.

Bại tướng anh hùng

.

Trong công cuộc chống chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược thời cận đại, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất với quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập của Tổ quốc. Có nhiều tấm gương hy sinh thân mình vì nước, từ thường dân đến các binh sĩ, văn thân, quan lại, hoàng tộc triều Nguyễn.

Trong số ấy, Nguyễn Tri Phương là nhân vật đặc biệt hơn hết, bởi ông giữ vai trò là vị tư lệnh quân đội đã lần lượt đảm nhận chức vụ tổng chỉ huy mặt trận chống giặc trên cả 3 miền đất nước, và việc thành bại của ông có quan hệ mật thiết đến sự tồn vong của quốc gia.

Lăng mộ Nguyễn Tri Phương ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế  (được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990). Ảnh: N.Q.T.T
Lăng mộ Nguyễn Tri Phương ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế (được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990). Ảnh: N.Q.T.T

Nhắc đến Nguyễn Tri Phương, dĩ nhiên người đời sau thường nhớ nhiều về sự kiện đội quân do đại úy Francis Garnier cầm đầu tấn công thành Hà Nội vào sáng 20-11-1873, khi Nguyễn Tri Phương giữ chức Khâm mạng Tuyên sát Đổng sức đại thần, chịu trách nhiệm giải quyết mọi việc quân - dân ở Bắc Kỳ và trực tiếp đóng giữ thành Hà Nội. Trong cuộc giao tranh, thành Hà Nội bị mất, Nguyễn Tri Phương “bị trọng thương bởi một viên đạn trúng vào bụng dưới khi ông trèo lên bờ thành để động viên các binh lính” chiến đấu. Ông đã nhịn đói, không cho chữa trị vết thương để tuẫn tiết theo thành vào ngày 20-12-1873.

Trước trận chiến ở Hà Nội năm 1873, Nguyễn Tri Phương từng có sự đối đầu quyết liệt với quân Pháp ở Nam Kỳ năm 1861 trong tư cách là Tổng thống Quân vụ đại thần Quân thứ Gia Định, chịu trách nhiệm tổng chỉ huy mặt trận Nam Kỳ kể từ tháng 8-1860.

Nguyễn Tri Phương đã tập trung binh lực xây dựng Đại đồn Chí Hòa (Pháp phiên âm là Kỳ Hòa) ở Gia Định thành trung tâm phòng ngự quy mô lớn. Trận đánh mang tính quyết định chiến lược ở Nam Kỳ đã diễn ra ác liệt tại đây trong hai ngày 24 đến 25-2-1861, và cứ điểm “nổi tiếng là không thể chiếm được” bị thất thủ, Nguyễn Tri Phương phải rút quân.

Hai lần thất trận của Nguyễn Tri Phương ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ đều dẫn đến kết quả bất lợi cho cuộc chiến chống Tây xâm bằng hai hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) và Giáp Tuất (15-3-1874). Tuy nhiên, trước khi trở thành bại tướng, Nguyễn Tri Phương đã là người chiến thắng, là nỗi đau, nỗi nhục của liên quân Pháp-Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh ở Đà Nẵng.

Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng ở Đà Nẵng. Sau những đợt tấn công và giành được ưu thế nhanh chóng trong tháng 9, quân giặc bắt đầu nếm trải vị đắng khi Nguyễn Tri Phương được điều động làm Tổng thống Quân thứ Quảng Nam, chỉ huy mặt trận Đà Nẵng kể từ tháng 10-1858.

Với tài thao lược quân sự, kinh nghiệm trận mạc, cùng với quan niệm thân dân, Nguyễn Tri Phương từng bước chặn đứng đà tiến của liên quân Pháp-Tây Ban Nha, đẩy đối phương vào sự bế tắc chiến thuật, và cuối cùng đi đến thất bại về chiến lược, phải rút hết quân đội khỏi Đà Nẵng vào 23-3-1860, thừa nhận sự thất bại của kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh.

Vậy, Nguyễn Tri Phương đã thực hiện những biện pháp gì để giành được chiến thắng trong lần đầu đối địch với quân xâm lược phương Tây ở Đà Nẵng?

Trước thế giặc đang lên với sức mạnh vượt trội của chúng, Nguyễn Tri Phương vẫn bình tĩnh nắm bắt tình thế, phân tích ưu nhược của đôi bên, và quyết định dùng nguyên lý lấy “trường trận” để thắng “đoản trận”, dựa vào dân để chống giặc. Tư tưởng nhất quán của Nguyễn Tri Phương ở mặt trận Đà Nẵng là: “Thế chưa có thể đánh được, nên giữ cho kỹ để đợi làm kế giằng dai, trù tính cho dân đủ ăn, cấp lương cho dân theo sự cơ mà làm”.

