.

Khắc khoải đảo xa

.

Hoàng Sa suốt 4 ngàn năm qua và nhiều ngàn năm sau mãi là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Gần trăm triệu trái tim con dân Việt trên khắp thế giới đều đập chung một nhịp, chí quật cường cuộn thành cơn sóng dữ cản ngăn bất cứ thế lực ngoại xâm nào muốn chia cắt sự toàn vẹn của Đất Mẹ.

Từ trái qua: Các ông Phan Ngọc Chung, Tạ Song, Lê Lan nhìn lại đảo Hoàng Sa trên trang bìa của Báo  Đà Nẵng cuối tuần chuyên đề “Hoàng Sa – 40 năm TQ cưỡng chiếm trái phép”. Ảnh: V.T.L
Từ trái qua: Các ông Phan Ngọc Chung, Tạ Song, Lê Lan nhìn lại đảo Hoàng Sa trên trang bìa của Báo Đà Nẵng cuối tuần chuyên đề “Hoàng Sa – 40 năm TQ cưỡng chiếm trái phép”. Ảnh: V.T.L

Mỗi lần VTV đưa tin thời tiết ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những người từng ra đảo để bảo vệ biên cương lại dấy lên nhiều xúc cảm. Với những người từng ra Hoàng Sa, dù đã 40 năm qua kể từ khi quần đảo có tên gọi thuần Việt là Bãi Cát Vàng này bị Trung Quốc (TQ) dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép, nhưng nào ai dễ nguôi quên một Hoàng Sa vẫn chưa đoàn viên cùng Đất Mẹ Việt Nam.

Khi người Hoa bất bình... Trung Quốc

Tôi quen biết ông Tạ Song (Hai Song) đã 6 năm nay, nhưng vừa rồi về Hội An thăm ông và những người từng công tác ngoài Hoàng Sa mới biết ông gốc người Hoa ở Phúc Kiến. Tiền nhân ông và những người các họ tộc khác, sau biến cố Nhà Minh bị Nhà Thanh truất phế, từ đầu thế kỷ XVII đã rời đất nước Trung Hoa sang Đàng Trong của Đại Việt lập làng Minh Hương ở Hội An với ước nguyện “Phản Thanh phục Minh”. Ông bảo, người Hoa ở Hội An hiện ít ai quan tâm đến chuyện Minh Hương nghĩa là “những người đồng hương cùng gốc gác nhà Minh”, bởi qua những mối quan hệ gia đình (người Minh Hương lấy vợ người Việt và ngược lại) bao đời nay, tất cả đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Ông Hai Song, cuối năm 1970, khi đang làm y tá ở Ban Quân y Chi khu Điện Bàn, Tiểu khu Quảng Nam thì được lệnh ra Hoàng Sa, đợt thứ 44. Ở đảo, ngoài những lúc đi câu cá, ông thường đứng tần ngần bên tấm bia chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, nhìn về đất liền hướng mặt trời lặn mà tưởng tượng lớp lớp người xưa giong buồm ra nơi này để thực thi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mấy năm nay, nghe báo chí, truyền hình đưa tin TQ cắt cáp, cướp tàu, bắt ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên lãnh hải Tổ quốc mình, ông uất ức lắm. Không biết chia sẻ với ai, đành than thở với ông bạn già Phan Ngọc Chung gần nhà, người từng hai lần ra Hoàng Sa.

Hôm 2-5 vừa qua, sự việc TQ “cắm” giàn khoan Hải Dương-981 ngay sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, với ông, là giọt nước tràn ly. “Chuyện này, người Hoa ở Hội An dè dặt lắm, không ai dám nói chi. Tui thì tức chết đi được, định làm cái băng-rôn có hàng chữ Đả đảo Trung Quốc xâm lăng Việt Nam, thì may quá, đại tá Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng Công an thành phố Hội An, can ngăn, nói tui muốn làm thế phải được sự đồng ý của cấp thẩm quyền” - giọng ông chừng như vẫn hừng hực uất khí.

Tôi hỏi, vì sao không nói “xâm lược” mà nói “xâm lăng”. Ông bảo, xâm lăng đúng hơn chứ chú. Các từ điển tiếng Việt đều giảng xâm lược đồng nghĩa với xâm lăng: “Cướp đoạt chủ quyền và lãnh thổ của nước khác bằng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn chính trị, kinh tế”. Trong khi đó, Từ điển Hán Việt giảng xâm lược là “xâm phạm chiếm đoạt”, xâm lăng là “xâm phạm hiếp đáp”. Phục lăn ông già tuổi bát tuần này!

Con trai ông mở quán ăn. Mỗi lần nghe khách nói giọng lơ lớ là ông hét toáng lên: Người TQ hả? Quán không phục vụ người TQ! Nhưng rồi, nằm đêm ngẫm nghĩ, ông thấy mình hành xử như thế là gay gắt quá, “đầu nậu” (ông gọi thế) TQ làm sai, mình ghét lây dân TQ thì mình không đúng!

