.

5 năm bám dân bám địa bàn

.

Ngay sau khi Hiệp định Genève (1954) được ký kết, Thành ủy Đà Nẵng đã gấp rút tổ chức một hội nghị tại Trung Lương để quán triệt nội dung Hiệp định, bàn biện pháp đối phó với địch trong những ngày đầu chuyển giai đoạn.

Các truyền đơn được Thành ủy rải đêm 20-10-1955 chống lại cuộc trưng cầu dân ý của Ngô Đình Diệm.
Các truyền đơn được Thành ủy rải đêm 20-10-1955 chống lại cuộc trưng cầu dân ý của Ngô Đình Diệm.

Đấu tranh cho hòa bình và thống nhất

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy 5, Thành ủy Đà Nẵng quyết định đưa tất cả các cán bộ quân sự, công an, các chiến sĩ quân đội... tập kết ra Bắc. Các cán bộ dân chính Đảng, cán bộ chính trị, cán bộ đoàn thể... được bí mật bố trí ở lại để tiếp tục lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Tất cả những người ở lại được tạo điều kiện thuận lợi để về sống hợp pháp với gia đình, vừa đi làm vừa hoạt động. Cũng trong hội nghị này, Thành ủy đã rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức Đảng, bố trí hơn 600 đảng viên còn lại tiếp tục hoạt động tại 38 chi bộ, rút gọn khung cán bộ lãnh đạo còn 5 người, do đồng chí Cao Sơn Pháo làm Bí thư. Đây chính là những đồng chí cốt cán để tổ chức đấu tranh.

Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng, Hòa Vang chuyển sang thời kỳ mới với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Dưới sự lãnh đạo bí mật của Đảng, mở đầu phong trào là cuộc xuống đường mừng hòa bình vào ngày 1-8-1954 với lực lượng chủ yếu là phụ nữ đã kéo đến căn cứ chuyên vận Đà Nẵng (tức đồn Võ Tánh) để đấu tranh mừng hòa bình, đòi địch thi hành hiệp định Genève, đòi trả chồng con đang bị giam giữ tại đây. Cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi khắp thành phố và các vùng phụ cận trong 3 ngày liền.

Bước qua năm 1955, địch mở các chiến dịch “tố cộng” tại Đà Nẵng bắt hơn 400 cán bộ, đảng viên buộc phải khai báo những cơ sở bí mật và tuyên bố ly khai cách mạng. Đứng trước tình hình nguy cấp đó, Thành ủy Đà Nẵng (lúc này do đồng chí Nguyễn Thành Long làm Bí thư) đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh công khai với địch, bảo vệ cán bộ và cơ sở cách mạng. Thành ủy Đà Nẵng tổ chức một hội nghị, theo tài liệu điều tra của Tòa thị chính Đà Nẵng: “Vào lúc 14 giờ, ngày 23-5-1955, Việt Cộng đang tổ chức hội họp tại xã Hòa Phú, Đại đội 4 lực lượng cảnh bị đồn trú lại Xuân Hòa liền phái một bộ phận đến vây bắt. Khi đến gần làng Hòa Phú, một người đứng canh gác thấy lính đến liền chạy vào giữa làng la to: Trâu ra bà con ơi! Kế đó, độ 50 người chạy ra ngoài làng, nhắm đồn binh Pháp ở Hòa Mỹ thẳng tiến”(1).

Trải qua 5 năm kiên trì bám dân, bám địa bàn để đẩy mạnh các hoạt động cách mạng, Đảng bộ Đà Nẵng dù chịu rất nhiều hy sinh, tổn thất, vẫn giữ vững được phong trào đấu tranh cách mạng, lãnh đạo quần chúng phát động trực diện đối đầu với kẻ thù hung hãn, nhiều lần buộc chúng phải khuất phục trước sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Nhiều cán bộ, đảng viên đã anh dũng hy sinh ngay trên tuyến đầu chống địch. Nhiều đồng chí thà chết chứ nhất quyết không chịu khai báo, nêu cao khí tiết sáng ngời của người đảng viên Cộng sản, đặc biệt là các đồng chí được bí mật cử ở lại Đà Nẵng để nuôi dưỡng phong trào.

