.

Mãi là tài sản tinh thần vô giá

.

Sau khi chính thức đi vào hoạt động hơn một năm kể từ khi tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lần đầu tiên UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 140 năm Ngày nhân dân Đà Nẵng chống thực dân Pháp (1-9-1858), được ghi trong Nghị quyết HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 4, khóa V, nhiệm kỳ 1994-1999, ngày 20-1-1998 do Chủ tịch HĐND Trương Quang Được ký.

Thành Điện Hải - đồn lũy quan trọng của Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ. (Ảnh do L.A.R sưu tầm)
Thành Điện Hải - đồn lũy quan trọng của Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ. (Ảnh do L.A.R sưu tầm)

Thực hiện Nghị quyết trên, thành phố tiến hành trùng tu thành Điện Hải và gắn biển di tích cấp quốc gia, trùng tu Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung), Nghĩa trủng Phước Ninh (trên địa bàn phường Nam Dương)… và nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử hào hùng này của nhân dân Đà Nẵng. Ngày 31-8-1998, UBND thành phố phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có sự tham gia của các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Đà Nẵng và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, tổ chức hội thảo khoa học về sự kiện năm 1858. Không khí phấn khởi, háo hức của một thành phố trực thuộc trung ương mới hình thành cùng với những hoạt động làm sống dậy tinh thần tự hào địa phương đi đầu đánh Pháp năm 1858 góp phần tạo nên khí thế hừng hực cho Đà Nẵng với những bước phát triển bức phá, lột xác.

Di tích thành Điện Hải lúc đó, Công ty Dược Trung ương V vẫn còn nuôi rắn dưới hào phía trước thành để chế biến dược phẩm, vẫn còn vài tòa nhà cũ xây từ thời Pháp với tháp nhọn vươn cao nổi bật, kỷ niệm 140 năm nhưng chưa trùng tu được nhiều. Các Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Khuê Trung được chính quyền đầu tư khang trang, việc lễ tế hằng năm được quan tâm hơn. Mỗi năm đến ngày 15 và 16 tháng Ba (âm lịch) đều tổ chức “Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng” tại Nghĩa trủng Khuê Trung, kết hợp Hội làng Khuê Trung rất trang trọng, tưng bừng. Những nghĩa sĩ vô danh hy sinh trong sự kiện 1858, những vị tiền hiền khai phá đất đai ngày đầu lập làng cùng được tôn vinh. Đối với Nghĩa trủng Phước Ninh, nhân dân tổ chức lễ tế và cầu siêu hằng năm vào rằm tháng Bảy.

Khó để biết được có bao nhiêu người đã ngã xuống trong những ngày kháng Pháp năm 1858. Tương quan lực lượng một bên súng đạn hiện đại, một bên cung tên giáo mác với lòng dũng cảm kiên cường bám đất ngăn chặn từng bước chân kẻ thù trong một thời gian dài thì nhiều tổn thất là dễ hiểu, nhưng khó tìm ra con số chính xác. Những người ở địa phương có thể được gia đình, họ tộc chôn cất, còn những người được an táng trong Nghĩa trủng đều vô danh, từ nhiều địa phương khác đến chiến đấu và hy sinh. Nghĩa trủng Hòa Vang hình thành 8 năm sau mốc 1858, còn Nghĩa trủng Phước Ninh hình thành sau 18 năm. Nghĩa là, sau một thời gian khá dài, người dân mới thu nhặt, quy tập hài cốt để đưa vào Nghĩa trủng, không tránh khỏi có những hài cốt nghĩa sĩ vĩnh viễn nằm lại đâu đó không ai biết. Chỉ tính riêng hai Nghĩa trủng Khuê Trung và Nghĩa Trủng Phước Ninh đã có khoảng 4.300 hài cốt. Nếu kể cả những trường hợp không biết để quy tập cùng với số lượng của hai Nghĩa trủng trên, trong điều kiện quy mô dân số còn thưa thớt vào thời đó, thì rõ là số người hy sinh không hề nhỏ.

