.

Chợ cóc và bài toán mưu sinh

.

Chợ cóc, chợ tạm là nơi mưu sinh của nhiều gia đình nghèo giữa lòng thành phố. Vì thế, nếu chỉ nghĩ đến việc dẹp mà không nghĩ “hậu chợ cóc”, người buôn bán nhỏ sẽ đi đâu, về đâu thì rất khó có được cái kết “bền vững” và hợp lòng dân…

Mặc dù chợ Nại Hiên Đông được xây dựng khá kiên cố nhưng con đường Ngô Trí Hòa nằm ngay bên cạnh thường xuyên có hàng chục xe bán trái cây trưng dụng làm nơi buôn bán.    	       Ảnh: T.Y
Mặc dù chợ Nại Hiên Đông được xây dựng khá kiên cố nhưng con đường Ngô Trí Hòa nằm ngay bên cạnh thường xuyên có hàng chục xe bán trái cây trưng dụng làm nơi buôn bán. Ảnh: T.Y

Điệp khúc đẩy, đuổi

Thông tin từ Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm cuối tháng 7-2013, toàn thành phố đã giải tỏa 42/45 chợ tạm, chợ tự phát. Ba chợ còn lại nằm trên các tuyến đường Tô Hiệu, Hồ Tùng Mậu (quận Liên Chiểu) và chợ Hóa Sơn (quận Hải Châu) chưa thể giải tỏa do đang chờ xây chợ mới. Thế nhưng, con số chợ cóc, chợ tạm “ngoài văn bản” có vẻ lớn hơn nhiều bởi cấm chỗ này thì chợ cóc lại mọc chỗ khác, bất chấp nỗ lực đẩy, đuổi của các lực lượng chức năng. Đơn cử, Sở Công thương nói Liên Chiểu còn 2 chợ tự phát nhưng lãnh đạo quận Liên Chiểu thừa nhận có đến 5 chợ cóc, chợ tạm đang tồn tại.

Để tiến tới giải quyết dứt điểm những chợ cóc đang tồn tại trên địa bàn, UBND quận Liên Chiểu đang trình thành phố phê duyệt xây dựng 2 chợ mới là chợ Hòa Phú tại góc đường Trần Đình Tri-Kinh Dương Vương và chợ Hòa Hiệp Bắc nằm phía bắc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 2. Nhưng liệu việc xây dựng chợ mới có giải quyết dứt điểm tình trạng chợ cóc, chợ tạm không thì không cơ quan chức năng nào có câu trả lời chắc chắn. Bởi có không ít trường hợp, chợ xây xong rồi nhưng người buôn bán nhỏ vẫn không chịu vào do ngại mức lệ phí phải đóng và những quy định ràng buộc. Ví dụ, thời gian qua, việc bố trí các hộ kinh doanh vào chợ Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) gặp nhiều khó khăn do người dân không chịu vào mà bỏ sang lập chợ tạm trên địa bàn phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) buôn bán.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), cho biết thời gian qua đội quy tắc của phường kết hợp với lực lượng chức năng quận liên tục đẩy đuổi, tháo dỡ lều quán kinh doanh trái phép cuối đường Đàm Văn Lễ, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Tăng Bí... Tuy nhiên, do biện pháp chưa đủ mạnh nên người dân không sợ. Theo bà Hồng, tuyến đường Đàm Văn Lễ và Hoàng Tăng Bí thuộc khu vực giáp ranh giữa phường Hòa Minh và phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), nên khi biết lực lượng chức năng phường nào ra quân, thì họ lại chạy sang phường khác “lánh nạn”, khi nào “êm” thì về.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các chợ Đà Nẵng, cho rằng chợ truyền thống của Việt Nam mang dáng dấp kênh phân phối hàng hóa vừa và nhỏ nên tiềm lực kinh tế của các hộ kinh doanh cũng có giới hạn. Do đó, khi được đưa vào các trung tâm thương mại hiện đại thì bà con không chịu được giá thuê mặt bằng. Hàng nhỏ, lẻ, chỉ phù hợp với chợ truyền thống, khi vào chợ cao cấp sẽ không bán được, mà không bán được hàng thì bà con lại chạy ra ngoài, tham gia các chợ cóc, chợ tạm. Vì thế, trong quy hoạch chợ, theo ông Ba, chợ truyền thống là chợ truyền thống chứ không nên biến thành trung tâm thương mại.

