Đà Nẵng cuối tuần

Đất thở

22:17, 27/04/2024 (GMT+7)

1. Cuộc gọi đến giữa trưa, giọng Tân nói nhanh như gió, vẻ như cậu ấy còn đang giang nắng dẫn khách đi xem đất: “Có khách hàng đồng ý mua đất rồi. Anh chuẩn bị giấy tờ nha, để em chốt thời gian đặt cọc với họ rồi báo anh liền”.

Lúc đó, anh đang chạy bộ trên máy, ở trung tâm thể dục được xem là có máy móc hiện đại và không gian lớn bậc nhất nước. Quả là như vậy. Tòa nhà mười tầng rộng thênh thang, nằm giữa mặt tiền khu phố ẩm thực “tấc đất tấc vàng”. Nơi này tích hợp các bộ môn thể dục dàn trải khắp các tầng, nhưng cuối cùng anh cũng chỉ dùng duy nhất chiếc máy chạy bộ. Tâm lý chung của con người là vậy, chẳng bao giờ sử dụng hết những thứ mình cố gắng sở hữu, vậy mà vẫn không ngừng nỗ lực để sở hữu thật nhiều.

Ở tầng 9, anh có thể nhìn ngắm bao quát thành phố từ trên cao. Ôi chao là nhà. Những nóc nhà với đủ hình thù, chen chúc “mọc lên”, cắm thẳng vào bầu trời.

Mùa này trời khô hanh. Anh nhẩm tính đã gần 6 tháng nay chưa có một giọt mưa. Cái ý nghĩ ấy không dưng khiến anh thấy cổ họng mình khô khốc, khô như những cái cây đang oằn mình chịu trận giữa không trung hào phóng nắng kia.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Anh đang nói về việc chạy bộ, anh chọn duy nhất chiếc máy chạy bộ ở trung tâm đồ sộ này, chỉ vì mỗi khi chạy bộ, phóng tầm nhìn ra phía những khối bê-tông sừng sững, lòng anh tràn ngập niềm phấn khởi, đó là chuẩn bị cho công cuộc rời đi. Rời khỏi thành phố sầm uất bậc nhất này.

Ước mơ, khi ấy như một con diều vừa được nối dây, gặp ngay cơn gió ngược, phần phật bay vút lên trời. Anh mong muốn đi khỏi nơi này, cũng ngang bằng với những trái tim đang khao khát chạm chân đến, rời khỏi vùng quê với những buổi chiều ảm đạm và một tương lai xám mờ. Anh cần đi, đi để được thở trong nguồn không gian trong lành, cân bằng giữa thiên nhiên, sông núi, sương mù lảng bảng mỗi sớm mai. Đi để thấy những khóm cây thở, đất thở dưới lòng bàn chân mình.

Ý nghĩ ấy như một ly nước mát lạnh thấm đẫm từng tế bào trong anh, miên man theo từng hơi thở, bước chân. Nhưng rồi, không phải mọi ý định của mình đều thành hiện thực. Một buổi chiều, Quỳnh trở về trong nước mắt. Cô ấy rất ít khóc, hẳn là phải có chuyện gì quan trọng lắm. Mẹ vợ anh bị té, vỡ khớp háng, còn liên quan đến dây thần kinh gì đó. Cả nhà quyết định đưa mẹ ra nước ngoài điều trị. Khi ấy, Quỳnh nhớ ra tờ sổ đỏ đứng tên hai người mà anh với Quỳnh mua từ trước mùa dịch, với ý định sau này sẽ bỏ phố về quê. Anh sẽ thực hiện được giấc mơ tươi đẹp của mình, rời xa phố thị. Quỳnh cũng bảo: “Khi có con, em cũng muốn con của chúng mình có tuổi thơ thật đẹp nơi vườn tược, sông suối…”.

