ĐỂ RỪNG THÊM XANH

Việc gìn giữ cũng lắm công phu

.

Không chỉ là “lá phổi xanh”, gìn giữ môi trường trong lành cho thành phố, báo đảo Sơn Trà với thảm thực vật phong phú, đa dạng về chủng loại còn là nguồn tài nguyên quý để tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến này. Tuy nhiên, chính vì vậy nên công tác bảo vệ, gìn giữ để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có các loài động vật hoang dã, luôn cần được lưu tâm.

Dọc đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà có nhiều biển báo tuyên truyền, cảnh báo về việc gìn giữ điểm đến. Ảnh: K.H
Dọc đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà có nhiều biển báo tuyên truyền, cảnh báo về việc gìn giữ điểm đến. Ảnh: K.H

Một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi theo chân ông Phạm Văn Nhớ, nhân viên bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thực hiện chuyến “phượt” ngắn. Từ chân núi Sơn Trà (đường Lê Văn Lương) men theo con đường độc đạo với những vòng cua mềm mại, qua khỏi Trạm kiểm soát là tiến thẳng vào vùng trung tâm của bán đảo. Ngồi sau chiếc xe máy, chúng tôi cảm nhận được làn gió tươi mát và bầu không khí trong lành với rừng cây xanh rợp bóng san sát bên đường.

Vẫn thường được ví là “viên ngọc xanh” giữa lòng thành phố, bán đảo Sơn Trà luôn nằm trong top những điểm đến phải ghé chân đối với du khách trong và ngoài nước cũng như người dân ở địa phương. Các nhà nghiên cứu khoa học ghi nhận bán đảo Sơn Trà có hơn 1.000 loại thực vật, 531 loài động vật, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Nhưng cũng có lẽ, điều này phần nào tạo nên áp lực đối với ngành chức năng trong việc gìn giữ “viên ngọc quý” này, nhất là các loài động vật hoang dã, động vật nằm trong sách đỏ.

Công việc hằng ngày của ông Phạm Văn Nhớ bắt đầu từ 7 giờ 30 bằng một vòng chạy xe máy, vòng vèo qua các cung đường để làm công việc tuần tra, canh giữa cho điểm đến luôn được an toàn. Cùng làm việc với ông là gần 20 đồng nghiệp khác. Mỗi người mỗi phần việc khác nhau nhưng ai cũng chung niềm yêu mến đối với “lá phổi xanh” của thành phố.

Khi được chúng tôi gợi mở câu chuyện về việc người dân, du khách thường có thói quen cho các loài khỉ ăn nên ảnh hưởng đến tập tính, thói quen của loài này, gây mất cân bằng sinh thái, ông Phạm Văn Nhớ cho biết: "Một ngày khu vực bán đảo Sơn Trà đón khoảng 150-200 khách đến tham quan, khám phá, vào dịp cuối tuần con số này có khi tăng lên 300-400 người. Vì số lượng người tham quan, di chuyển ở bán đảo Sơn Trà đông nên không dễ để quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, lực lượng chức năng chưa có cơ chế xử phạt, chỉ có thể tuyên truyền, vận động người dân không nên có hành vi cho khỉ ăn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, khách du lịch chung tay bảo tồn, giữ gìn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà".

Bảo tồn hệ sinh thái, phát triển du lịch bền vững trên bán đảo Sơn Trà cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trong đó, những đơn vị chức năng có nhiệm vụ trực tiếp như Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn…

Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở xác định việc khai thác du lịch luôn gắn với công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững, công tác bảo tồn tại bán đảo Sơn Trà được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện tốt. Ban quản lý thường xuyên cử nhân viên chốt trực, tuần tra, nhắc nhở người dân, du khách không xả rác, không cho động vật ăn; tham gia đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét ngăn chặn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép tại bán đảo Sơn Trà.

Tổ chức định kỳ hoạt động “Vì một Sơn Trà xanh” nhằm làm sạch môi trường tại bán đảo, tuyên truyền cho người dân, khách du lịch tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu; hướng dẫn cá nhân, nhóm khách tham quan tuyến ngắm voọc bảo đảm nội quy tham quan, không gây tiếng ồn, màu sắc quần áo không ảnh hưởng đến sinh cảnh của voọc; đồng thời, lắp đặt 8 cây cầu xanh dọc tuyến Tiên Sa - Hồ Sâu - Bãi Bắc nhằm kết nối sinh cảnh, tạo không gian sống tự nhiên cho loài voọc. Nhờ vậy, thời gian qua, số lượng voọc, khỉ sinh sản nhiều, hệ sinh thái thực vật được bảo tồn. Thời gian tới, Ban quản lý sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng chương trình đi bộ học tập, trải nghiệm thiên nhiên dưới tán rừng cho học sinh, người dân và du khách tại tuyến không gian xanh, qua đó giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ giữ gìn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà.

Công tác tuyên truyền, gìn giữ bán đảo Sơn Trà với mục tiêu phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các loài động vật hoang dã, động vật nằm trong sách đỏ còn có vai trò của Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Theo ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, đơn vị luôn cắt cử lực lượng thường xuyên tổ chức tuần tra tại khu vực trọng yếu, nhằm phá các loại bẫy thú và kịp thời phát hiện đối tượng có hành vi săn bắt động vật; luôn bảo tồn, gìn giữ nghiêm ngặt các loài động thực vật. Tổ chức, cá nhân muốn nghiên cứu đều phải được cấp quyền cho phép. Đồng thời, phối hợp UBND phường Thọ Quang tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ dân sống ven rừng, ký kết giao ước bảo vệ rừng, thực hiện quy định phòng, chống cháy rừng; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe; niêm yết công khai số điện thoại cơ quan chức năng trên các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà để người dân thông báo khi phát hiện nguy cơ gây cháy.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.