.

Tất bật trên các tuyến đường

.

Tuy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản mà bão Nari gây ra cho Đà Nẵng vô cùng lớn. Chỉ tính riêng về cây xanh, bão đã tàn phá khoảng 40.000 cây, để lại khoảng 25.000 tấn rác bão, khoảng 21.000m3 đất cát biển lấn đường cần phải dọn. Bão đi qua, nhưng công tác khắc phục bão vẫn còn nhiều gian nan, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Công nhân Công ty CVCX dựng lại cây đổ trên đoạn đường Bạch Đằng. Ảnh: T.T
Công nhân Công ty CVCX dựng lại cây đổ trên đoạn đường Bạch Đằng. Ảnh: T.T

Sáng 15-10, ngay sau khi bão Nari tan, trên các tuyến đường Đà Nẵng đã nhộn nhịp hình ảnh những công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và công nhân Công ty Công viên Cây xanh (CVCX) tập trung dọn bão.

Trên tay những người đàn ông rắn rỏi lúc này là cưa, rựa. Người chặt cây, người buộc cây, người dựng lại cây ngã đổ hai bên đường. Những chị công nhân vệ sinh thì người chổi quét gom rác, người xúc rác, người đẩy xe rác, cứ nhanh chóng thu gom rác thải và lá cây trên các mặt đường. Cô Bùi Thị Mười, công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 1, đang thu gom rác lá cây đoạn ngã tư đường Phan Đình Phùng - Yên Bái, cho biết: “So với rác của đợt bão năm 2006, đợt bão này cây cối gãy đổ gần hết nên lượng rác lớn hơn cả chục lần”. “Làm thì rất mệt nhưng thấy mấy công nhân cùng làm, các chú bộ đội và các bạn sinh viên cũng giúp sức nên tinh thần phấn chấn hơn. Ai cũng mong nhanh chóng dọn sạch để trả lại nguyên trạng cho đường phố” - Cô Đinh Thị Chơi, công nhân cùng xí nghiệp, cho biết thêm.

Phía đường Trần Hưng Đạo, cây cối cũng gãy đổ la liệt, mấy ngôi nhà ven sông bị tốc mái, các tấm pa-nô, áp-phích trên các trụ gió bão đánh tan. Dưới chân cầu Sông Hàn, một nhóm công nhân thuộc Công ty CVCX đang tất bật róc cành, hốt lá cây lên xe. Chị Thúy Mỹ, một công nhân, cho biết: “Ngay sau khi bão tan, công ty đã điều động tất cả công nhân có mặt ngay trên các tuyến đường đã phân công sẵn để làm nhiệm vụ. Hầu hết các tuyến đường chính có cây cối gãy đổ nhiều như Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Hoàng Sa, Trần Hưng Đạo… đã được giải phóng để xe cộ lưu thông”.

Về đoạn đường từ Công viên Biển Đông đến biển Mỹ Khê, những công nhân của Công ty CVCX phụ trách tuyến đường này cứ thế cặm cụi làm, người tỉa cành cây, người nhặt rác… Công việc khẩn trương tất bật. Anh Công Tâm, một công nhân thuộc Công ty CVCX, tay vừa thoăn thoắt rọc những chiếc lá bị gãy trên cành vừa nói: “Ngày nào chúng tôi cũng có mặt trên những tuyến đường này. Mỗi người một tay, làm đến đâu phải sạch ngay đến đó để kịp làm những tuyến đường khác”. “Cây nào gãy quá không thể phục hồi lại thì nhổ đi và trồng cây mới. Những cây còn lại có khả nằng trồng lại thì chúng tôi cắt hết cành, dựng lại cây và tưới nước đẫm cho cây nhanh bám lại vào đất” - công nhân Văn Anh, cho biết thêm… công việc thu dọn vệ sinh, cây cối sau bão trên khắp các tuyến đường thành phố lúc này trở nên khẩn trương và sôi động hơn bao giờ hết.

Chỉ biết gắng hết sức

Đó là điều ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty CVCX cho biết trong thời điểm này. “Công việc quá nhiều, chúng tôi chưa thể ước lượng được con số thiệt hại do bão gây ra. Chỉ tính chung có khoảng gần 40.000 cây xanh bị gãy đổ để phổ biến và cập nhật tình hình khắc phục bão. Với tình hình hiện nay, công ty chỉ biết gắng hết sức, tập trung làm cả tháng có khi vẫn chưa xong” - ông Thứ cho biết.

Ngay sau khi bão đổ bộ vào, công ty đã triển khai cứ 1 quận 1 đội chia ra làm nhiều tổ tập trung cắt cây, cành, lá những cây ngã đổ trên đường để thông xe, tập trung vào những tuyến đường trọng điểm, sau đó sẽ giải quyết tiếp ở các khu dân cư, những đường phố nhỏ, khắc phục hư hại trên các dải phân cách và cào cát trên các công viên xuống biển để trả nguyên trạng. Cũng theo ông Thứ, vất vả nhất là công tác xử lý các sự cố cây ngã vào các trụ điện, đường dây điện để kịp cho các công nhân điện lực sửa chữa.

Những ngày này, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cũng đã huy động tổng lực các cán bộ công nhân viên, toàn bộ công nhân và thuê ngoài lao động và phương tiện để thực hiện thu gom rác trên các tuyến đường chính của thành phố. Tuy nhiên, để công tác khắc phục kịp thời, nhanh chóng, công ty kêu gọi chính quyền địa phương tuyên truyền toàn bộ nhân dân trên địa bàn tham gia tổng dọn khu dân cư cũng như nơi cư trú. Ông Phạm Phúc Ánh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu 1 cho biết: “Mấy năm bão đổ bộ, rác thải sinh hoạt trong dân cứ thế đổ chung vào với rác lá cây gây ô nhiễm môi trường trong mấy ngày liền. Rút kinh nghiệm, năm nay chúng tôi phân công 1 nhóm thu gom rác lá cây ngoài đường phố, nhóm còn lại gom rác dân để đảm bảo vệ sinh”.   

Bão đã đi qua, nhưng hình ảnh rác thải trên các tuyến đường phố và trong các khu dân cư vẫn còn ngổn ngang, la liệt. Công tác thu gom, khắc phục sau bão vẫn đang được các đơn vị, sở ban ngành tập trung cao độ. Hy vọng, trong một thời gian ngắn sẽ giải phóng sớm các điểm rác tồn đọng, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.