Vậy mà vào một ngày không như mọi ngày, Quỳnh tước đoạt mất giấc mơ mà anh ấp ủ đếm từng ngày để chạm tới. Hỏi sao anh có thể bình tâm cho được?

- Chúng ta nghĩ xem có cách nào khác không, chứ bán đất gấp vậy dễ bị ép giá lắm!

- Cách gì? - Quỳnh hỏi trổng.

- Thì xoay sở cách khác, ngoài bán đất.

Quỳnh xoáy vào anh ánh nhìn khó chịu:

- Mẹ em thì đang nguy kịch mà anh có thể tiếc miếng đất hay sao?

- Không, ý anh là…

Quỳnh gạt đi:

- Có phải vì đó là mẹ em, nên anh lưỡng lự, chứ nếu là mẹ anh thì sao?

Anh có cảm giác như mình vừa bị tạt gáo nước lạnh, mà đau đớn hơn khi người tạt lại chính là Quỳnh.

Anh đọc được rằng, khi ai đó đang tổn thương, họ sẽ cố tình gây ra tổn thương cho người khác. “Người khác” ở đây chính là người gần gũi nhất với họ. Có phải vì vậy không mà con người cứ thế lặng lẽ rời xa nhau. Những khoảng lặng giữa hai người biến thành bức tường lạnh lẽo cách ngăn nhau.

“Anh biết rồi. Có gì báo lại anh nha!” - anh nói với Tân bằng giọng buồn buồn, làm Tân cũng thấy khó hiểu. Chẳng phải chính anh nhờ Tân kêu người bán gấp mảnh đất đó sao?

2. Lúc hai vợ chồng rời khỏi phòng công chứng, yên tâm rằng số tiền khách chuyển khoản mua đất đã nằm trong tài khoản của Quỳnh. Anh nghĩ đã xong việc nên nói với vợ rằng mình sẽ ghé phòng tập luôn, rồi mới về nhà.

Quỳnh ngồi sau xe máy của anh, giãy nảy vô lý:

- Mẹ bệnh, em đứng ngồi không yên mà anh vẫn bình thản đi tập được hay sao?

Anh vẫn cố nhẫn nhịn:

- Anh giữ nhịp độ tập mỗi ngày cho khỏe người, đằng nào giờ về cũng tắm rửa nghỉ ngơi thôi mà!

- Được rồi, anh cần chăm sóc cơ thể khỏe mạnh - Quỳnh nhấn mạnh từng chữ.

Dù không nhìn ra sau, anh vẫn hình dung khuôn mặt khó coi của Quỳnh.

Hơn 3 năm hôn nhân, đã hết thời gian cho những dỗ dành. Anh chở Quỳnh về đến nhà rồi quẹo xe đi. Buổi chiều vào giờ tan tầm đường đông như kiến. Mặt trời tranh thủ bừng lên những tia nắng cuối ngày trước khi tắt lịm.

Anh nghĩ rằng mình cần đi bộ, à không, là chạy bộ, chạy cho đến hết hơi hết sức. Nếu không, đầu anh sẽ đông đặc như những khối bê-tông xếp kín mặt đất nơi anh ở, chẳng còn nổi một kẽ hở cho đất thở. Cái ý nghĩ từ nay mình sẽ bị chôn chặt giữa những khối bê-tông khiến đầu anh muốn tê dại.

Anh thấy thèm một lon bia ướp lạnh. Bàn tay anh sẽ chạm phải lớp mồ hôi mát rượi từ vỏ lon bia lấy ra từ ngăn mát tủ lạnh trong cửa hàng tiện lợi. Chỉ cần bật nắp, anh ngửa cổ để dòng bia mát lạnh chảy từ cuống họng qua bao tử. Cái ý nghĩ ấy bừng lên mạnh mẽ hơn anh tưởng, nó bẻ ngoặt tay lái xe của anh sang hướng khác, thay vì quẹo vào trung tâm thể dục.

