

Bà Sương luôn xem những cụ già, người lao động nghèo như người thân trong gia đình.
Bà Sương (phải) luôn xem những cụ già, người lao động nghèo như người thân trong gia đình.

Theo bà Mậu Thị Thu Sương (SN 1968, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) – chủ quán, địa bàn phường Hòa An là nơi tập trung đông người lao động nghèo. “Hằng ngày, nhìn những người chạy xe ôm, bán vé số, ve chai vất vả mưu sinh dưới cái nắng gay gắt rồi ăn qua loa gói mì tôm, cái bánh mì, tôi luôn mong mỏi sẽ làm một điều gì đó giúp đỡ phần nào cuộc sống mưu sinh khó khăn của họ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đem ý định mở quán ăn chay nói với gia đình và đã nhận được sự ủng hộ”, bà Sương nhớ lại.

Nghĩ là làm, bà tìm mua đất, thuê người xây dựng quán. Tuy chỉ là quán cơm nhưng bà cho xây dựng kiên cố, mát mẻ, rộng rãi. Bà mong muốn nơi đây không chỉ đơn thuần là quán cơm mà còn là nơi dừng chân nghỉ ngơi vào buổi trưa cho người lao động nghèo.

Bà Sương đang chuẩn bị thức ăn để phục vụ bữa trưa cho khách.
Bà Sương (phải) chuẩn bị thức ăn để phục vụ bữa trưa cho khách.

Những ngày mới mở, quán đìu hiu vài ba người đến ăn. Dần dà, mọi người truyền tai nhau đến càng ngày càng đông. Hiện nay, mỗi ngày quán phục vụ từ 500-600 lượt người. Những ngày rằm, mồng một, lượng người tìm đến quán ăn chay đông hơn. Quán có nhiều món chay đa dạng như: cơm, bún, mỳ Quảng.

Điều đặc biệt của quán là khách đến ăn tự phục vụ. Mỗi người đến quán tự lấy thức ăn theo đúng khẩu phần. Ăn xong tự dọn chén, dĩa đặt vào chậu. Đây chính là điều mong mỏi của bà Sương khi muốn tạo thành thói quen tốt cho khách đến quán mình .

Quán mở cả ngày, từ sáng đến tận tối mịt, bảo đảm bất kỳ ai ghé đến quán đều có đồ ăn. “Có những người mải làm việc đến quá trưa hoặc đến quán khi đã 8, 9 giờ tối. Có những hôm quán hết đồ ăn, tôi phải chạy đi mua bún, bánh hoặc nấu vội gói mì cho họ ăn lót dạ. Giờ ấy đa phần các quán đều bán hết, nếu không có gì ăn thì có thể đêm ấy họ sẽ để bụng đói đi ngủ. Họ tìm đến mình vì họ cần. Mà họ đã cần thì mình phải cố gắng giúp”, bà Sương tâm sự.

Thức ăn ở quán luôn đảm bảo an toàn, sạch sẽ và đa dạng để mọi người lựa chọn.
Thức ăn ở quán luôn bảo đảm an toàn, sạch sẽ và đa dạng để khách lựa chọn.

Để mọi người thoải mái khi đến ăn, bà Sương ghi tên quán là “tuỳ hỷ” thay vì “0 đồng” hay “miễn phí” như những nơi khác. Dòng chữ “ăn tùy ý, tiền tùy tâm” dán ngay bàn thức ăn như thầm nhắc mọi người cứ thoải mái ăn no, đừng ngần ngại.

Mỗi người đến quán tự lấy cơm, tự gắp thức ăn theo khẩu phần, ăn xong thì bỏ tiền vào chiếc thùng “tùy hỷ”. Người có nhiều bỏ nhiều, người có ít bỏ ít. Người nào hôm ấy chưa chạy được cuốc xe, chưa bán được tờ vé số nào thì “khất” lại hôm sau. Cũng có người bỏ vào thùng mấy tờ vé số ế, đồng tiền lẻ 500 đồng, hay đơn giản chỉ là mảnh giấy trắng ghi mấy chữ nghệch ngoạc: “Cảm ơn quán”.