Ngày 6-6-1955, phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh, Thành ủy Đà Nẵng đã phát động một cuộc đấu tranh rộng lớn, quyết liệt bằng nhiều hình thức, đòi địch phải tôn trọng hiệp định, thực hiện tổng tuyển cử và chấm dứt khủng bố. Cuộc đấu tranh này kéo dài cho đến ngày 21-8 thì nổ ra cuộc đình công bãi thị trên phạm vi toàn thành và bị địch đàn áp rất dã man. Trong cuộc bãi thị này, Đà Nẵng tập hợp được 2.000 bản kiến nghị và 3.609 chữ ký tại Hòa Vang.

Tháng 9-1955, địch lại mở chiến dịch “tố cộng” một cách ác liệt hơn, truy bắt hàng ngàn cán bộ, đảng viên phải tập trung học tập, trong đó 716 người bị địch đưa vào “cải tạo tư tưởng”. Nhiều người không giữ vững khí tiết đã đầu hàng địch, làm cơ sở cách mạng bị vỡ hàng loạt ở cả nội và ngoại thành. Hàng chục hầm bí mật ở Thạc Gián, Hà Khê, Liên Chiểu... bị khám phá, hàng trăm cơ sở bị bắt, hàng chục đảng viên trung kiên bị địch bí mật thủ tiêu. Đây là đợt vỡ lớn đầu tiên ở Đà Nẵng sau gần 2 năm trụ bám để lãnh đạo phong trào.

Mặc dù các đồng chí ta bị bắt rất nhiều nhưng số còn lại vẫn kiên trì tổ chức đấu tranh. Trước khi Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức rải truyền đơn ở khắp các ngả đường, nói rõ âm mưu của địch. Cũng theo tài liệu điều tra của Tòa thị chính Đà Nẵng thì vào “đêm 20-10-1955, lúc 20 giờ, một bọn lưu manh [tức cán bộ của ta] rải truyền đơn trên các ngả đường: Đại lộ Thống Nhất, Đại lộ Phan Châu Trinh, đường Hoàng Diệu (khu vực Nam Dương đến Chợ Mới), với nội dung: Hô hào đòi chính quyền miền Nam cử Đại biểu hiệp thương với Chính phủ Việt Cộng; Trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 là trò hề; Yêu cầu giải quyết nạn thất nghiệp, chống khủng bố của chiến dịch tố cộng…; …lúc 1 giờ 30 sáng 21-10-1955, cũng một số truyền đơn như trên được rải trên đường Nguyễn Hoàng (gần ga xe lửa) và trước ga chợ Hàn (đường Bạch Đằng)”(2).

Ngay sau đó, có một hội nghị của Thành ủy Đà Nẵng được tổ chức bí mật tại Phú Túc (Hòa Vang). Trước đó, ngày 25-11-1955, địch thu được truyền đơn ta rải tại chợ Phú Hòa thuộc quận Hòa Vang kêu gọi anh chị em cán bộ và anh em bộ đội đấu tranh bảo vệ hòa bình thống nhất và một bích chương không công nhận cuộc trưng cầu dân ý: “Hỡi anh em cán bộ... Vì hòa bình thống nhất, vì máu mủ ruột rà. Vì cơm no, vì hạnh phúc cho gia đình và dân tộc. Hiện nay, chúng tôi đang đấu tranh để giành lại những quyền lợi ấy, trong đó có cả quyền lợi các anh em và gia đình bà con các anh nữa… Chúng tôi, một nhân dân yêu chuộng hòa bình thống nhất kêu gọi cùng tất cả anh em bộ đội hãy mau mau nhận thật con đường sáng mà đứng về phía nhân dân để đấu tranh bảo vệ hòa bình thống nhất, giành lại quyền lợi cơm áo, hạnh phúc của gia đình và dân tộc…”. (3)

