Tìm lại nhà mái lá

.

Loại nhà đặc biệt có hai tầng mái, mái dưới bằng đất, mái trên lợp bằng tranh thường chỉ xuất hiện ở Bình Định, Phú Yên. Nhưng từ những thế kỷ trước, kiến trúc này phổ biến ở Quảng Nam, tại các vùng có địa lý đặc thù khá giống nhau. Đây là phát hiện mới so với những gì mà Pierre Gourou, nhà địa lý học nhân văn, đã từng công bố từ hơn nửa thế kỷ trước...

Kiến trúc nhà mái lá xuất hiện nhiều ở các vùng quê các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Ảnh: N.T.H
Kiến trúc nhà lá mái xuất hiện nhiều ở các vùng quê các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Ảnh: N.T.H

Từ những nghiên cứu cũ

Hơn nữa thế kỷ trước, nhà địa lý học nhân văn Pierre Gourou đã đi khảo sát các ngôi nhà ở Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định để tìm ra những chỗ khác nhau của nhà ở mỗi vùng, nhấn mạnh sự khác nhau của hai kiến trúc ở phía bắc sông Gianh và phía nam sông Gianh. Nguyên do chọn Quảng Trị làm nơi nghiên cứu của miền Trung Trung Bộ đến đèo Hải Vân bởi lẽ qua những lần đi khảo sát, điều tra ông nhận thấy đa số kiểu nhà ở chung quanh Huế đều giống loại nhà ở Quảng Trị và nhiều nhà ở Huế đã mua lại từ Quảng Trị rồi tháo ráp.

Trong mô tả có một chi tiết khá thú vị, tại Quảng Trị đã tồn tại từ lâu một loại là nhà ở có hai tầng mái, mà tận Bình Định đến Phú Yên cũng đã có từ lâu một kiểu kết cấu phần mái như vậy. Kết quả điều tra gần đây còn cho thấy loại nhà này xuất hiện tận đảo Lý Sơn, tức Cù Lao Ré, Quảng Ngãi. Đến hôm nay, chúng ta gọi là nhà lá mái, và nhiều nhà nghiên cứu, báo chí đã lên tiếng cảnh báo rằng, loại kiến trúc đặc biệt này còn lại rất hiếm hoi, hiện chỉ tồn tại từ một đến hai nhà và có nguy cơ biến mất ở hai tỉnh nói trên.

Trở lại nhà lá mái này tại tỉnh Quảng Trị, Pierre Gourou mô tả là một loại nhà rường nằm trên dải đồi đất bazan ở Cửa Tùng tại làng Liêm Công Tây. Được biết, ngôi nhà này xưa hơn các ngôi nhà hiện có tại vùng này lúc bấy giờ (năm 1934) mà theo chủ nhân thì nó được dựng từ thời Tây Sơn trong những năm cuối thế kỷ XVIII. Mái nhà có hai lớp, gồm một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan bằng tre thô sơ được bó đất cẩn thận; khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc (40cm). Cấu trúc đó có vẻ hợp lý. Loại mái hai lớp bằng đất và  rơm đó người Việt gọi là “mái xông”. Đây là loại nhà không lợp mái ngói khá phổ biến ở vùng Cửa Tùng này. Ở tận phía nam miền Trung, nhà nghiên cứu Pierre Gourou cũng thấy kiểu nhà này xuất hiện ở Bình Định.

Nét mới trong kiến trúc nhà lá mái ở Quảng Nam

Không thấy Pierre Gourou mô tả kiểu nhà này ở Huế và Quảng Nam. Thế nhưng trong thời gian gần dây, chúng tôi đi khảo sát lại các kiến trúc cổ truyền dân gian tại Quảng Nam thì phát hiện, ở vùng phía nam thuộc tỉnh Quảng Nam như Tam Kỳ, Núi Thành, nhất là vùng trung du huyện Tiên Phước- những nơi được xem là có khí hậu oi bức nhất ở Quảng Nam - đã tồn tại rất nhiều kiểu nhà kể trên từ những năm 40 của thế kỷ XX về trước. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Phước), chủ nhân của ngôi nhà cổ có niên đại trên 120 năm và đang còn ở tình trạng tốt nhờ sự chăm sóc bảo quản của nhiều thế hệ trong gia đình kể rằng, nhà cụ trước năm 1941 là loại nhà có hai tầng mái. Tầng mái bên dưới gồm hỗn hợp của đất sét trộn với rơm cắt nhỏ đắp một lớp dày 7-10cm phủ trên trần ván gỗ mông ghép kín (những tấm rui ở mái nhà ghép khít lại). Phần mái trên được kết cấu như một loại nhà khung tre có đòn tay, rui mè bằng tre và lợp tranh sàng dây kín chống mưa. Bộ sườn mái bằng tre này được kê trên những ụ đã liên kết với đất sét đặt trên các vị trí đầu cột của khung nhà gỗ bên dưới, khoảng hở của mái này 40-50cm.

Tương tự, nhà anh Nguyễn Đình Mẫn, Đồng Viết Mão (người trong họ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh) ở làng Lộc Yên, nay thuộc thôn 4, nhà của Lê Văn Hào ở thôn 5, xã Tiên Cảnh cũng đều được thay mái tranh và đất bằng ngói trong những năm 40 của thế kỷ XX. Điều này được giải thích rằng ngôi nhà bằng gỗ mít chạm trổ công phu, nếu sơ suất bất cẩn để bị cháy hoặc bị sét đánh (vùng này thường xuyên có sấm sét vào mùa hè) thì tất cả đều bị hóa thành tro. Đồng thời, việc sử dụng ngói để lợp nhà như những vùng có thuận lợi giao thông đường thủy sẽ trở nên khó khăn nếu thực hiện việc chuyên chở vật liệu dễ vỡ ở vùng đồi núi này...

Vì vậy, mãi đến năm 1941, cụ Nguyễn Huỳnh Anh mới có thể thay mái tranh bằng mái ngói với giá 1 xu mua từ làng gốm Thanh Hà, Hội An chuyển lên. Nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng thôn Thạnh Bình, Tiên Cảnh và nhiều nhà ở vùng này trước đây cũng là nhà lá mái. Đa số được thay bằng mái lợp ngói sau những năm 40 của thế XX... Hiện nay ở thôn 4 làng Lộc Yên xưa, xã Tiên Cảnh - Tiên Phước may mắn còn một kiến trúc mái đất, tường đất, phần lợp tranh đã thay bằng ngói. Đó là nhà của cụ Trần Khiêm.

Từ những tư liệu, kết quả khảo sát điều tra tạm thời cho ta những nhận định: nhà lá mái là một kiến trúc có kết cấu đậm nét yếu tố bản địa (nhà của người Chăm cổ, tiếng Chăm gọi là Thang Lâm), tùy thuộc vào vị trí của vùng đất có khí hậu nóng, khô hạn (xa vùng nước), xa lò sản xuất ngói. Và nhà lá mái xuất hiện ở Quảng Nam cũng khá hợp lý. Quảng Nam là một vùng có nhiều loại gỗ vườn là mít (Tam Xuân, Tam Mỹ - Núi Thành, nhất là Tiên Phước) cùng với những phường thợ mộc Văn Hà và Kim Bồng đã tạo nên những ngôi nhà đẹp, phong phú với nhiều loại hình kiến trúc dân gian đậm nét đặc thù của vùng đất này - trong đó có nhà lá mái.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

;
;
.
.
.
.
.