.

Biển Đông "dậy sóng" trong... đề thi 

.

Những ngày qua, chủ đề biển đảo không chỉ nóng lên trong cuộc sống thường nhật mà còn “dậy sóng” trong đề thi từ thi học kỳ tại trường đến các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học…

Ngọn lửa yêu nước được thắp sáng trong trái tim của thế hệ trẻ. TRONG ẢNH: Học sinh, sinh viên Đà Nẵng tại triển lãm về Hoàng Sa diễn ra hôm 8-1-2014 tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Ngọn lửa yêu nước được thắp sáng trong trái tim của thế hệ trẻ. TRONG ẢNH: Học sinh, sinh viên Đà Nẵng tại triển lãm về Hoàng Sa diễn ra hôm 8-1-2014 tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Thời sự nóng hổi

Tuy không nằm ngoài dự đoán, nhưng đề thi môn Ngữ Văn đã thực sự làm “nóng” trường thi tốt nghiệp THPT cả nước khi đề cập trực tiếp đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có phần thí sinh phải trình bày suy nghĩ của bản thân trước sự kiện này. Câu hỏi đã đem đến cho sĩ tử cơ hội thể hiện những hiểu biết, tình cảm của mình trước vấn đề nóng bỏng của đất nước, dân tộc. Nhiều thầy, cô giáo tại Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Đà Nẵng không giấu được ngạc nhiên trước sự nhận thức sâu sắc và tình cảm chân thành của phần lớn thí sinh khi làm phần thi này.

Không dừng lại đó, đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử lại “tăng nhiệt” với câu hỏi 3 điểm yêu cầu thí sinh dựa vào những nguyên tắc hoạt động của Liên Hiệp Quốc là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình để liên hệ về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay. Cùng với đó, nhiều học sinh tỏ ra rất thích thú với câu hỏi đề thi Địa lý: Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta? Cũng như môn Ngữ văn, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi môn Lịch sử, Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp này đều tỏ ra rất hài lòng…

Trong khi cơn dư ba Biển Đông trên đề thi tốt nghiệp THPT chưa lắng xuống thì ngày 9-7, hơn 594.000 thí sinh cả nước đón đợt 2 kỳ thi Đại học, Cao đẳng 2014 trong không khí thời sự nóng bỏng của vấn đề biển đảo. Em Nguyễn Lê Nam Phương, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh - Đà Nẵng, dự thi Khối C, ngành Lịch sử, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, phấn khởi cho biết: “Đề Địa năm nay xoáy sâu vào vấn đề biển đảo, yêu cầu thí sinh hiểu biết về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy để làm tốt phần thi này, ngoài kiến thức trong sách vở, em còn đưa thêm dẫn chứng trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn can trường đánh cá ở Trường Sa… Ở môn Lịch sử, câu liên hệ về vai trò, vị trí và chức năng của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình khu vực như thế nào là câu hỏi khó nhưng rất hay vì có tính liên hệ với thực tế về vấn đề an ninh khu vực, nhất là trên Biển Đông đang rất nóng bỏng hiện nay…”.

Giáo dục xuyên suốt

Đánh giá về vấn đề này, nhiều thầy, cô giáo kỳ cựu tại các trường THPT ở Đà Nẵng có chung nhận định: Để làm tốt bài thi, điều đầu tiên thí sinh phải có kiến thức về biển đảo, cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế, đồng thời phải có chính kiến rõ ràng trước sự kiện liên quan đến chủ quyền của nước nhà. Duy chỉ điều đó thôi cũng thấy với cách ra đề như vừa qua, các nhà giáo dục đã ghi điểm trong cách giáo dục tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ thanh niên.

Nếu như ở đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, câu hỏi rất thú vị về tình hình Biển Đông sẽ giúp các em học sinh bày tỏ lòng yêu nước, chủ quyền của dân tộc cũng như thái độ không đồng tình với những hành động trái phép, ngang ngược của Trung Quốc thì đề thi Đại học khối C môn Văn giúp các em nhận thức được một điều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc rằng sức mạnh chân chính của một con người hay một dân tộc không được tạo nên từ cường quyền, bạo lực mà được tạo nên từ yêu thương và bao dung.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã gửi thư cảm ơn các thành viên trong Hội đồng ra đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng: “Nhiều đề thi được xã hội, các chuyên gia giáo dục và các thầy, cô giáo đánh giá là có nội dung hay, gắn bó với đất nước và dân tộc, gợi mở cho học sinh tính sáng tạo và góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh”.

Biển Đông “dậy sóng” trong... đề thi. Nhiều người tin rằng, sau các kỳ thi quan trọng này, sẽ không có thanh niên nào ngủ quên trong những ngày nước sôi lửa bỏng của dân tộc. Ngọn lửa yêu nước sẽ được thắp sáng trong trái tim của thế hệ trẻ. Và với cách ra đề mở, sáng tạo và bám sát cuộc sống như hiện nay thì lo gì việc thanh niên, học sinh hiện nay không mặn mà với lịch sử, địa lý nước nhà.

Về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, học sinh Đà Nẵng hầu hết viết theo đúng yêu cầu đề ra và đạt điểm khá cao. Từ đó, góp phần làm cho điểm toàn bài tỷ lệ khá giỏi, trên trung bình đối với 3 môn này cao hơn so với năm trước (Ngữ văn đạt gần 70%, Lịch sử đạt 91,4%, Địa lý đạt 85,5%).

Kết quả nói trên có thể xuất phát từ 3 nguyên nhân. (1) Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam đã tác động mạnh và sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ; được các cơ quan truyền thông đưa tin thường xuyên, cập nhật mạnh mẽ. (2) Đề thi đã có phần cho thí sinh trình bày những hiểu biết thời sự của mình. (3) Người học cũng đã hình dung được vấn đề thời sự này để tập trung ôn tập.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.