Còn đó nỗi lo

Người buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm chủ yếu là người nghèo, lớn tuổi, không tay nghề, không nhiều vốn, “hàng hóa” đôi khi chỉ là mớ rau hái ngoài vườn, vài ba mẹt trái cây rẻ tiền hay ít hàng gia vị, giày dép lao động… Trước sự khiêm tốn đó, chợ cóc trở thành nơi kiếm sống nuôi cả gia đình do không phải chia sẻ số tiền ít ỏi kiếm được cho các khoản phí ra, vào chợ.

Thực tiễn đô thị hóa hiện nay tại Việt Nam, người dân (kể cả công chức) vẫn còn thói quen mua hàng tại chợ cóc, chợ tạm do đỡ mất công gửi xe đi vào chợ. Chị Hồng, đang công tác tại một cơ quan ở quận Hải Châu, chia sẻ: “Thời gian ở cơ quan 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày khiến bà nội trợ công sở như tôi không có đủ thời gian “dạo chợ”. Mặc khác, trong bối cảnh chi phí cho các nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, giáo dục, y tế tăng đều khiến tôi ngại vào siêu thị hay các trung tâm mua sắm mà chọn chợ cóc để tiết kiệm tối đa việc chi tiêu”.

Có thể thấy, kinh tế ngày một khó khăn là lý do khiến người dân tìm đến chợ cóc, chợ lề đường càng đông. Có cầu ắt có cung. Vì thế, thời gian qua, trên địa bàn quận Hải Châu có tất cả 12 chợ cóc, đã xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái diễn không có gì lạ. Bởi nếu chỉ “giải quyết” chợ cóc như hiện nay mà không mở ra một “lối thoát” nào thỏa đáng cho người nghèo, người thu nhập thấp, thì chợ cóc sẽ mãi như “con cóc”, chụp bên này nó nhảy bên kia đúng như tên gọi của nó.

Khi nói về việc “dẹp” chợ cóc, chợ tạm hiện nay, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, đưa ra một biện pháp khá cứng rắn: “Cần phải kiên quyết để trả lại hè thông, đường thoáng trên một số tuyến đường. Đã không làm thì thôi, chứ làm phải kiên quyết. Chấp nhận việc ảnh hưởng đến đời sống của một số người”. Khoan hãy bàn tới giải pháp đó liệu có khả thi giữa bối cảnh kinh tế ngày một khó khăn như hiện nay hay không, bởi tiện, nhanh, rẻ là những gì đang được người tiêu dùng thừa nhận khi mua, bán tại chợ cóc. Do vậy, việc xóa bỏ một chợ cóc đâu chỉ ảnh hưởng đến người buôn bán, mà còn ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng bình dân.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Đà Nẵng, cho rằng nhịp sống tại các khu chợ gắn liền với chị em phụ nữ. Vì thế, nếu tiến hành “dẹp ngay” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình nghèo. Thời gian qua, Hội LHPN thành phố kết hợp với Hội LHPN chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê) tạo điều kiện để chị em nghèo được vào chợ buôn bán. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố thời gian qua. Thiết nghĩ, giải pháp cho chợ cóc không phải là ngăn cấm hay dẹp bỏ các hoạt động mua bán mà cần có hướng dẫn cụ thể trong việc bài trí hàng hóa, văn hóa kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm để có được cái kết bền vững, hợp lòng dân.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.