Mùi rơm xứ Đồng Tràm

.

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng quê bình yên, nép mình bên dòng sông Ly Ly thơ mộng, có tên gọi là làng Đồng Tràm thuộc vùng ven của thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, là vùng tiếp giáp ba huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Xóm tôi ở có tên gọi “Xóm Giữa”, nằm cạnh kênh nước thủy lợi Phú Ninh huyền thoại chảy qua và dọc men theo con đê ngăn lũ mà trẻ con chúng tôi chiều chiều thường chăn trâu, thả diều, tắm mương, bắt cá. Làng Đồng Tràm của tôi là vùng đất giàu truyền thống cách mạng trong lịch sử dựng nước và giữ nước ngàn năm hào hùng, đầy tự hào của dân tộc.

Mùi rơm vẫn luôn là mùi của quê hương, là mùi của tình yêu và của cả những ký ức không bao giờ phai. Ảnh: ST
Mùi rơm vẫn luôn là mùi của quê hương, là mùi của tình yêu và của cả những ký ức không bao giờ phai. Ảnh: ST

Cánh đồng lúa huyền thoại quê tôi đã đi vào thơ ca của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm “Đồng lúa Quế Xuân - Con đò Trung Phước” được bồi đắp bởi hương phù sa của dòng sữa mẹ Ly Ly hiền hòa. Lúa lớn lên ôm trong mình vị ngọt của dòng nước Phú Ninh trong mát, nó còn ẩn sâu, chứa chan vị mặn giọt mồ hôi vất vả nhưng đầy hạnh phúc của cha mẹ. Cảnh lúa chín gần đến mùa gặt đẹp lạ thường, hạt trải đều màu vàng nặng trĩu trên từng bông lúa. Bước sang đầu tháng Ba âm lịch, tiết trời bắt đầu nắng gắt cũng là lúc quê tôi vào mùa gặt. Tôi thích nhất là vào mùa được về với quê mình, một phần để đỡ đần việc nặng cho cha, một phần san sẻ sớm khuya với mẹ nhưng trên hết là được trở về với những miền ký ức đẹp của tuổi thơ mà ở những nơi khác tôi không bao giờ có được.

Những ngày này, dưới cái nóng rát da rát thịt của trời tháng Ba, bà con quê tôi hối hả tất bật tranh thủ thu hoạch sau những tháng ngày vất vả. Điều ngược đời là mọi người rất thích cái nắng, càng nắng thì càng tốt vì nắng thì gặt và phơi sẽ nhanh hơn, lúa và rơm sẽ thơm hơn. Rơm sau gặt sẽ tiếp tục trải mình trong nắng, uốn cong giòn khô khắp cánh đồng. Ba tôi trở qua rồi trở lại vài lần cho nó khô thật đều mới cuốn lại và bó mang về nhà để chất thành đống rơm. Từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều là giờ thu hoạch rơm tốt nhất. Mười hai giờ trưa, nhìn khung cảnh nhà nhà, người người, nào là cuốn rơm, rồi bó rơm, nào là gánh rơm thật vui biết bao. Và chúng tôi sẽ không bao giờ quên từng ngụm nước mà chúng tôi uống, từng bát cơm mà chúng tôi ăn được đun bởi cọng rơm nức mùi thơm bên căn bếp của mẹ, tiền học mà chúng tôi có để đóng là tiền bán con bò, con trâu được nuôi lớn bằng rơm bên căn trại của cha.

Lúc đi học cũng như bây giờ đã đi làm xa nhà, mỗi cuối tuần tôi lại mong được về với quê, với xóm làng của tôi để khi nắng lên tôi được đi cuốn rơm cùng cha, quạt lúa cùng mẹ, chiều tàn tôi đi chăn trâu, đào khoai lang, đào sắn để nướng, để được oài mình, ngã mình vào đống rơm sau hè để hít hà cho “đõa” cái mùi rơm quê nhà thân thương, là để nghe được lời ru à ơi ví dầu bên tiếng võng đu đưa của bà, là để thả hồn nghe tiếng gió rì rào của bụi chuối bên hiên và là để nhớ về một ký ức tuổi thơ tươi đẹp, khó phai nhòa.

Rồi đây, dù cho xã hội có biến đổi, cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền nơi xứ người có như thế nào đi chăng nữa, dù cho bản thân chúng tôi có đi đâu, làm gì, dù là thành công, hay thất bại nhưng với chúng tôi và với cả những người con xa quê luôn có một nơi để trở về, đó là quê hương, đó là làng Đồng Tràm, đó là Xóm Giữa yêu dấu, và mùi rơm vẫn luôn là mùi của quê hương là mùi của tình yêu và của cả những ký ức không bao giờ phai, giúp chúng tôi luôn nhớ về nguồn cội của mình, về một thời đã qua nhưng còn mãi trong trái tim của chúng tôi.

LÊ VIẾT TRUNG

;
;
.
.
.
.
.