.

Hoàng Sa máu thịt Việt Nam!

.

Đó là bằng chứng không thể chối cãi, được thể hiện qua rất nhiều tài liệu, các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa… được giới thiệu rộng rãi đến người dân, các học giả trong và ngoài nước qua hơn 10 cuộc triển lãm do Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) tổ chức trong 2 năm qua.

Các nhà báo Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang xem và thu thập các tài liệu từ triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Các nhà báo Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang xem và thu thập các tài liệu từ triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Máu thịt của người Việt Nam

Triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” (sau khi có điều chỉnh, bổ sung) phục vụ cho chuyến tham quan của gần 200 thanh niên-sinh viên Kiều bào diễn ra tuần qua tại BTĐN là đợt trưng bày mới nhất của bảo tàng; tiếp nối đợt triển lãm cùng tên diễn ra nhân hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: sự thật lịch sử” tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng. Đây là hai cuộc triển lãm diễn ra liên tiếp, trong số gần 10 triển lãm về chủ quyền biển đảo của Việt Nam do một bảo tàng địa phương tổ chức từ đầu năm đến nay.

Vì chủ quyền biên giới quốc gia, BTĐN đã  mang một sứ mạng cao cả: thu thập bằng chứng và chứng minh cho cả thế giới biết rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Những tài liệu mà BTĐN có được hiện nay rất quan trọng, để người dân Việt hiểu vì sao cha ông ta qua nhiều thế kỷ đã đặt chân lên Hoàng Sa, làm việc và khai thác vùng biển đảo này; cũng như hiện nay hàng nghìn ngư dân tiếp tục xem đây là ngư trường truyền thống, liên tục và truyền đời, khẳng định chắc chắn: biển của mình thì mình khai thác, đánh bắt, dù có bị xua đuổi, đe dọa thế nào đi nữa.

Cách đây vừa tròn một năm, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức trao tặng bằng khen cho ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Thắng đã tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng 170 bản đồ và 3 atlas khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian 1626-1980.

Tại Đà Nẵng, TS Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng đang ngày đêm thu thập tư liệu, chứng cứ cho những cuộc triển lãm, hội thảo khoa học về Hoàng Sa-Trường Sa.

Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng đang được chính quyền Đà Nẵng gấp rút tiến hành. Những tư liệu mang giá trị lịch sử như tàu cá ĐN 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm tháng 5 vừa qua dự kiến sẽ được trưng bày tại đây, là bằng chứng hùng hồn về tội ác của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, khi họ đang hoạt động trên vùng biển của Tổ quốc.

Tấm bản đồ được các học giả quốc tế ký tên ủng hộ Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa tại triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.
Tấm bản đồ được các học giả quốc tế ký tên ủng hộ Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa tại triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.

Đưa Hoàng Sa gần hơn với công chúng

Nếu đầu năm 2013, người dân Đà Nẵng lúc đó còn khá lạ lẫm với những bản đồ, những tư liệu và hình ảnh về trung tâm khí tượng đóng trên đảo Hoàng Sa được trưng bày tại Đà Nẵng (từ ngày 19-1 đến 20-2) thì đợt trưng bày mang tên “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” diễn ra từ 29-4 đến 15-5-2013 sau đó đã giúp người dân và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện, khách quan về chủ quyền của dân tộc ta đối với Hoàng Sa. Triển lãm hy vọng bạn bè quốc tế góp tiếng nói cùng Việt Nam bảo vệ công lý phù hợp với luật pháp quốc tế, hướng đến xây dựng một Biển Đông hòa bình cho cả khu vực. Và mới đây nhất, ngày 20-6 vừa qua, triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” khai mạc với hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới, đã góp tiếng nói mạnh mẽ nói lên một “sự thật lịch sử”.

Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu những bằng chứng mới: Tấm bản đồ của Thủ tướng Hà Lan tặng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng vào năm 2011; bộ hồ sơ đèn biển được Pháp xây dựng ở Hoàng Sa 1937-1939 do một công dân Đà Nẵng tặng và bộ hồ sơ về khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942 do một công dân ở TP. Hồ Chí Minh trao tặng.

Như vậy là những cuộc triển lãm, với nhiều bằng chứng xác đáng đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, và họ cũng ghi nhận luôn sự nỗ lực của từng người dân, từng nhà nghiên cứu người Việt. Như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phát biểu tại đợt triển lãm và thuyết minh chuyên đề “Quần đảo Hoàng Sa-Chủ quyền của Việt Nam” do BTĐN tổ chức tại ĐH Đông Á: “Có thể nói, giờ đây lòng mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng một khát vọng: Phải đòi lại Hoàng Sa!… Và còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên. Mà muốn nhớ thì lòng mỗi người Đà Nẵng phải trở thành một Vọng Hải Đài luôn đau đáu nhìn về phía khơi xa”.

Những đợt trưng bày lưu động của BTĐN đến các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Hàng nghìn sinh viên được tiếp cận với các nguồn tư liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ quý về chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Vào đầu năm 2014, ngày 19-1, BTĐN, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa tổ chức triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” lần đầu tiên giới thiệu nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 150 bản đồ là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Mỗi cuộc triển lãm, dù được tổ chức tại bảo tàng hay tại các trường đại học, các quận, huyện, đều có hàng nghìn người dân đến tham quan.

Chưa đầy 2 năm qua, những cuộc triển lãm đã khơi dậy lòng yêu nước, một lòng vì biển đảo quê hương trong mọi tầng lớp nhân dân. Vì có hiểu biển, đảo mới yêu và ra sức giữ gìn, dù mỗi người đều biết rằng đó là một cuộc đấu tranh lâu dài, gay go, khốc liệt. Nhưng với truyền thống yêu nước, không gì ngăn cản được người Việt Nam đấu tranh giữ nước và dựng nước. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc BTĐN cho rằng, những cuộc triển lãm do BTĐN tổ chức đã góp phần tuyên truyền chủ quyền biển đảo, giúp người dân trực tiếp xem được những tư liệu, chứng cứ pháp lý; từ đó Đà Nẵng mới tổ chức được một số hội thảo, quy tụ những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và được các học giả ký tên ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh này.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.