.

Lịch triều tạp kỷ vinh danh: Ngô Cao Lãng

.

Ngô Cao Lãng vừa là nhà sử học, vừa là nhà văn, nhưng người ta biết đến ông như một nhà sử học qua bộ sử tư nhân Lịch triều tạp kỷ.

Đường Ngô Cao Lãng trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Đường Ngô Cao Lãng trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Ngô Cao Lãng nguyên tên là Lê Cao Lãng; tự Linh Phủ; hiệu Viên Trai; người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1807 ông đỗ Hương cống, làm quan đến tri phủ. Theo nghiên cứu của Trần Văn Giáp trong bộ sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (NXB Khoa học xã hội, 2003, tr. 337), có thể khẳng định các tên: Cao Viên Trai, Lê Cao Lãng và Ngô Cao Lãng chỉ là một người.

Ông từng làm giám khảo ở trường thi Sơn Tây, sau làm Tri phủ Hoài Đức. Ngoài vai trò là một viên quan cai trị, ông còn là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đương thời. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó đáng kể nhất là bộ Lịch triều tạp kỷ ông biên soạn vào đầu thế kỷ XIX, chép các sự việc theo thể biên niên (1672-1789), bao gồm các tư liệu về vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn, có nhiều sự việc không thấy chép trong các sách chính sử như Sử ký toàn thư và Việt sử cương mục. Bộ sách có nhiều sử liệu quý này gồm 6 quyển [hiện thiếu quyển 5 (1730 - 1778)], chép tay với 420 tờ, đã được NXB Khoa học Xã hội tổ chức dịch và xuất bản vào năm 1975.

Nguồn tư liệu phong phú trong Lịch triều tạp kỷ là “kho tàng” để các nhà nghiên cứu khai thác, tra cứu nhiều thông tin quan trọng.

Bộ sách này đã minh họa rõ thêm về cuộc cải cách của Trịnh Cương (1716-1729), cuộc cải cách tài chính duy nhất trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam. Trịnh Cương sớm nhận thức ra khâu chủ yếu cần giải quyết là kinh tế tài chính. Tư duy cải cách được bộc lộ trong “Phong niên vịnh” của ông năm 1721, được Ngô Cao Lãng chép lại trong sđd tr. 32: “Rút bớt những sự lộng lẫy, xa hoa. Bỏ hẳn những việc phiền nhiễu, hà khắc. Hiểu rõ đạo lý, răn đừng kiêu căng tự mãn và khuyên nên chuộng điều tiết kiệm. Trước phải xén bớt của những kẻ có nhiều, thêm vào cho những người có ít...”.

Bộ sách đã giải quyết nhiều tồn nghi trong lịch sử, như xác minh hai tên của cùng một người ở xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây có một vị tiến sĩ tên là Thân Hành, sinh năm Bính Thân (1656), con trai Tiến sĩ Thân Toàn, cháu nội của Tiến sĩ Thân Khuê. Về sau, Thân Hành làm con nuôi một gia đình họ Nguyễn nên đã đổi họ là Nguyễn.

Lịch triều tạp kỷ, chép rằng, tháng 12 năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức thứ 2 (1673), “mở khoa thi sĩ vọng cho cả nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Hành 30 người, bổ nhiệm các chức trong kinh đô và ngoài các trấn”. Như vậy là năm 18 tuổi Nguyễn Hành đã thi đỗ sĩ vọng cùng với 30 người khác được bổ đi làm quan. Đến tháng Giêng, mùa xuân năm Kỷ Tỵ niên hiệu Chính Hòa thứ mười (1689) sách này ghi tiếp: “thi đình, Nguyễn Hành... cùng 6 người đều đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”.

Việc chứng minh Nguyễn Hành và Thân Hành là một người sẽ chẳng đến đâu, nếu phần ghi chú của sđd không cho biết: “Nguyễn Hành, người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang (Hưng Yên), 33 tuổi, do sĩ vọng đỗ. Tháng 6, mùa hạ, năm Quý Dậu  niên hiệu Chính Hòa thứ mười bốn (1693), thi các quan văn về môn Từ mệnh, bọn Nguyễn Công Đổng, Vũ Thạnh, Hà Tông Mục và Nguyễn Hành, bốn người được
trúng cách”.

Mới đây, dựa trên Lịch triều tạp kỷ, tác giả Ngô Thị Xuân Hồng, chuyên ngành Văn học Việt Nam ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thực hiện đề tài luận văn cao học “Tìm hiểu nguồn tư liệu cho nghiên cứu Văn học trung đại trong Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng”. Tác giả đã tóm tắt các kết quả của luận văn như sau:

“Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng là một bộ dã sử - sử tư nhân - rất quý giá xét về phương diện tư liệu văn học, có thể qua đó hiểu biết nhiều vấn đề của văn học sử trung đại, bổ sung cho những hiểu biết về nhiều mặt của văn học Việt Nam trung đại, từ quan niệm văn học đến quan niệm thẩm mỹ, đời sống văn học, vấn đề ngôn ngữ văn tự của văn học. Trong đó, phải kể đến lối xướng họa thơ ca cung đình đặc sắc của các Chúa - tôi yêu thơ và đặc biệt là sự chuộng Nôm, sành Nôm của các chúa Trịnh, đã đưa vị trí của chữ Nôm ngang hàng với chữ Hán - thứ văn tự vốn được coi là Quốc thống, chính đạo”.

Wikipedia nhận xét: “Cuốn sử tư gia này (Lịch triều tạp kỷ - ĐNCT) được đánh giá cao do ghi được nhiều chi tiết về cuộc đời thường của người dân, ngoài ra còn cho thấy vị trí của chữ Nôm trong khoa thi và trong sáng tác của các chúa. Có thể tham khảo sách này cùng với những bộ sử chính thức khác để làm sáng tỏ nhiều vấn đề đương thời”.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 679m, rộng 7,5m x 2, từ đường Trần Nguyên Hãn đến đường Lê Đức Thọ, thuộc Khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND, ngày 23-12-2011 về Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.