Gần 1 năm nay, quán cơm chay tùy hỷ Hồng Minh đã trở thành nơi quen thuộc của bà Nguyễn Thị H. (81 tuổi, bán vé số) vào giờ cơm trưa. Dù cho hôm đó có đi bán xa cách mấy cây số nhưng cứ đến giờ cơm là bà lại về quán ăn. “Dù đã từng đi ăn ở nhiều nơi rồi nhưng tôi vẫn thích quay lại quán. Mọi người ở đây rất tốt, đồ ăn ngon và sạch sẽ. Thêm nữa, là quán chay tùy hỷ nên mọi người rất thoải mái khi ăn cơm”, bà H. nói.

Vừa ăn cơm, bà Trần Thị B. (56 tuổi, bán vé số) chia sẻ: “Lúc chưa có quán này, buổi trưa tôi thường ăn qua loa ổ bánh mì cho xong bữa. Từ ngày biết quán, tôi thường đến đây ăn. Thức ăn ở đây ngon và rất nhiều món. Đặc biệt, mọi người tự lấy thức ăn nên bữa nào tôi cũng ăn rất no”.

Sau khi ăn, mọi người bỏ tiền vào thùng
Sau khi ăn, bà Nguyễn Thị Hợi tự tay bỏ tiền vào thùng "tùy hỷ".

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hương (55 tuổi), đầu bếp chính của quán, các món ăn ở đây rất đa dạng, gồm cơm, bún, mỳ Quảng nên mọi người có thể lựa chọn ăn tùy thích. Nguyên liệu để nấu luôn được lựa chọn rất kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn, sạch sẽ cho mọi người.

Thời gian đầu mở quán, bà Sương là người trực tiếp đi mua thực phẩm, đứng bếp chế biến. Để có những bữa cơm ngon lành, sạch sẽ cho người ăn, bà phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ, chọn mua thực phẩm tươi ngon về chế biến.

“Để những bữa cơm chay bảo đảm sức khỏe cho người lao động nghèo làm việc, tôi rất chú trọng lựa chọn thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng. Trong thời buổi hiện nay, ăn nhiều rau củ quả sẽ tốt cho sức khỏe hơn là ăn thịt động vật”, bà Sương nói.

Dần dà khách đông, một mình làm không xuể, bà thuê thêm người phụ nấu ăn, rửa bát. Tuy tất bật là thế nhưng bà Sương luôn tươi cười vui vẻ, chu đáo, tận tình giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những cụ già khi đến quán.

Sau khi quán vãng khách, mọi người cùng ngồi lại và ăn bữa tối với những món còn lại.
Sau khi quán vãng khách, những người làm việc trong quán cùng ngồi ăn tối với những món còn lại.

Nhìn người phụ nữ ngoài 50 nhỏ nhắn với nụ cười luôn thường trực trên môi, không ngớt lời hỏi thăm những cụ già, bác xe ôm đến quán, những người đến ăn đều cảm thấy ấm lòng. Chứng kiến những người lao động nghèo ăn ngon lành những món ăn do chính tay mình nấu, với bà Sương đó là hạnh phúc. Ước nguyện mang đến cho người lao động nghèo những bữa cơm no cùng với tình yêu thương giữa người với người không một chút toan tính của bà Sương nay đã thành hiện thực.

Không chỉ mở quán chay giúp đỡ người khó khăn, bà Sương còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, đến những vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi,… để giúp đỡ người nghèo khó. Bà Sương còn nhận nuôi khoảng 5 sinh viên, cho các em ăn, ở tại nhà mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các em yên tâm học tập.

Hằng tháng, bà Sương dùng chính số tiền “tùy hỷ” của người ăn cơm để tổ chức những buổi phát cơm từ thiện tại các bệnh viện với mong muốn mọi người cùng san sẻ với nhau bằng tâm nguyện “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

.