Với tư tưởng này, Nguyễn Tri Phương hoạch định chiến thuật phòng thủ để tiến công. Ông cho củng cố, xây dựng lại các đồn lũy, hầm hào, hình thành hệ thống phòng thủ trùng điệp, vừa có chiều ngang vừa có chiều sâu, và dựa vào đó để phòng thủ, mai phục, tập kích, hạn chế đối đầu trực diện với quân giặc, kiên trì bám giữ trận địa, biến hệ thống trận địa thành cái bẫy khổng lồ, đẩy quân thù vào trạng thái tinh thần căng thẳng, lo lắng, mất bình tĩnh để tiến lên tiêu diệt chúng.

Nhận xét về chiến thuật phòng thủ chủ động này, một sĩ quan trong đội quân viễn chinh ở Đà Nẵng là Savin de Larclause đã viết: “Cánh đồng mọc lên nhiều công sự các loại, những người An Nam đã đạt được tiến bộ lớn trong nghệ thuật chiến tranh. Hôm nay chúng tôi đóng chiếm mảnh đất mà chúng tôi đã chinh phục trong trận đánh mới nhất, nhưng chúng tôi chỉ đuổi quân địch được vài trăm thước, vì họ đã lui về ẩn mình trong một phòng tuyến mới trước mặt chúng tôi, mà họ đã củng cố một cách mau chóng kinh khủng”.

Một chiến thuật phối hợp khác cũng được Nguyễn Tri Phương triển khai có hiệu quả là thực hiện “vườn không nhà trống”, vận động nhân dân đem hết đồ đạc lùi sâu vào nội địa, khiến quân giặc bị rơi vào tình trạng giữa chốn không người, triệt luôn hy vọng về nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho chúng, bịt tai che mắt không cho chúng tiếp xúc với dân bản địa để khai thác thông tin.

Không những thế, Nguyễn Tri Phương còn đẩy mạnh việc huy động quân dân phủ Điện Bàn lấp dòng sông Vĩnh Điện để dồn nước về cửa Đại, khiến mạn hạ lưu sông Hàn bị cạn, nhằm ngăn chặn thuyền giặc đi vào. Đặc biệt, nhân dân làng Hà Khê cũng được vận động mang lưới đánh cá bủa quanh cửa biển và trên sông Hàn, mục đích làm chân vịt của tàu chiến giặc sẽ bị vướng khi kéo vào yểm trợ bộ binh, “để quân dân ta chỉ còn lo tập trung phòng ngự ở mặt đường bộ”. Bài Vè Khoai lang phổ biến ở làng Hà Khê trước đây cũng phản ánh rõ chiến thuật này:

“Lệnh truyền đem lưới bủa giăng,

Tàu mắc nhùng nhằng không tấn, không lui”.

Qua những giải pháp ngăn chặn tàu thuyền của địch, có thể thấy Nguyễn Tri Phương ý thức rất rõ sức mạnh của giặc nằm ở hải quân và pháo binh (chiến thuật pháo thuyền), vì vậy ông đã có chiến thuật đối phó thích hợp, buộc đối phương từ bỏ sở trường, chỉ dùng sở đoản là bộ binh để tấn công trên bộ, dẫn đến sự thua cuộc, bế tắc và thất bại về chiến lược.

Dĩ nhiên, những chiến thuật của Nguyễn Tri Phương còn có sự cộng hưởng từ những tác nhân hết sức quan trọng khác, đó là vấn đề hậu cần của liên quân Pháp-Tây Ban Nha chuẩn bị không tốt do cuộc chiến kéo dài ngoài dự kiến, và sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu ở miền Trung. Hai lý do khách quan này đã bào mòn, tàn phá sinh lực địch, dịch bệnh và chết chóc bao trùm lên toàn lực lượng, gây chán nản về tinh thần cho cả binh lính và chỉ huy.

Chiến thắng của quân và dân Việt Nam ở Đà Nẵng đã ghi công nhiều anh hùng của dân tộc, và Nguyễn Tri Phương trở thành vị tướng lĩnh Việt Nam đầu tiên giành thắng lợi trong một trận chiến trước cuộc xâm lược của phương Tây.

Nguyễn Tri Phương tuy cuối cùng vẫn là bại tướng dưới tay thực dân Pháp ở cả Nam Kỳ và Bắc Kỳ, kéo theo sự mất nước của dân tộc; nhưng chiến công của ông ở mặt trận Đà Nẵng giai đoạn 1858-1860, cùng thắng lợi vẻ vang của quân và dân Việt Nam trong buổi đầu chống Tây xâm ở đây, đã khiến liên quân Pháp-Tây Ban Nha thất bại trong âm mưu tốc chiến tốc thắng, góp phần bảo vệ Kinh đô Huế, và khiến cuộc xâm lược của phương Tây ở Việt Nam phải kéo dài ròng rã đến 27 năm (1-9-1858 - 5-7-1885) mới kết thúc.

Dù là bại tướng, nhưng Nguyễn Tri Phương trở thành niềm tự hào của dân tộc, là tấm gương chiến đấu hy sinh quên mình vì nước, trung trinh đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền quốc gia, vĩnh viễn là hình tượng anh hùng của dân tộc!  

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.