Vài ngày sau, theo tài liệu điều tra của địch, Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục tổ chức một hội nghị vào “lúc 14 giờ ngày 2-12-1955 tại làng Khánh Sơn (Quảng Nam) để phân công phụ trách như sau: Đào Ngọc Anh, Muôn, Trác phụ trách hoạt động tại các làng Hòa An, Thanh Khê Tây, Đông Phước, Phước Tường; Tăng, Phúc, Dục và Chánh Hiền phụ trách hoạt động tại các làng Đà Sơn, Khánh Sơn, Hòa Phú, Trung Ngãi… Tổ chức và xây dựng cơ sở hậu thuẫn thúc đẩy và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cho Tổng tuyển cử 1956. Tuyên truyền và phổ biến cho dân chúng quan niệm, ý nghĩa mặt trận Tổ quốc. Lợi dung nạn gạo cao và nhân công thất nghiệp để xúi giục dân chúng đòi Chính phủ quốc gia ký hiệp thương giải quyết nạn đói miền Bắc”(4).

Trước sự truy lùng gắt gao của địch, Thành ủy Đà Nẵng đã có những sáng kiến nhằm đấu tranh bảo vệ lực lượng, vạch kế hoạch chống lại sự lùng ráp và kiểm soát của chính quyền quốc gia trong các thôn xóm và có thể đem áp dụng tại nhiều nơi.  “…Anh em có trách nhiệm trật tự họp mít tinh toàn dân tuyên bố việc đi lại của đồng bào và địa phương quân... Anh em có trách nhiệm hãy đề nghị lên cấp trên là tránh lùng lội để nhân dân khỏi phàn nàn và bọn lưu manh khỏi lợi dụng. Nếu xã hay khu về thì phải đến người có trách nhiệm dẫn đi”(5). Kế hoạch này vừa dung hòa được trong điều kiện khó khăn hiện tại của ta, đồng thời có tác dụng đẩy mạnh phong trào nhân dân đi lên.

Giữ lửa để bảo tồn lực lượng

Để bảo toàn lực lượng, tháng 2-1956, Hội nghị Khu ủy 5 đã quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam và cử đồng chí Nguyễn Văn Lung làm Bí thư Thành ủy thay cho đồng chí Nguyễn Thành Long ra Bắc chữa bệnh. Thành ủy chuyển cơ quan về căn cứ Sông Đà để tiện chỉ đạo phong trào.

Ngày 4-3-1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử Quốc hội. Cũng như lần trước, lần này nhân dân Đà Nẵng lại tẩy chay bầu cử bằng cách lẩn tránh, trì hoãn hoặc xé phiếu, viết bậy vào phiếu trước khi bỏ vào thùng. Bọn tay sai địch điên tiết dùng lưỡi lê, súng ống để uy hiếp tinh thần, nhưng nhờ đã chuẩn bị trước nên nhân dân không hề nao núng, tiếp tục phá hoại ngầm cuộc bầu cử của địch làm cho cuộc bầu cử của Diệm mất hết ý nghĩa trước dư luận quốc tế.

Sang đầu năm 1957, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức một hội nghị quan trọng ở ngoài khơi cảng Đà Nẵng để nhận định tình hình, đánh giá các mặt hoạt động. Đồng chí Nguyễn Tấn Ưng, Bí thư Thành ủy đã truyền đạt nghị quyết của Khu về công tác củng cố Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng, chuyển phương châm, phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới. Tháng 3-1957, đồng chí Nguyễn Tấn Ưng và đồng chí Đoàn Tiềm vào Sài Gòn để dự Hội nghị lãnh đạo các thành phố, thị xã phía Bắc do Khu ủy 5 triệu tập. Tại Hội nghị này đồng chí Nguyễn Tấn Ưng được bổ sung vào thường vụ Khu ủy và phụ trách Thành ủy Đà Nẵng.

