.

Thần đồng Nguyễn Trung Ngạn

.

Cả đương thời lẫn hậu thế, dưới nhiều góc độ, đều đánh giá Nguyễn Trung Ngạn là một tài năng lớn phát lộ từ rất trẻ: ông đỗ Hoàng giáp khi mới 15 tuổi, đương thời gọi ông là thần đồng.

Trường mầm non Hướng Dương, phường Khuê Trung, nằm bên đường Nguyễn Trung Ngạn.
Trường mầm non Hướng Dương, phường Khuê Trung, nằm bên đường Nguyễn Trung Ngạn.

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng. Năm 15 tuổi, ông đã đỗ Hoàng giáp (cùng khoa với Mạc Ðĩnh Chi) kỳ thi Hội năm Giáp Thìn (1304) niên hiệu Hưng Long thứ 12 triều vua Trần Anh Tông.

Thời Trần, sau ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông thắng lợi, quân dân Đại Việt bước vào giai đoạn khắc phục những hậu quả sau chiến tranh và xây dựng lại đất nước với khí thế của những người chiến thắng. Chế độ khoa cử và tầng lớp nho sĩ đã có điều kiện phát triển trở lại. Các triều vua Trần thường chú trọng nhiều hơn tới tài năng khi tuyển chọn người vào hàng ngũ quản lý của bộ máy Nhà nước.

Năm 1304 cũng là thời điểm mà Nguyễn Trung Ngạn thi đỗ Hoàng giáp và được triều đình nhà Trần trọng dụng, lần lượt được bổ giữ nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền Nhà nước. Trải qua 4 triều vua Trần, ông bắt đầu từ chức Gián quan (một chức quan trong Ngự sử đài) và kết thúc ở chức Ðại hành khiển tước Thân quốc công trước khi qua đời.

Năm 1314, sau khi lên ngôi, vua Trần Minh Tông sai ông và Phạm Mại sang triều đình nhà Nguyên đáp lễ. Đây có lẽ là lần đầu tiên “tập dượt” trong công tác ngoại giao để mười năm sau, năm 1324, ông đã có cơ hội “hạ gục” tính kiêu căng, ngạo mạn của sứ thần phương Bắc.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng, năm 1324, “vua Nguyên (Thái Định Đế) sai Mã Hợp Mưu, Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi và trao cho một quyển lịch. Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng. Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng”.

Tính ông cương trực, tài kim văn võ, có nhiều đóng góp cho công việc xây dựng và bảo vệ Đại Việt lúc bấy giờ. Ông là một nhà chính trị, một đại thần có tài, được sử gia Phan Huy Chú đánh giá là 1 trong 10 “người phò tá có công lao tài đức đời Trần” cùng với các danh thần khác là Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.

Phần lớn cuộc đời ông gắn liền với kinh thành Thăng Long, trong đó từ năm 1341 ông là Kinh sư Đại doãn (quan đứng đầu kinh thành, tương đương với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngày nay). Dưới triều Nhà Trần, người được xét chọn bổ nhiệm vào chức Kinh sư Đại doãn phải kinh qua An phủ sứ các lộ, qua các kỳ khảo duyệt, được cử làm An phủ sứ Thiên Trường (quê hương nhà Trần, nay thuộc tỉnh Nam Định), rồi phải “thử thách” làm việc ở Thẩm hình viện mới đủ tiêu chí. Tuy sử cũ không chép cụ thể ông đã làm những gì khi ở cương vị này, nhưng chỉ cần biết Hà Nội có tới 7 đền thờ ông, đủ cảm nhận nhân dân kinh thành đã tôn kính, ngưỡng mộ ông ra sao.

Bài viết “Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn” đăng trên Tạp chí Quê hương trên Internet (quehuongonline.vn) ngày 24-3-2012 đã nhận xét về ông như sau:

“Trải qua 4 triều vua nhà Trần trong hơn 60 năm làm việc tại triều, Nguyễn Trung Ngạn là người trí thức nho học thực sự có tài về quản lý chính sự, luật pháp, ngoại giao, lịch sử, kể cả quân sự. Nguyễn Trung Ngạn đã trị nhậm ở nhiều địa phương như An phủ sứ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Kinh lược sứ Lạng Giang, v.v… Dù các công việc rất khác nhau, không gian rất xa, trong điều kiện giao thông, đi lại khá thô sơ của thế kỷ XIV, nhưng vì sự tín nhiệm của triều đình, sự mẫn cán và năng lực quản lý của bản thân, Nguyễn Trung Ngạn đều hoàn thành tốt các công việc”.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 530m, rộng 5,5m, từ đường Đỗ Thúc Tịnh đến đường 5,5m, thuộc khu dân cư số 3 Nguyễn Tri Phương, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, theo Nghị quyết số 32/2005/NQ/HĐND ngày 28-12-2005 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.