.

Nhịn đói chịu đau

.

Từ giã cái Văn Chương, gánh vác cái Tri Phương theo sứ mệnh vua ban, ông đã tự đặt ra cho mình một vị thế mới, sống sao cho ngước lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất và nhìn ngang không phải xấu hổ với nhân gian.

Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh : V.T.L
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh : V.T.L

Tiếng hô xung trận

Ở phía bắc thành phố Huế, có một con sông nhỏ tên là sông Bồ, chảy từ Trường Sơn qua các huyện A Lưới, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền rồi đổ vào sông Hương ở Ngã ba Sình. Con sông lững thững trôi qua núi đồi, ruộng nương, lặng lẽ mang đến cho con người nguồn nước ngọt và bồi đắp cho đất đai lớp phù sa màu mỡ. Nhưng nếu chỉ có vậy thì sông Bồ cũng chỉ là sông như những dòng sông khác, không dấy lên nguồn cảm hứng để nhà thơ Dzạ Lữ Kiều (mà tôi đồ rằng quê nhà của tác giả là một làng nào đó nằm bên sông) viết nên bài Sông Bồ với những câu thơ sóng sánh sông nước quê hương mình.

Tôi không quên/ Người con gái họ Trần dịu dàng, đẹp nết/ Trồng dâu, giặt lụa bên dòng nước sông Bồ/ Đã sinh ra một dòng tộc – nối nghiệp dựng cơ đồ/ Với bao nhân tài hào kiệt/ Đến nay vẫn còn vang danh trong sử sách.

Người con gái họ Trần này quê ở huyện Hương Trà, nàng đã từ giã con sông quê hương ra đi để về sau trở thành Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mẹ vua Minh Mạng, và “sinh ra một dòng tộc”.

Lúc nhỏ tôi học tiểu học ở Trường Bình Khuê Cẩm, nay là Trường tiểu học Ngô Quyền, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, bộ sách Việt Sử do Bộ Quốc gia Giáo dục phát hành làm tôi mê nhất. Mỗi bài học một nhân vật, được kể bằng giọng văn súc tích, dễ hiểu kèm theo hình ảnh minh họa. Điều mà thế hệ những học trò lớp chúng tôi mãi vẫn không quên là mỗi nhân vật lịch sử được giới thiệu bằng một tiêu đề ngắn gọn nêu hành động nổi bật của mỗi người. Không tham vàng bỏ nghĩa: Tô Hiến Thành. Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc: Trần Bình Trọng. Trả thù Cha, rửa hận Nước: Nguyễn Trãi. Nhịn đói chịu đau mà chết: Nguyễn Tri Phương. Thà chết chớ không bỏ thành: Hoàng Diệu…

Ngày nay ít ai còn xa lạ với từ slogan, nghĩa là khẩu hiệu thương mại. Nhưng cũng ít ai biết rằng nghĩa cổ của nó là tiếng hô xung trận của những chiến binh Scotland. Với tôi, tôi tin rằng “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”, “Nhịn đói chịu đau mà chết”, “Thà chết chớ không bỏ thành”… là những slogan, là những tiếng hô xung trận của tất thảy chiến binh Việt chống lại quân xâm lược ở bất cứ không gian, thời gian nào.

Đài thờ nghệ thuật

Tối ngày 26-5-2013, cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, chính thức khép lại sau hơn một tuần khai diễn với hai vở tuồng đoạt giải cao nhất là Huy chương Bạc: Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam và Hoàng Diệu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Vở Nguyễn Tri Phương được Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 140 năm Ngày mất của Tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương (1873-2013). Trước đó, tác giả bài viết “Sáng tạo không gian trong một vở tuồng lịch sử” trên báo Lao Động ra ngày 9-4-2013 nhận xét rằng vở diễn đã “làm sống lại trọn vẹn hình ảnh một vị thủ lĩnh quyết không bán nước cầu vinh”. Thật vậy, trong cuộc chiến không cân sức, con là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận, mình thì bị thương nặng và rơi vào tay giặc, vị Tổng đốc Hà Nội đã thẳng thắn vạch mặt lũ bán nước cầu vinh, khảng khái khước từ lời hứa hẹn đường mật của giặc, rẩy bỏ sự chăm sóc vết thương của kẻ thù, xé băng, phun thuốc, hất cháo, nhịn đói chịu đau mà chết chứ không thèm nhận ân huệ của giặc.

Trước đó, sau khi vở tuồng này ra mắt lần đầu, tác giả Lê Quý Hiền đã nhận xét trong bài viết “Nguyễn Tri Phương - Một vở diễn rất nên xem” đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống ngày 17-1-2013: Lòng yêu nước của Nguyễn Tri Phương được thử thách trước hoàn cảnh không ít quan lại hèn nhát, trục lợi, đặt quyền lợi dân tộc dưới sự vinh thân phì gia của mình mặc “đất nước thế nào cũng được miễn vua và quan còn tồn tại”. Xung đột giữa yêu nước và hèn nhát được đẩy căng lên với cái lý của kẻ hèn núp dưới danh nghĩa tránh nỗi can qua cho trăm họ khi so sánh lực lượng, vũ khí của ta với quân xâm lược “Phú Lang sa”.

Tuy có cái nhìn đa chiều về hình tượng nhân vật được khắc họa, nhưng tựu trung, vở Nguyễn Tri Phương ra đời và đến với cuộc thi như một lời tri ân sâu sắc của hậu thế với tiền nhân. Thế nhưng, việc vở Hoàng Diệu có mặt ở cuộc thi toàn quốc này, phải chăng bắt nguồn từ một ý tưởng nào đó?

