.

Góc nhìn văn hóa từ di sản Đông y

.

Đông y hay Y dược cổ truyền (YDCT) là di sản văn hóa phi vật thể (theo điều 4 Luật Di sản văn hóa). Trong công cuộc đổi mới hiện nay của đất nước, một nhu cầu cấp thiết đang đặt ra cho ngành y tế là phải hiện đại hóa Đông y nhưng không làm mất đi bản chất, bản sắc của nền y học dân tộc này.

Cây thuốc Nam từ vườn nhà bước vô tủ thuốc gia đình và trở thành một nguồn dược liệu không thể thiếu ở khoa Đông y các bệnh viện. TRONG ẢNH: Quầy cấp thuốc Đông y tại Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang. Ảnh: V.T.L
Cây thuốc Nam từ vườn nhà bước vô tủ thuốc gia đình và trở thành một nguồn dược liệu không thể thiếu ở khoa Đông y các bệnh viện. TRONG ẢNH: Quầy cấp thuốc Đông y tại Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

Đói ăn rau, đau uống thuốc

Đó là một sự thật hiển nhiên, lại có cách hiểu khác: khi đói dùng làm rau, khi đau dùng làm thuốc; rau là thuốc, thuốc là rau.

Rau, quả, cỏ, cây vừa là thực phẩm dinh dưỡng, vừa là vị thuốc chữa bệnh, nhằm điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể.

Thuốc và rau nhiều khi chỉ khác nhau ở một vài phương cách chế biến, nhưng tựu trung đều gặp nhau ở mục đích tăng cường tính ngon, lành và bổ, sao cho cơ thể dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.

Dược học cổ truyền là sản phẩm kết tinh giữa cây xanh tự nhiên với truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Một đĩa rau trộn. Một bát canh rau tập tàng. Một ấm nước lá mùng Năm. Một nồi xông giải cảm. Một thang thuốc trị bệnh… Tất cả đều toát lên tính thống nhất (vạn vật đồng nhất thể hay thiên nhân hợp nhất), đường hướng ứng xử linh hoạt và tư duy tổng hợp của cư dân nền văn hóa gốc nông nghiệp. Rộng hơn và sâu hơn, là cái nhìn tương tức (không phân biệt, kỳ thị), “lưỡng cực nhất nguyên” (hai thái cực một nguồn gốc) của minh triết phương Đông.

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Không chỉ là dược liệu quen thuộc để phòng và chữa bệnh, trầu cau từ xa xưa đã hòa nhập vào đời sống cộng đồng, phong tục, tập quán tế trong văn hóa cổ truyền.

Miếng trầu để trai gái trao duyên hò hẹn. Cơi trầu, chén rượu để con cháu tế lễ ông bà...

Trầu cau không chỉ là truyện tích gởi gắm tình yêu vợ chồng, tình nghĩa anh em, gia tộc. Bộ ba trầu, cau và vôi còn gợi mở cho thấy con đường đi từ triết lý âm dương đến mô hình tam tài (thiên, địa, nhân), rồi phát triển thành học thuyết ngũ hành của triết học phương Đông.

Sự hòa hợp, hòa giải trong chuyện trầu cau, đó chính là đặc trưng khoan dung văn hóa của phương Đông, cũng là tính tổ chức cộng đồng và dung hòa quân - thần - tá - sứ trong cơ cấu của phương dược cổ truyền. (Quân là vị thuốc chính chữa bệnh; thần là vị thuốc giúp cho vị thuốc chính tác dụng tốt hơn; tá là vị thuốc hạn chế tác dụng phụ của “quân” và “thần”; sứ là vị thuốc dẫn 3 vị thuốc trên đến đúng “địa chỉ” cần điều trị - ĐNCT).

Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt

Câu này vốn được xem như “tuyên ngôn độc lập” của ngành YDCT Việt Nam do Y tổ Thiền sư Tuệ Tĩnh khai sáng. Đó là ngọn cờ mà trường phái y dược Tuệ Tĩnh đã dựng lên với tinh thần tự lực, tự cường, bất khuất của dân tộc, và được các thế hệ nối tiếp anh dũng giương cao, cho đến ngày nay đã trở thành một phương hướng chiến lược cho sự phát triển lâu dài của ngành dược Việt Nam.

