Đà Nẵng cuối tuần

Cá lẹp mà kẹp lộc mưng

22:28, 27/04/2024 (GMT+7)

Đêm, hương hoa ngào ngạt cả không gian nhỏ bé khu vườn nhà tỏa ra từ cây lộc mưng (lộc vừng) trước cổng. Sáng ra một lớp hoa đỏ rải thảm trên nền gạch thẫm. Mấy chú ong mật còn mê đắm mùi hương hay tìm kiếm chút mật nào sót lại nơi cuống hoa vừa rụng mà lưu luyến không rời. Nhìn cảnh ấy, mẹ già bất giác lại đọc câu ca dao quen thuộc “Cá lẹp mà kẹp lộc mưng/ Chồng ăn một miếng vợ trừng mắt lên”. Hiểu được ẩn ý từ câu nói buột miệng của mẹ, vợ tôi lẳng lặng xách làn đi chợ. Trưa nay kiểu gì cũng có món ăn cả nhà yêu thích - món cá lẹp kẹp lộc mưng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Là loài cây thân gỗ nhưng lá non của lộc mưng lại có một hương vị thật đặc biệt: một chút chát đắng, một chút vị chua, và thoang thoảng mùi hương thảo mộc. Lá mưng non thành thứ lộc để ăn kèm với nhiều loại cá, thịt nhưng kết hợp tuyệt vời nhất vẫn là cá lẹp.

Cá lẹp vốn như tên gọi, thân của cá rất mềm, thịt nhão và nhiều mỡ. Tuy lẹp nhưng thịt cá lại rất béo, khi kho nấu, thịt cá sẽ nhanh rời ra cùng mỡ tan trong nước khiến nước kho có màu đục, ăn không còn mùi vị gì. Xưa, ngày nào đi chợ về, trong chiếc mủng của mẹ đều có đùm cá lẹp. Chẳng có nhiều gia vị, đôi khi chỉ nhúm muối, vài quả cà chua nhỏ nấu xổi lên, vậy mà đến bữa cơm mẹ dọn ra, mấy chị em đều ăn đua với nhau, có cá ăn vạ giờ cơm là vậy.

Còn nhớ, chị gái thứ lấy chồng rồi lập nghiệp ở Tây Nguyên xa xôi, mỗi lần nhìn thấy lộc mưng trổ hoa đều gọi điện về mà nước mắt rưng rưng, thèm được về quê mà ăn món cá lẹp mẹ nấu xổi ngày xưa. Tây Nguyên chẳng gần biển như quê mình, cá tươi đã khó kiếm chứ nói gì nạm cá vặt như cá lẹp. Chưa kể, hình như cá lẹp loại cá nhà nghèo ấy chỉ tập trung nhiều ở mảnh đất miền Trung, nơi đã quen “mùa đông trời buốt giá, mùa hè nắng cháy da” thì phải. Nỗi nhớ chỉ là nỗi nhớ, sự tiếc nuối trong tâm tưởng những êm đềm quá khứ xa xưa đặc biệt là những lúc trên đường đời mệt mỏi. Đã lâu rồi chị chưa về quê, cá lẹp năm nay được mùa mà kỷ niệm lại càng xa xăm.

Cái món dân dã, nhà nghèo và rất rẻ ấy dẫu chẳng sánh bằng “chim, thu, nhụ, đé” nhưng nếu kỳ công xuống biển chờ những con thuyền đi biển vừa về, mua mớ cá lẹp đúng mùa tươi rói, mình dày về chế biến cũng có cái thú vị riêng. Cá lẹp đem rửa sạch đất cát, quạt lửa than thật đượm, bỏ cá vào vỉ mà nướng. Sức nóng của than làm cho cá nhanh chín nên phải trở đều. Chẳng mấy chốc mà vị mặn mòi của biển, vị thơm nồng của cá sực nức cả không gian. Ta có thể kẹp lộc mưng bằng cả nguyên con hoặc kỳ công hơn thì khi cá chín đều còn nóng, gỡ nhẹ tay là lớp thịt trắng bong hiện ra. Pha bát nước mắm cốt cùng ít chanh, giã vài tép tỏi cùng vài lát ớt cay làm nước chấm; món cá lẹp kẹp lộc mưng bỗng thành mĩ vị nhân gian. Thịt cá màu trắng bọc trong màu đỏ của lá mưng chấm vào màu mận của nước mắm gợi lên một cảm giác ngon lành hòa quyện khó tả, khó quên. Vị béo ngọt của cá kết hợp với vị chát nhân nhẩn đắng của lá mưng non cùng vị mặn cay của nước mắm khiến người ta ăn một muốn hai, thòm thèm hương vị.

Ngày nay, cá lẹp đã ít xuất hiện dẫu ở những phiên chợ quê. Nó lại càng ít hiện hữu trong các bữa ăn gia đình dẫu là bình dân. Ngư dân vì cá rẻ nên chẳng bõ công đánh bắt hoặc đánh bắt thì dùng làm nguyên liệu để ủ nước mắm. Thi thoảng mới thấy mấy bà hàng cá đưa lên một ít để bán khi có ai đặt mua.

Vợ xách làn đi chợ, ta lại sửa soạn vỉ than, lựa hái những đọt lộc mưng để tìm về với những kỷ niệm thời xưa cũ. Mong vợ đi chợ về có thêm mớ cá lẹp tươi ngon để trưa nay trong bữa cơm lại được nghe mẹ già lẩm nhẩm “Cá lẹp mà kẹp lộc mưng/ Chồng ăn một miếng vợ trừng mắt lên”…  

ĐINH HẠ

.