Ngày 29-3-1957, đồng chí Trương Trọng Cảnh, Thành ủy viên bị địch bắt ngay trong thành phố. Ngày 26-4-1957, đồng chí Đoàn Tiềm vừa từ Sài Gòn trở về cũng bị bắt một lúc cùng với hàng loạt cơ sở cách mạng ở Nhà đèn, cảng Đà Nẵng, liên hiệp nghiệp đoàn. Tháng 8-1957, địch mở lớp “tố cộng” ở Phú Hòa. Đầu năm 1958, nhiều đường dây liên lạc, cơ sở nội tuyến bị bể vỡ dây chuyền. Đây là đợt bể vỡ lớn thứ hai.

Đứng trước tình hình này, Thành ủy Đà Nẵng đã gấp rút đưa tất cả các đồng chí đã bị lộ vào sống hợp pháp ở Sài Gòn. Số chưa bị lộ tiếp tục giữ nguyên vị trí công tác, tạm thời nín lặng, chờ thời cơ thuận lợi sẽ tiếp tục hoạt động. Chính nhờ sự chuyển hướng kịp thời này mà một phần sinh lực cách mạng của Đảng bộ Đà Nẵng đã được bảo toàn cho đến ngày cuối cùng cả nước bước sang giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.

Sống dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, nhưng nhân dân lao động Đà Nẵng vẫn một lòng một dạ trung thành với Đảng, với cách mạng. Dù khó khăn gian khổ, có những lúc phải hy sinh mạng sống nhưng đồng bào vẫn kiên cường đấu tranh với địch, bảo vệ an toàn các cơ sở cách mạng, nuôi giấu che chở cho nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ, đảng viên vượt qua nhiều thời kỳ khủng bố ác liệt. Nhiều gia đình đã nêu cao tấm gương kiên trung với cách mạng như gia đình bà Tri Hai (Lỗ Giáng), ông Huỳnh Thơ (Mỹ Thị), bà Nguyên (Đa Mặn), bà Hồ, bà Câu, bà Quát (Phú Sơn), bà Mũi (Diệm Sơn), bà Chương, bà Đủ, bà Bàn, bà Đào (Trung Lương), bà Đặng (Cẩm Lệ), chị Trương Thị Thuận, anh Dư Phước Nên (nội thành)...

Từ Hòa Vang chuyển về La Châu, An Trạch, Chu Bái, Diệm Sơn rồi lần lượt chuyển đến Trung Lương, Nước Mặn, Mỹ Thị, Lỗ Giáng, Phong Lệ, Sông Đà, Thành ủy Đà Nẵng luôn được nhân dân cưu mang, đùm bọc để tập trung sức lãnh đạo phong trào, đưa phong trào cách mạng ở thành phố Đà Nẵng vượt qua nhiều hiểm nguy, thử thách trong những ngày giữ lửa cực kỳ gian khổ, trở thành điểm sáng trong phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam thời bấy giờ.

VÕ HÀ


(1) Theo Công văn số 530/VP/CT.M của Tòa thị chính Đà Nẵng, ngày 1-6-1955.

(2)  Theo Công văn số 1233/VP/CT.M của Tòa thị chính Đà Nẵng, ngày 22-10-1955.

(3) Theo Công văn số 2526-TTĐN/M, ngày 5-12-1955 về việc hoạt động của cán bộ Việt Cộng tại Đà Nẵng. Hồ sơ 1985-Phông Tòa Đại biểu Trung nguyên Trung phần, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

(4), (5) Theo Công văn số 1457 và 1455/VP/CT.M của Tòa thị chính Đà Nẵng ngày 8-12-1955 về hoạt động của Việt Cộng ngày 8-12-1955.

;
.
.
.
.
.