Trong di sản văn hóa phi vật thể của YDCT dân tộc để lại, cùng với các câu tuyên ngôn này còn có gia tài hàng trăm tác phẩm y dược, từ chữ Hán, chữ Nôm đến chữ quốc ngữ, từ Tuệ Tĩnh, Lãn Ông... đến Đỗ Tất Lợi, đã được biên soạn, khắc in, biên dịch và xuất bản.

Và vẫn còn hàng ngàn tư liệu khác hàm tàng nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu của YDCT còn tản mác trong các thơ, phú, giai thoại, hay trong sách vở chép tay lưu truyền bao đời của các gia đình dòng họ có truyền thống nghề thuốc thuộc nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Khoa học, dân tộc và đại chúng

Túi góp trăm mùi, vườn trồng mọi vật/ Nên danh thầy giỏi, dùng thuốc có công… Một vài chấm phá trong bài Nam dược quốc âm phú của Tuệ Tĩnh thiền sư đã mở ra một “thế trận nhân dân” trong mặt trận bảo vệ sức khỏe với phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ” vẫn còn nguyên giá trị.

Từ tủ thuốc xanh hay vườn cây thuốc Nam trong các gia đình, đền chùa, công sở cho đến các mô hình phòng khám chữa bệnh từ thiện mà ngày nay ta gọi là Tuệ Tĩnh đường đều bắt nguồn từ những tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược và sự tổ chức thực hiện tài tình mà bậc Thánh y của dân tộc đã vạch ra.

Chính sự tồn tại hàng thế kỷ của các mô hình vườn thuốc, phòng khám ấy đã chứng minh hùng hồn cho tính hiệu quả và tính nhân văn sâu sắc, cũng như niềm tin mà nhân dân ta đã đặt để vào nền y học dân tộc của mình.

Một nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đó là một cống hiến quan trọng của trường phái y dược Tuệ Tĩnh đã để lại trong di sản văn hóa dân tộc.

Y đạo nhân văn, nhân bản

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ kế thừa xuất sắc đường lối y dược Tuệ Tĩnh bằng các tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo, Hành giản Trân nhu trong bộ Lãn Ông tâm lĩnh, mà còn lĩnh hội và phát huy tinh thần Thiền - Y mà tổ sư ngành thuốc nước ta chưa kịp diễn bày trọn vẹn.

Câu thơ “Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định thiền” (Đạo Y hiểu thấu tận cùng/ Chợt quên cơ sự lòng ngưng định Thiền) là một ví dụ. Thiền là trạng thái an lạc đỉnh cao con người có thể đạt được không phải bằng sự học hỏi tích góp kiến thức mà chính bằng sự rũ bỏ vượt thoát mọi vọng tưởng lăng xăng chia biệt tự nhiên và con người.

Với tâm cảm ấy, tập thơ Y lý Thâu nhàn và tập văn Thượng kinh Ký sự không chỉ còn mãi với chúng ta qua bộ Lãn Ông tâm lĩnh mà đã vượt thời gian không gian đến với bao bạn bè năm châu bốn biển, sống động qua từng trang tiểu thuyết Lãn Ông của nữ văn sĩ người Pháp Yveline Féray (NXB Văn Nghệ TP. HCM đã phát hành bản dịch tiếng Việt).

Có người cho rằng Lãn Ông vừa là một triết nhân thấu hiểu đạo trời đất, vừa là một y nhân nắm vững y lý y thuật, vừa là một hiền nhân thấm nhuần đạo xử thế, vừa là một nghệ nhân cầm kỳ thi họa. Đạo của ngài là Y đạo nhân văn nhân bản.

Phải chăng vì vậy mà trong gia sản văn hóa Việt Nam nói chung, Đông y nói riêng, có nhiều thầy thuốc nổi tiếng đồng thời là những chủ thể sáng tạo văn hóa nghệ thuật như Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Khắc Viện, Trương Thìn...?

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.