Ký ức Hoàng Sa

Trẻ nhất trong những người Đà Nẵng ra Hoàng Sa ngày đó có lẽ là anh Nguyễn Văn Dữ, hiện ở tổ 35 Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Năm 1973, tròn 20 tuổi, anh ra đảo khi đang là lính Địa phương quân Tiểu khu Quảng Nam. Tuổi thanh xuân phơi phới mộng mơ, 40 năm sau, cảm xúc Hoàng Sa còn đầy ắp trong anh: Những đêm trăng rằm, bầu trời không một áng mây che, ánh trăng trải dài trên mặt biển nhấp nhô tiếng sóng như réo gọi lòng người trong một chuyến đi xa…

Với anh, Hoàng Sa như một người yêu đã rời xa và chưa một lần gặp lại: Hoàng Sa ơi, sau 3 tháng ôm ấp Hoàng Sa trong lòng, giờ này tôi cùng bạn bè phải trở lại đất liền, tôi xin gửi lại Hoàng Sa những nỗi niềm không lúc nào quên. Tôi luôn ước ao sẽ có dịp trở lại Hoàng Sa…

Anh Lê Lan trẻ hơn anh Dữ 1 tuổi, từ Hội An mang cái lãng mạn của tuổi học trò ra Hoàng Sa, hành trang có chai rượu Cantina, một loại rượu Ý nổi tiếng, định giao thừa năm đó sẽ cùng anh em đón một cái Tết thật ấm cúng trên đảo. Thế mà, mới 28 tháng Chạp, lính TQ đã chiếm đảo, bắt người và “lượm sạch” (anh nói thế) mọi thứ, trong đó có chai rượu chứa cả mùa xuân của anh em trên đảo. Mọi người bị lính TQ bắt đưa lên tàu. Đang ỉu xìu như tàu lá héo thì anh nghe giọng rắn rỏi của thiếu tá Phạm Văn Hồng, sĩ quan Lãnh thổ Phòng 3, Quân đoàn I của quân đội Việt Nam Cộng hòa, câu nói chẳng thể nào quên: Anh em cứ yên tâm, sau lưng chúng ta còn có người dân Việt Nam và người dân thế giới, Hoàng Sa của chúng ta sẽ không bao giờ mất!

Ông Nguyễn Văn Đức hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh, ra đảo 14-10-1969 đợt 37 bằng Sự vụ lệnh của Bộ Chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam với chức danh đảo trưởng Hoàng Sa. Kế bên nhà Khí tượng dành cho những người ra Hoàng Sa “đo mưa đếm gió” là tòa nhà chính do người Pháp xây lúc nào không ai rõ, nó rất chắc chắn với lớp tường dày đến 2 mét để chống lại bão dữ biển khơi. Trước khi kết thúc chuyến đi đảo, ông đã cẩn thận ghi lại trên tường theo thứ tự những đợt ra quân giữ đảo từ đợt thứ 1 đến đợt 37.

Bức tường “niên biểu” đó giờ chắc gì còn, khi mà TQ âm mưu xóa sạch mọi dấu vết của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Song, những gì ghi tạc trong lòng những người từng ở đảo như ông thì không thể nào xóa được: “Mỗi khi nhớ đến Hoàng Sa, tôi nghĩ một ngày nào đó sẽ có dịp bước chân trở lại trên đảo với niềm tự hào đó là một phần của đất nước chúng ta và thuộc chủ quyền của ta”. Câu trích từ “Kỷ niệm những ngày tại Hoàng Sa” của ông đã được trang trọng đưa ra bìa 4 cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa ấn hành năm 2014, tái bản có chỉnh sửa, bổ sung.

Đảo trong trái tim con dân Việt

Ngày 9-6 vừa rồi, lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa tổ chức buổi gặp mặt thân mật những người từng ra Hoàng Sa trước năm 1974, trong đó có một người vừa tròn 40 tuổi đến dự với tư cách thay mặt… người đã khuất. Đó là anh Nguyễn Hoàng Sa, hiện ở Thới Lới - Cần Thơ, con của trung sĩ Nguyễn Thành Trọng, người đã hy sinh trên hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ 10) vào ngày 19-1-1974 trong vùng biển Hoàng Sa trước họng súng của lính TQ. Hơn 2 tháng sau đó, một sinh linh mồ côi cha ra đời, được mẹ đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa để tưởng nhớ người chồng “đi có về không” nhằm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Không ít người dù chưa một lần ra Hoàng Sa nhưng vẫn gửi lòng mình đến nơi thiêng liêng của Tổ quốc. Cựu tù yêu nước Trần Quang Tuấn đặt tên con là Hoàng Sa, Trường Sa. Lão nghệ nhân Đinh Văn Ý chuyên làm hòn non bộ hiện ở ngã tư Thanh Khê, nhớ mãi đoạn thơ hào hùng nhất trong bài học thuộc lòng thầy dạy gần 70 năm trước: “Hoàng Sa là Tổ quốc tôi/ Bốn ngàn năm tôi đã có/ Bốn ngàn năm lấy máu đắp giang sơn/ Bốn ngàn năm hoạt động để sinh tồn/ Nòi giống Việt luôn luôn khảng khái/ Không khuất phục quân thù khi thất bại/ Chả kiêu căng khinh địch lúc thành công…”. Mỗi khi tư vấn cho ai đó, ông lại đọc câu thơ xưa và khuyên khách làm cái hòn non bộ có hình nước Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Sa suốt 4 ngàn năm qua và nhiều ngàn năm sau mãi là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Thế nhưng, suốt 40 năm qua TQ đã dùng mưu ma chước quỷ “xâm phạm chiếm đoạt” Hoàng Sa và mới đây, cùng với mưu đồ đen tối đó, đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 “xâm phạm hiếp đáp” lãnh hải của Việt Nam. Gần trăm triệu trái tim con dân Việt trên khắp thế giới đều đập chung một nhịp, chí quật cường cuộn thành cơn sóng dữ cản ngăn bất cứ thế lực ngoại xâm nào muốn chia cắt sự toàn vẹn của Đất Mẹ. Đã 40 năm ròng con dân Việt ngày đêm mong ngóng Hoàng Sa, như con chim cuốc khắc khoải tiếng kêu thê thiết…

Ký của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.