Lúc anh trở về căn hộ, Quỳnh không có nhà. Càng tốt. Anh không muốn Quỳnh ngửi thấy mùi bia nồng nặc từ cơ thể anh lúc này.

Anh tắm rửa, ngủ một giấc tỉnh dậy, Quỳnh vẫn chưa về nhà. Lúc này, anh mới chạm mắt phải tờ giấy của Quỳnh để dưới bình hoa: “Em thấy khó chịu trong người và cần rời khỏi nhà ít ngày. Em nghĩ điều đó cần cho cả hai ta”.

Cô ấy quả là muốn làm lớn chuyện. Trong khi, người bước hụt chân chính là anh. Tài sản bao nhiêu năm anh tích góp, giờ chẳng có bất cứ lý do gì hợp lý để giữ lại. Anh thành trắng tay. Đã vậy, Quỳnh còn bỏ đi. Thật hết sức vô lý.

Anh kiểm tra điện thoại, may sao cô ấy có nghĩ lại gì đó chăng? Điện thoại chẳng có gì ngoài những tín hiệu từ mạng xã hội chẳng có gì quan trọng với anh.

3. Anh nghĩ mãi không ra, lý do gì mà Quỳnh im lặng với anh? Ngay cả khi cô ấy cùng mẹ và em gái qua Singapore để chữa bệnh, anh cũng chỉ biết tin đó khi cô em gái check-in ở sân bay. Anh đâu cần một “khoảng lặng để nhìn lại” như Quỳnh nói. Anh cần cả hai cất lời để cứu rỗi mối quan hệ.

Buổi sáng Chủ nhật, có cuộc gọi đến từ chị Minh - chị gái anh. Không may, Tân đã hào hứng khoe bán được mảnh đất mà phần trăm hoa hồng rất hậu hĩnh của cả người bán và người mua, nên chị Minh biết.

Giọng chị vẫn chẳng khác ngày xưa, luôn muốn bảo vệ thằng em trai, bằng cái cách ám thị: “Bán đất xong, lại đưa hết tiền cho vợ rồi chứ gì?”. Anh thật thà: “Nhà vợ có việc mà chị”. “Thế nếu nhà mình có việc, nó có cho em bán đất không?”.

Anh im bặt. Anh chưa từng đặt ra câu hỏi đó, nên chẳng biết cách trả lời. Không dưng, chuyện đất đai khiến anh thấy mệt mỏi. Hóa ra, việc tích góp của cải không phải để cho bản thân mình an toàn hơn sao?

Chị Minh còn tru tréo gì đó nữa, mà anh lùng bùng không muốn nghe.

Buồn quá, anh qua nhà bố vợ. Đứng trước mảnh sân ngổn ngang những chậu sành nằm lăn lóc, anh còn tưởng mình đi nhầm nhà. Bố vợ thương cây lắm kia mà! Ông dành trọn mảnh đất trước nhà để kê chi chít những chậu cây lớn có nhỏ có, mỗi lần anh đến, xe phải để ngoài cổng. Nhưng giờ mảnh sân trống hoác.

Bố vợ mồ hôi nhễ nhại nhìn anh: “Thoáng hẳn phải không?”. Ông nhận ra những dấu chấm hỏi trong mắt anh, cười xòa: “Thoáng vậy cho đất thở, con à!”. Rồi để thêm phần thuyết phục với cuộc cải cách chưa từng có này, ông nói thêm: “Bố với mẹ quyết định cho thuê căn gác để kiếm tiền trang trải mà không phiền hà đến con cháu. Phải có lối đi và chỗ để xe cho khách trọ”.

Anh vào bếp nấu mâm cơm đơn sơ với thịt kho tiêu, canh mướp, bông bí xào. Xong dọn ra dưới tán cây khế còn sót lại trong sân nhà. Những chiếc lá đan xen làm dịu mát cơn nóng trưa hè. Bố vợ ăn chậm rãi, nói cũng chậm rãi: “Hôm qua bố mới biết chuyện con Quỳnh nó bán đất”. Anh nhìn những nếp nhăn hằn trên vầng trán bố, định cất lời gì đó nhưng rồi thôi. Có cơn gió trái mùa giữa trưa, làm cái nắng như dịu dàng lại.

