.

Tiếp sau là bão giá

.

Chiều 15-10, khi những cơn gió cuối cùng tan nhanh thành áp thấp tận vùng Nam Lào thì người dân Đà Nẵng đã đổ ra đường dọn dẹp, mua sắm. Khi mạng lưới điện chưa được khắc phục thì nhu cầu về một bữa ăn nhanh gọn cho gia đình trong lúc nhà cửa ngổn ngang đã trở thành nhu cầu cấp bách của nhiều người.

Nhiều lò bánh mì, lò bún đã nhanh nhạy đón bắt nhu cầu này đã hoạt động tăng công suất hết cỡ nhưng vẫn không cung cấp đủ cho nhu cầu mua hàng của người dân sau bão. Tại cửa hàng bánh mì quốc doanh tại khu vực Hùng Vương gần chợ Hàn, các lò bún tươi người mua chen lấn, xô đẩy nhau đến vã mồ hôi.

Một tiệm bánh mì trên đường 14B đoạn qua xã Hòa Nhơn chạy máy phát điện để cung cấp bánh mì vào sáng ngày 16-10.
Một tiệm bánh mì trên đường 14B đoạn qua xã Hòa Nhơn chạy máy phát điện để cung cấp bánh mì vào sáng ngày 16-10.

Sáng 16-10, nhìn nét mặt ưu tư của các bà nội trợ mới biết cơn bão giá đã thật sự quét qua các chợ lớn nhỏ trên thành phố. Cơn bão có cái tên mỹ miều Nari không chỉ buộc tàu thuyền không thể ra khơi mà còn tàn phá các vùng rau xanh của thành phố như Túy Loan, Ngũ Hành Sơn và vùng Hội An, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) khiến các mặt hàng rau xanh và hải sản trở nên đắt đỏ. Riêng mặt hàng rau xanh tăng đến 50%, thậm chí có loại tăng gấp đôi so với ngày thường. Chỉ riêng với  rau muống, loại rau của con nhà nghèo từ giá trước đây chỉ 5 - 7 nghìn đồng thì bây giờ phải chi đến 10 - 15 nghìn đồng. Riêng mặt hàng hành lá và rau xà lách thì tăng đến gấp ba.

Đà Nẵng nổi tiếng với những ngôi chợ đầy ắp cá tôm như chợ Đống Đa, chợ Hàn, chợ Cồn… Nhưng xem ra bây giờ mặt hàng hải sản trở nên khan hiếm vào những ngày sau bão. Và nếu có thì đó là những cá tôm đã qua ướp đá để lại từ những ngày trước bão với giá không hề rẻ chút nào. Biết làm sao được, nhiều gia đình phải chọn phương án ăn cá hộp hay các loại cá thính, cá khô thay các món cá tươi thường ngày. Rồi tự nhủ với lòng: Âu cũng là cách thay đổi khẩu vị  lạ cho ngày mưa bão.

Khi nhiều mặt hàng thực phẩm trở nên khan hiếm sau bão đã kéo theo cơn lốc giá tăng nhanh thì khách hàng không còn là “thượng đế”. Tại ngôi chợ nhỏ Hòa An, Cẩm Lệ, nơi mà nhiều người lao động nghèo làm ăn sinh sống. Thậm chí mỗi bữa ăn là một bài toán nan giải giữa đồng lương và nhu cầu dinh dưỡng. Chứng kiến nhiều người phải trả giá từng đồng khi muốn mua mớ rau con cá và tiếng quát nạt của người bán hàng mà nghe đến nẫu cả ruột. “Mưa bão, có cái để mà mua là tốt quá rồi….”. “Không mua thì thôi, đừng kèo nài chi…”. Dường như đến cơ quan, hay về nhà đâu đâu cũng nghe những lời ca thán, cái chép miệng đầy bẽ bàng, nhất là sinh viên, công nhân và người lao động thu nhập thấp. Bữa cơm đã vốn ít chất đạm nay sau bão lại càng đạm bạc hơn.

Để hạn chế tình trạng “tát nước theo mưa” của một bộ phận kinh doanh các mặt hàng thực phẩm và góp phần ổn định cuộc sống của người dân thành phố, Sở Công thương Đà Nẵng đã chỉ đạo cho các đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đồng thời cung cấp số điện thoại nóng 0913.414909 để nhân dân và cán bộ báo tin, phản ánh những trường hợp tăng giá bất hợp lý. Mặt khác, Sở cũng cho biết hiện nay một số đơn vị kinh doanh như Đà Nẵng Mễ Cốc, Vissan, CP lương thực Đà Nẵng… đã có dự trữ một số lớn mặt hàng như gạo, nếp, mì tôm, thịt, nước uống… để góp phần bình ổn thị trường.

Hy vọng với những động thái tích cực này sẽ giảm đi phần nào sự hoành hành của cơn bão giá hiện nay.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.