Năm 1985 sân khấu tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng có vở Nguyễn Duy Hiệu của Giáo sư Hoàng Châu Ký. Bẵng đi từ đó, các nhân vật lịch sử xứ Quảng vắng bóng trong nghệ thuật tuồng, mặc dù, theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tâm tư của các nghệ sĩ vẫn mong có một kịch bản hay về danh nhân xứ Quảng. Một lần ra Hà Nội, được một đạo diễn giới thiệu kịch bản Hoàng Diệu của nhà viết kịch Trúc Đường, NSƯT Ngọc Tuấn mừng quá, về chuyển thể thành tuồng và dàn dựng, tham gia cuộc thi.

Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu cùng “có mặt” trong một cuộc thi nghệ thuật sân khấu, theo tôi, không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là sự sắp đặt của số phận lịch sử. Nếu Nguyễn Tri Phương “nhịn đói chịu đau mà chết” vào năm 1873 thì Hoàng Diệu “thà chết chớ không bỏ thành” vào năm 1882. Chín năm, lịch sử lặp lại, thành Hà Nội mịt mù khói súng, hai vị Tổng đốc, một cái chết trung cang lẫm liệt. Người tiền nhiệm và người kế nhiệm thủ thành cùng ghi tên mình vào trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc, được người dân Hà Nội sùng kính trong đền Trung Liệt.

Lần này, tại cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, hai vị anh hùng lại cùng được hậu thế tôn vinh bằng một đài thờ mới: nghệ thuật tuồng.

Ngước lên không thẹn với trời…

Nguyễn Tri Phương ban đầu có tên là Nguyễn Văn Chương, đến năm 1850, vua Tự Đức chuẩn phê cải tên ông thành Nguyễn Tri Phương theo câu chữ “Dũng thả tri phương” trong sách Luận Ngữ, nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu chước. Ôi, nếu tên là người thì tên ông quả là đúng với người ông vậy. Từ giã cái Văn Chương, gánh vác cái Tri Phương theo sứ mệnh vua ban, ông đã tự đặt ra cho mình một vị thế mới, sống sao cho ngước lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất và nhìn ngang không phải xấu hổ với nhân gian. Dọc ngang giữa lằn tên mũi đạn, với vùng đất đầu sóng ngọn gió Đà Nẵng, ông đến vâng theo mệnh vua, xây pháo đài Phòng Hải, pháo đài quan trọng nhất trong việc phòng ngự phía biển của Đà Nẵng, tại núi Mỏ Diều, dưới chân núi Sơn Trà.

Tôi đã từng được một vị cao niên làng Thọ Quang là ông Thái Văn Phễu, cùng dòng họ với chí sĩ Thái Phiên làng Nghi An, chỉ cho thấy dấu tích của đài hỏa hiệu ngày xưa trên triền núi Sơn Trà. Cha ông kể, khi quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, đình Mân Quang quê ông được Tổng thống quân thứ Nguyễn Tri Phương chọn làm nơi chứa lương thực, dựng thành Ông Quýnh trên núi Sơn Trà làm phòng tuyến chống giặc. Ông Phễu không hiểu vì sao gọi là “thành Ông Quýnh”, chỉ nghe kể rằng đây là một đài hỏa hiệu, luôn túc trực một đội quân sẵn sàng đốt lửa báo hiệu cho quan quân các nơi biết tình hình quân địch.

Trên núi Sơn Trà nhìn về nội thành Đà Nẵng, có thể định vị thành Điện Hải, nơi ông chỉ huy quan quân trong trận đầu đánh Pháp 155 năm trước, cách không xa dòng sông Hàn thơ mộng. Tôi biết, bên dòng sông Bồ quê hương ông có Trung hiếu từ được lập theo lệnh vua Tự Đức để thờ ông, em trai ông là Nguyễn Duy đã hy sinh trong trận đại đồn Chí Hòa năm 1861 và con trai ông, phò mã Nguyễn Lâm hy sinh trước ông vài canh giờ. Làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, nơi ông đóng quân ngày trước, cũng đã lập đền thờ ông.

Người Đà Nẵng mỗi khi ngước nhìn bức tượng người thủ thành Nguyễn Tri Phương bên thành Điện Hải, không khỏi chen lẫn nhiều cảm xúc. Người xưa đã từng “nhịn đói chịu đau mà chết”, người nay liệu đã trọn niềm tôn kính đối với người xưa?

Từ Hương Trà, xuôi về hạ lưu là huyện Phong Điền, nơi đây, khí thiêng sông núi lại un đúc nên một con người đã lưu danh thơm muôn thuở cho quê hương, đất nước.

Tôi chưa quên/ Những anh hùng lẫm liệt/ Đã trọng thương cùng con quyết giữ lấy thành/ Dù bị bắt vẫn nhịn đói chịu đau mà chết!

Câu thơ đã góp thêm một nét cọ vẽ nên hình tượng Nguyễn Tri Phương trong lòng hậu thế. Có lẽ ít ai được như ông, dọc ngang khắp ba miền đất nước chống lại binh hùng tướng mạnh của phương Tây, từ Đà Nẵng đến Gia Định và cuối cùng, cuốn phim cuộc đời ông dừng lại ở khuôn hình lẫm liệt nhất, oai linh nhất giữa thành Hà Nội mịt mùng khói lửa và lưu vào bộ nhớ của các thế hệ mai hậu: Nhịn đói chịu đau mà chết!

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.