.

Người thầy dạy lịch sử của tôi

.

Người thầy dạy lịch sử của tôi có lẽ là tấm gương đổi mới tuyệt vời nhất mà tôi đã từng gặp, đổi mới cả trong cách tiếp cận mỗi vấn đề giảng dạy và cả trong phương pháp.

Một buổi sinh hoạt ở Trường trung học Thái Phiên trước năm 1975.                                            (Ảnh tư liệu)
Một buổi sinh hoạt ở Trường trung học Thái Phiên trước năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Tôi bước chân vào Trường Ngoại Ô năm 1969, đúng là ngoại ô vì nội thị Đà Nẵng lúc đó chỉ đến ngã 3 Cai Lang. Sau hai năm, trường đổi tên thành Thái Phiên, một người bạn chiến đấu của Trần Cao Vân, thật ý nghĩa. Trong buổi chào cờ ngày đầu tiên đổi tên trường, thầy Nguyễn Phước Hưng, người Quảng Ngãi, dạy lịch sử, đã được nhà trường mời nói chuyện về chí sĩ Thái Phiên cùng với Trần Cao Vân.

Trong đời tôi có nhiều người thầy, nhưng thầy Hưng vẫn cho tôi nhiều cảm xúc nhất về những giờ lịch sử của thầy, mãi đến bây giờ tôi chưa bao giờ gặp được người dạy lịch sử nào lôi cuốn và hấp dẫn đến vậy. Những câu chuyện lịch sử của thầy luôn lồng ghép giữa chính sử và dã sử; đôi khi thầy lồng ghép những quan điểm của thầy về các sự kiện lịch sử. Rất nhiều câu chuyện về lịch sử của thầy mãi đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên, dù tôi không cố tình nhớ, nhưng thực sự tôi đã thuộc những gì thầy nói sau mỗi giờ học.

Một hôm khi nói về những danh nhân xứ Quảng, thầy cho rằng câu ca dao “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành” phản ánh không chân thật, mà phải sửa là “Học trò xứ Quảng ra thi/ Các cô gái Huế chân đi không đành”. Theo lập luận của thầy, học trò xứ Quảng rất nổi tiếng và có nhiều người giỏi, đỗ đạt mà hiện tượng Ngũ Phụng Tề Phi là một ví dụ. Cũng chính vì tính thích “cãi” quá “chí lý” này của mình mà thầy bị các sinh viên người Huế dạy cho “một bài học” nhớ đời.

Sau giải phóng, thầy về Quảng Ngãi cùng với người cha tập kết tại miền Bắc sau bao năm xa cách. Năm 1995, khối lớp của chúng tôi tập hợp lại, tìm kiếm các bạn và những thầy cô giáo cũ và hằng năm bổ sung vào danh bạ của Ban liên lạc của lớp.

Người thầy dạy lịch sử của chúng tôi sau này trở thành hiệu trưởng của một trường cấp 3 tại Quảng Ngãi. Thầy đã về hưu, nhưng đối với tôi, thầy vẫn như đang đứng lớp. Giờ đây, khi là giảng viên đại học dạy kinh tế, tôi đã đem phong cách truyền đạt hấp dẫn và lôi cuốn của người thầy năm xưa đến với sinh viên của mình hôm nay. Vì tôi biết rằng kiến thức luôn có sẵn và mở cho tất cả mọi người, khi mà thời đại công nghệ thông tin làm cho “thế giới phẳng”. Những gì thầy giáo đang nói trên lớp, thì dưới lớp sinh viên đã truy cập vào Google để kiểm tra kiến thức đó. Người thầy thời hiện đại luôn đổi mới cùng với sự thay đổi của công nghệ, cuộc sống và tư duy.

Lịch sử luôn lặp lại, tôi luôn mong mình là sự lặp lại của người thầy dạy lịch sử của tôi ngày nào và hy vọng rằng, những người học trò của tôi cũng sẽ đi tiếp như vậy. Dù chỉ là sự lặp lại nhưng nó luôn khoác lên mình một hình thức hiện đại hơn để phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội. Còn người thầy vẫn là người thầy dù xã hội và công nghệ có thể tiến bộ đến mức nào!

ĐOÀN TRANH

;
.
.
.
.
.