Sau giấc ngủ chiều, anh về. Đoạn dắt xe ra, bố nói với theo: “Mẹ con cũng ổn rồi, đừng lo gì nha. Với lại…” – bố ngập ngừng một lúc. “Bố mẹ có mảnh đất ở quê, rộng rãi lắm nhưng chắc không được giá bằng đất thành phố đâu, bố mẹ nhất trí sẽ sang tên cho con với Quỳnh”.

Trước khi rời đi, anh nhìn lại khoảng sân trống trải nhưng nhiều nắng gió hơn, và mảnh đất còn in hằn sâu dấu vết của đáy chậu sau bao năm, giờ thì chúng thở được rồi!

Tối đó, anh nhận cuộc gọi từ em vợ, ở Singapore. Giọng cô ấy lúc nào cũng vào đề ngang xương chẳng màng đến đầu đuôi gì: “Anh, bà Quỳnh bị sao vậy? Tính khí dở hơi em hết chịu được luôn”.

Anh không dám nói với em vợ, rằng dạo này vợ cũng thất thường khó hiểu, hẳn có điều gì đó khiến cô ấy rất khó chịu nên mới vậy. Nhưng anh nhớ lại lời bố ban trưa “không như vậy thì đâu phải cô con gái của bố” khi bố nói đến sự thiếu chín chắn trong quyết định bán đất của Quỳnh, nên anh cũng có chút “đề kháng” hơn.

Anh cố nhớ lại xem đã có chuyện gì với cô ấy trong thời gian vừa qua. Ngoài chuyện anh ngập ngừng bán đất, mọi thứ còn lại đều rất ổn.

4. Quỳnh trở về trong lúc cơn mưa đầu mùa tuôn xối xả. Chiếc túi xách hôm Quỳnh đi còn mới tinh tươm, nay có phần nhàu nhĩ hơn. Chỉ nét mặt của Quỳnh là vẫn vậy, không giống với kẻ muốn bỏ chồng, bỏ nhà đi. Nét mặt cô ấy rất thảnh thơi, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra giữa họ. 

Quỳnh vào bếp chuẩn bị bữa ăn tối. Mở tủ chọn xem món nào chế biến nhanh mà không cần chờ rã đông. Chỉ sau hơn nửa tiếng, mâm cơm nóng hổi được cô ấy dọn ra.

Hai cái chén đã đơm đầy cơm. Và cô ấy ngồi vào chỗ cũ hay ngồi. Anh hiểu ý, lại ngồi vào bàn ăn.

Quỳnh ăn ngon lành, đến cuối bữa, cô ấy nói ngắn gọn: “Em có thai rồi, con được 7 tuần”. Anh còn chưa kịp định thần, xem mình có nghe nhầm không thì cô ấy nói tiếp trước khi rời bàn ăn vào phòng: “Con của chúng mình sẽ lớn lên từ vùng nông thôn, như dự định ban đầu”.

Anh vui mừng đến muốn nhảy cẫng lên. Giấc mơ tưởng vụt mất, nay đã quay trở lại và thành hiện thực. Anh nhớ ra khi nãy, lúc Quỳnh vừa về nhà thì anh nhận được tin nhắn của em vợ, vội quá anh chưa kịp hiểu nội dung, chỉ nhớ loáng thoáng là: “Đáp án cho cái sự khó nhằn của bà chị em là có hậu nha, thật may, không phải bà bầu nào cũng trở nên trái tính trái nết khó ưa như chị ấy!”.

Một ngày không xa, anh sẽ nhìn thấy đất thở và những đứa trẻ bi bô nơi vùng thôn quê yên bình…

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

.