Ngày nay, những nhà dân trên đường Hoàng Diệu và khu vực gần Nghĩa trủng Phước Ninh khi đào móng làm nhà thường phát hiện nhiều hài cốt, họ cho rằng có thể là hài cốt của sự kiện năm 1858. Vừa qua, được biết, tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu còn có Nghĩa trủng Hóa Ổ với 500 hài cốt nghĩa sĩ hy sinh trong sự kiện năm 1858 khi chiến đấu chống thực dân Pháp tại khu vực nhà trạm, đồn trại cửa biển Cu Đê dưới chân núi Hải Vân, một chốt chặn trên đường thiên lý ra kinh đô Huế. Thật đáng trân trọng khi cách đây 6 năm, người dân Nam Ô còn tự huy động đóng góp trùng tu, cải táng, sắp xếp lại các mộ phần vô danh cho tươm tất thẳng hàng (1). Từ nghĩa cử của người dân và đọc những lời trong lễ tế hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng đối với anh linh nghĩa sĩ Nghĩa trủng Hóa Ổ, thật khó kiềm được cảm xúc, và đồng thời nhận ra rằng tấm lòng của người dân địa phương xưa nay đã trân trọng đến mức nào đối với những nghĩa sĩ vô danh: “Tiếng tăm hiển hách, lịch sử xưa nay cứ mãi ghi/ Công trạng oanh liệt, cùng núi sông chẳng đổi”; “Đã biết anh hùng vô định cốt, khắp đôi nơi đất Việt trời Nam/ Cho hay đồng loại Việt thương tâm, thảm cho kẻ mồ hoang trùng loạn/ Ngày nay đã an phần định táng, một trời riêng cát trắng bụi hồng/ Nấm kia đã trúc thổ thành phần, ngàn năm vững đài xuân cõi thọ”(2).

Ý nghĩa và sự lan tỏa của việc lần đầu tiên tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử 1858 hào hùng của thành phố là rất tích cực. Mỗi dịp kỷ niệm là sự tôn vinh anh linh những người đã ngã xuống, khơi dậy lòng tự hào gắn với những địa chỉ lịch sử, văn hóa cụ thể của thành phố, trân trọng sửa sang, trùng tu các Nghĩa trủng và di tích, là dịp các nhà nghiên cứu nhìn nhận sâu sắc hơn, phát hiện những điều mới nhằm phục dựng lại tầm vóc của cuộc chiến chống thực dân Pháp đầu tiên năm 1858 trên mảnh đất cảng biển Đà Nẵng trung dũng kiên cường.

Đến nay đã tròn 15 năm kể từ ngày HĐND thành phố ra nghị quyết về chủ trương tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện kháng Pháp 1858, xin ghi lại vài chi tiết liên quan đến nghị quyết trên. Đầu năm 1997, thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương chính thức đi vào hoạt động. Theo sự thống nhất của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, HĐND nhiệm kỳ 1994-1999 của hai địa phương vẫn tiếp tục kế thừa của tỉnh cũ ghi là khóa V sau khi  đã chia và bầu bổ sung đủ số lượng đại biểu HĐND cho mỗi địa phương. Vì vậy, nếu chú ý sẽ thấy nghị quyết đã nêu ở trên ghi là khóa V mà không phải là khóa I.

Tại kỳ họp thứ 4, tập thể Ban Văn hóa - Xã hội bàn bạc, thống nhất kiến nghị tổ chức kỷ niệm sự kiện lịch sử kháng Pháp năm 1858. Báo cáo thẩm tra của Ban trình tại kỳ họp có cả kiến nghị về thành Điện Hải và xây dựng khu đất chung quanh, kiến nghị trùng tu Nghĩa trủng Phước Ninh.

Kế tục những gì đã tạo được kể từ lần đầu tiên kỷ niệm cho đến nay, tôi kỳ vọng bên cạnh việc gìn giữ và sưu tầm hiện vật liên quan đến sự kiện để bảo tồn, bảo tàng, thành phố sẽ duy trì tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện này 5 năm một lần, đối với dịp kỷ niệm cách nhau 10 năm như 160 năm, 170 năm…. nên tổ chức quy mô hơn, cần hỗ trợ tạo điều kiện cho các địa phương có Nghĩa trủng trùng tu, làm lễ tế hằng năm một cách trang trọng, khuyến khích các hoạt động hội gắn với lễ để ngày càng mở rộng và nâng cao tính cộng đồng, làm cho sự kiện lịch sử kháng Pháp năm 1858 mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá và thiêng liêng trong truyền thống lịch sử, văn hóa của nhân dân thành phố Đà Nẵng.

VŨ HÙNG


(1), (2) Đặng Dùng, Nghĩa trủng Hóa Ổ, báo Đà Nẵng cuối tuần, số 4905, ngày 1-9-2013.

;
.
.
.
.
.