Tầm nhìn mới, khát vọng mới

.

Từ cột mốc ghi dấu ấn lịch sử 29-3-1975 đến nay, nhất là từ tháng 1-1997, khi Đà Nẵng chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, vị thế, tầm vóc của Đà Nẵng đã không ngừng được nâng lên qua từng chặng đường phát triển.

Biểu hiện cụ thể qua những thành tựu, những con số, những công trình hạ tầng, những biến đổi tích cực về mức sống và trình độ sống của cộng đồng dân cư... Đó là kết quả của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, của các thế hệ lãnh đạo và các thế hệ người dân, vì tình yêu và niềm tự hào về thành phố trong quá khứ, hiện tại và cả niềm tin ở tương lai tươi sáng. Đó cũng là kết quả của sự kết nối liên thông, sự phối hợp của các địa phương trong cả nước với Đà Nẵng, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với thành phố trọng điểm của miền Trung, qua mỗi bước thăng trầm.

Nhớ lại tháng 9-2003, Đà Nẵng đón tập thể Bộ chính trị vào thăm và làm việc, và chỉ một tháng sau, Nghị quyết  số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ra đời. Nghị quyết 33-NQ/TW đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.”

15 năm sau, ngày 13-12-2018, Bộ Chính trị (khóa XII) do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những nhận định quan trọng về vị thế của Đà Nẵng: “Đà Nẵng dần khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung-Tây Nguyên; là đầu mối giao thông quan trọng, đi đầu trong hội nhập quốc tế. Văn hóa-xã hội phát triển và có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước”.

Và một năm sau cuộc làm việc quan trọng đó, ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với tư duy mới mang hơi thở của thời đại kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ chính trị khẳng định mục tiêu đến năm 2030 “xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội  lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”. Cùng với những nội dung then chốt, quan trọng về xây dựng Đảng, bảo đảm quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo, Bộ chính trị cũng chỉ ra một tầm nhìn mới cho Đà Nẵng vươn tới “trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo…”.

Những tư tưởng chỉ đạo như vậy của Bộ chính trị cũng đã được xuyên thấm trong Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; và những nội dung rất cụ thể vừa có tính chiến lược phát triển trong Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê  duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Điều trùng hợp đáng nói là hai văn kiện quan trọng này đều được ban hành ngay trong năm 2020, khi mà Đà Nẵng đang phải căng mình thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phải chống đỡ có hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa phải lo ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Và những dấu hiệu hồi phục, dần dần phát triển trong những ngày tháng của quý 3 này với nhiều dự án, công trình khởi công, khánh thành đang cho thấy những văn kiện như vậy, cùng với Nghị quyết 43-NQ/TW, có ý nghĩa động viên lớn lao như thế nào để  Đà Nẵng tự tin vươn tới những mục tiêu cao cả trong tương lai!

Những nhận định và tư tưởng chỉ đạo nói trên của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với Đà Nẵng không chỉ mang ý nghĩa động viên, mà ở thời điểm quan trọng chuẩn bị Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Đây đồng thời còn là sự định hướng cho Đà Nẵng có được một tầm nhìn mới phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của thời đại và của đất nước.

Ngày mới chia tách trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương cách đây 23 năm, chúng ta đặt ra mục tiêu “Phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, GDP bình quân đầu người phấn đấu đến cuối năm 2000, đạt mức khoảng 700 USD. Đến Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII này, mục tiêu tổng quát đặt ra cụ thể hơn và tiếp cận với những yêu cầu của thời kỳ mới, đó là đưa Đà Nẵng “trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”...; “hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”. Và ở Đại hội lần này, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tầm nhìn mới đến năm 2030, Đà Nẵng phải là “một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á” như Nghị quyết 43-NQ/TW đã nêu. Với quyết tâm chính trị cao, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đà Nẵng phải phấn đấu để đạt được tư tưởng chỉ đạo của Trung ương về một vị thế mới của thành phố ở tầm khu vực.

Vị thế mới sẽ tạo ra tầm nhìn mới. Tầm nhìn mới hun đúc khát vọng mới. Nói đến khát vọng, người ta thường nghĩ về tuổi trẻ. Nhưng trong sự nghiệp xây dựng Đà Nẵng phát triển trên tầm cao mới, khát vọng phải được lan tỏa trong tất cả cộng đồng. Khát vọng vươn lên phải được ở từng vị trí công việc, từng hoàn cảnh sống cụ thể. Tất cả vì một thành phố phát triển trong tương lai. Tương lai không phải là cái gì khó hình dung, khó đoán định. Bởi chính những con người Đà Nẵng hôm nay đang lao động sáng tạo ra tương lai của thành phố mình, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội, một tương lai đang bắt đầu từ trong hiện tại của ngày hôm nay.

Thành phố Đà Nẵng những ngày này vẫn bộn bề công việc với nhiều khó khăn, thách thức đang hiện hữu trước mắt. Nhưng đã thành như một quy luật, mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ lại như một sự kiện truyền đi một nguồn năng lượng mới lan tỏa trong đời sống chính trị, xã hội của địa phương. Đại hội sẽ quyết định những vấn đề có tính chiến lược trong sự phát triển của thành phố và những mục tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể, thiết thực gắn với thực tiễn hiện nay. Chắc chắn những mục tiêu đặt ra không phải là điều dễ dàng đạt tới bởi thách thức vẫn đang còn phía trước.  Nhưng nếu có một tầm nhìn mới, hợp quy luật, một khát vọng mãnh liệt hướng tới tương lai, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chắc chắn thành phố chúng ta sẽ phát triển bền vững, xứng đáng là một thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.