.

Tinh anh ở lại

.

Làng Quang Châu của tôi trở nên đầy hồn phách cùng người con gái tên Trần Thị Băng, thiếp của chí sĩ Thái Phiên trong truyện ngắn dã sử  “Rồi máu lên hương” của tác giả Nguyễn Văn Xuân… Mỗi lần đi ngang trước từ đường họ Trần trong làng, tôi lại như thấy đâu đó mái tóc nàng Băng xõa dài theo lũy tre trong ráng chiều đỏ thẫm như màu máu của nhà chí sĩ năm xưa dưới làn đao của đao phủ thủ...

Các đại biểu dự lễ khai giảng năm học mới 2013-2014 chụp hình lưu niệm sau khi viếng hương trước tượng chí sĩ Thái Phiên.               Ảnh: V.T.L
Các đại biểu dự lễ khai giảng năm học mới 2013-2014 chụp hình lưu niệm sau khi viếng hương trước tượng chí sĩ Thái Phiên. Ảnh: V.T.L

Sau bao nhiêu năm loanh quanh những mái trường xa lắc ở Đại Lộc, Hòa Vang, Sơn Trà… tôi trở về bình yên với ngôi Trường trung học Ngoại Ô - Thái Phiên như một duyên nợ. Ở đây tôi đã gặp lại những người bạn cũ từ thời đi học mà mấy mươi năm rồi không tin tức. Và trong sâu thẳm lòng mình, tôi như gặp lại quê nhà qua trang sử về người chí sĩ Thái Phiên. Còn đó bước chân của chí sĩ trên những con đường làng từ Nghi An (Hòa Phát) đến Quang Châu (Hòa Châu) rồi lại dừng lại trong cuộc họp cuối cùng vào đêm 27-4-1916 tại thôn Miếu Bông (Hòa Phước) để đưa ra quyết định soạn thảo một bản tuyên ngôn gửi cho quốc dân khi khởi nghĩa Duy Tân nổ ra… nhưng tiếc thay, một bức di ảnh cho đời sau thì mãi mãi là một khoảng trắng!

10 năm trước, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường Ngoại Ô - Thái Phiên, ai cũng nghĩ giá mà có một bức tượng người chí sĩ đặt giữa sân trường trong dịp này thì ý nghĩa biết bao. Cái băn khoăn trăn trở ấy đã trở thành niềm khát khao đầy kính ngưỡng không chỉ riêng của thầy và trò nhà trường mà còn của toàn thể công dân của thành phố một thuở có tên là thành Thái Phiên.

Khi đại diện nhà trường đem việc này bàn với gia tộc Thái ở làng Nghi An thì được toàn thể con cháu đồng cảm và thống nhất tiến hành trên cơ sở họa lại những nét chung nhất của các vị cao niên và con cháu tộc Thái Nghi An hiện còn sống. Cái quan trọng nhất là làm sao có thể chuyển cái tinh anh lẫm liệt của người chí sĩ yêu nước vào trong bức ảnh để con cháu đời sau ngưỡng vọng.

Ngày cầm trên tay hơn mấy chục tấm ảnh của các vị cao niên và con cháu gia tộc Thái, chúng tôi đã rất hồi hộp và mường tượng khối lượng công việc phải làm. Việc đầu tiên là nhờ các chuyên gia máy tính quét ảnh, lọc ảnh, tổng hợp những nét đặc trưng nhất về nhân diện của gia tộc. Sau đó chỉnh sửa làm sao chuyển cái thần của người chí sĩ yêu nước trước cái chết vẫn hào hùng bất khuất vào từng ánh mắt, nét mày… Ngay cả việc chọn trang phục Tây hay ta, tóc búi củ hành, đội khăn đóng kiểu các cụ nhà nho hay cắt ngắn kiểu tầng lớp Tây học cũng là việc làm đau đầu không biết bao nhiêu người. Lần giở những trang sử cũ, hình ảnh người chí sĩ Thái Phiên lúc sinh thời làm thư ký Sở Thương chính cho Pháp, rồi tham gia Duy tân hội và phong trào Đông du là một gợi ý cho việc họa chân dung cụ mang dáng vẻ Tây học hiện đại…

Không thể diễn tả được niềm vui mừng của mọi người khi bức chân dung về người chí sĩ Thái Phiên được toàn thể gia tộc Thái, Ban Tuyên giáo Quận ủy Thanh Khê và một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử ở thành phố… cho là diễn tả được hồn phách của người anh hùng đất Quảng. Ngay liền sau đó, nhà trường kêu gọi cựu học sinh giới thiệu, hiến kế… để tiến hành tạc tượng cụ Thái Phiên. Như một cơ duyên, một học sinh cũ của trường tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế đã nhận lời. Còn gì ý nghĩa hơn việc chính tay học sinh Trường Thái Phiên tạc tượng người chí sĩ yêu nước mà ngôi trường được vinh dự mang tên.

Còn nhớ sáng 31-8-2003, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức lễ an vị tượng nhà yêu nước Thái Phiên sau một tháng thi công. Được đặt tại giữa sân trường, bức tượng người con ưu tú của thành phố Đà Nẵng này có chiều cao gần 3m kể cả bệ, riêng phần chân dung cao gần 1m được điêu khắc bằng đá xanh Đại Lộc. Sau khi ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của chí sĩ Thái Phiên, các thầy, cô giáo nhà trường và các đại biểu đại diện gia tộc tộc Thái đã thành kính dâng hương tưởng niệm.

Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường, đứng dưới tượng nhà chí sĩ, thầy và trò cảm thấy thể phách người xưa như ẩn hiện đâu đây... Từ đó, lễ chào cờ mỗi đầu tuần bỗng trở nên thiêng liêng hơn, ai cũng mong được xứng đáng hơn dưới mái trường yêu dấu.

Ngày hội trường 50 năm, các thế hệ thầy và trò lại tề tựu bên nhau hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay. Tôi quay về với tư cách là cô giáo cũ, ngước nhìn bức tượng người xưa, lại thấy đâu đó mái tóc nàng Băng đẫm máu tươi của chồng và đau đáu một nỗi niềm từ câu thơ của Nguyễn Du: Thác là thể phách, còn là tinh anh…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.