.

"Người tỉnh Bắc, Nguyễn Quyền là một"

.

Ông là một chí sĩ yêu nước thời cận đại, một trong những sáng lập viên của Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời năm 1907.

Nguyễn Quyền (1869-1941) hiệu Đông Đường, người làng Thượng Trì (tục gọi là làng Đìa), phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sinh ra trong một gia đình nhà nho. Ông đỗ tú tài Hán học và được bổ nhiệm làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn, do đó người đương thời gọi ông là Huấn Quyền.

Đường Nguyễn Quyền.
Đường Nguyễn Quyền.

Năm 1907, ông từ chức Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn, về Hà Nội cùng với một số thân hữu như Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Dương Bá Trạc, Đào Nguyên Phổ, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học… lập Trường Đông Kinh nghĩa thục nhằm cổ động canh tân, học chữ Quốc ngữ; Lương Văn Can đứng tên làm hiệu trưởng, ông được cử làm giám học. Trong khi các phong trào vũ trang chống thực dân Pháp lần lượt bị thất bại, Đông Kinh nghĩa thục ra đời mở ra cơ hội để truyền bá tinh thần yêu nước, đào tạo học sinh với kỳ vọng dùng con đường văn hóa để đấu tranh với bọn thực dân, khôi phục lại nền độc lập của dân tộc.

Trong thời gian tham gia giảng dạy ở trường, ông có sáng tác nhiều bài thơ yêu nước, vận động cổ vũ cho cuộc duy tân như Cắt tóc, Chiêu hồn nước… Ngoài Đông Kinh nghĩa thục, Nguyễn Quyền cũng là người đứng ra lập hãng Hồng Tân Hưng bán hàng công nghệ nội hóa với mục đích tự cường kinh tế và cạnh tranh với các hãng buôn ngoại quốc.

9 tháng sau ngày khai giảng Đông Kinh nghĩa thục, chính quyền thực dân đánh hơi thấy những hoạt động của nhóm sĩ phu yêu nước này có ảnh hưởng lớn đến tình hình xã hội bên ngoài và gây nguy hiểm cho chúng, nên tìm mọi cách để ngăn cản.

Năm 1908, nhân xảy ra vụ Hà thành đầu độc (vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội), thực dân Pháp lấy cớ đó bắt đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục. Viên Thống sứ Bắc Kỳ buộc Nguyễn Quyền phải trở về với chức giáo thọ, nhưng không được trở lại Lạng Sơn, mà đổi về huyện Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ. Một tháng sau, ông bị mật thám Pháp bắt, đưa về giam tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Hội đồng Đề hình (Commission criminelle) ghép tội ông vào án “trảm giam hậu”, rồi đổi thành án khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo (1909).

Đến năm 1910, Nguyễn Quyền được chính quyền thực dân ân xá, nhưng không được trở về quê nhà, kể cả Hà Nội - nơi ông từng hoạt động. Chúng đưa ông về “an trí” ở tỉnh Bến Tre; cùng lúc đó, Dương Bá Trạc bị đưa về Long Xuyên, Võ Hoành về Sa Đéc, Hoàng Tăng Bí về Huế, Phan Châu Trinh về Mỹ Tho.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có mở Trang Thông tin Kinh tế-Xã hội (bentre.gov.vn) và có bài giới thiệu khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Quyền. Trang này cho biết, mỗi tháng, chính quyền thực dân “chu cấp” cho mỗi người 8 đồng bạc Đông Dương để chi tiêu sinh sống. Ông lúc ban đầu có nhận, nhưng một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ của đồng chí, đồng bào hảo tâm, ông từ chối không nhận trợ cấp này nữa. Ông tuy bị giam lỏng và bị theo dõi, nhưng vẫn bí mật liên lạc với những nhà yêu nước trong vùng Lục tỉnh, mở tiệm may tại thị xã Bến Tre để làm nơi liên lạc, giao thiệp hợp pháp với bên ngoài, vận động quần chúng góp tiền bạc, gởi sang Nhật giúp Phan Bội Châu và phong trào Đông Du.

Năm 1916, do sự khai báo của cơ sở, ông bị Sở mật thám Sài Gòn gọi lên truy hỏi, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội, chúng đành phải thả ông về lại Bến Tre.

Năm 1924, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhân chuyến vào Nam, có ghé lại Bến Tre thăm ông và có làm thơ tặng, trong đó có câu “Kim mã tê thanh hồng nhựt ánh/ Kê mi án kiếm quá trùng quan” hàm ý khơi dậy lòng yêu nước của người chiến sĩ năm xưa.

Vào giai đoạn cuối đời, do tuổi tác và bệnh tật, ông nghiêng về cảnh vui thú điền viên, cố giữ lòng trong sạch của một nhà nho hơn là hành động của người chiến sĩ. Về sau ông chuyển về sống ở Sa Đéc, dựa vào nguồn lợi của mấy mẫu vườn cây ăn trái của con và mất tại đây ngày 18-7-1941, hưởng thọ 72 tuổi.

Ngày 25-4-1936, báo Mai số 9 có một bài viết nhan đề Nam thiên phong vân ca tán tụng 5 chí sĩ yêu nước chống Pháp, tham gia công cuộc duy tân đất nước hồi năm 1908 gồm Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành, Dương Bá Trạc và Hoàng Tăng Bí. Trong đó có đoạn ca ngợi hành động yêu nước của Nguyễn Quyền như sau:

“Người tỉnh Bắc, Nguyễn Quyền là một/ Cơn nhiệt thành lửa đốt buồng gan/ Đùng đùng gió cuốn mây tan/ Lạng thành giáo chức từ quan cáo về/ Mở tân giới, xoay nghề tân học/ Đón tân trào, dựng cuộc duy tân/ Tân thư, tân báo, tân văn/ Chân đi miệng nói xa gần thiếu đâu/ Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ/ Khắp ba mươi sáu phố Hà thành…”.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 500m, rộng 5,5m, từ đường Đàm Văn Lễ đến đường Nhơn Hòa 3 ở khu dân cư Nguyễn Huy Tưởng 1, 2, 3 và khu dân cư Hòa Phát 1, 2, 3, 4, 5, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.