Đà Nẵng cuối tuần

BẢO TỒN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Nâng tầm giá trị di sản văn hóa phi vật thể

12:49, 10/03/2024 (GMT+7)

Sự góp mặt của nghề bánh tráng Túy Loan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới đây đã tạo nên thế kiềng ba chân bền vững cho các làng nghề truyền thống tại Đà Nẵng. Cùng với niềm vui được công nhận di sản, các làng nghề đang đứng trước không ít thách thức của câu chuyện bảo tồn và phát triển trong tương lai.

Ông Trần Ngọc Vinh cho hay giá trị làng nghề được xây dựng trên câu chuyện gìn giữ những giá trị kỹ thuật, chất lượng nghề truyền thống. Ảnh: T.Y
Ông Trần Ngọc Vinh cho hay giá trị làng nghề được xây dựng trên câu chuyện gìn giữ những giá trị kỹ thuật, chất lượng nghề truyền thống. Ảnh: T.Y

Giữ lửa nghề truyền thống

Nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) những ngày này như có hội. Trong nhà, ngoài ngõ, đâu đâu người ta cũng nghe râm ran câu chuyện nghề vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua điện thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Ngô Văn Nhân vui vẻ hẹn gặp tôi ngay đầu con đường dẫn vào thôn Túy Loan Tây, như thể niềm vui này không chỉ gói gọn trong những gia đình theo nghề tráng bánh.

Ông Nhân kể, hồi đầu tháng 2, ngay khi nhận thông tin nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lãnh đạo xã đã về tận thôn thông báo cho người dân. Cùng với đó, huyện, xã cũng “ngồi lại” bàn kế hoạch đưa làng nghề bánh tráng Túy Loan trở thành sản phẩm độc đáo, có thương hiệu được cả nước biết đến.

Việc được công nhận di sản, theo ông Nhân, là kết quả của chuỗi nỗ lực bảo tồn, phát triển của người dân lẫn chính quyền địa phương. Giữa làn khói và hơi nóng bốc lên từ bếp lò, không ít nghệ nhân làng nghề hy vọng với nền tảng giá trị mới, cơ hội mới sẽ mở ra. Tuổi 85, nghệ nhân Đặng Thị Túy Phong tuy không còn khỏe để ngày ngày ngồi trước lò tráng bánh, nhưng bà không ngại chia sẻ công thức với ai muốn tìm hiểu, học nghề.

Theo bà, nghề tráng bánh ở đâu cũng có, nhưng bánh tráng Túy Loan được thị trường ưa chuộng nhờ độ dẻo, thơm đặc trưng của gạo xiệc 13/2 trồng tại các cánh đồng ven sông Túy Loan. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, bà Phong dễ dàng ước lượng những mè, gừng, mắm, tỏi, muối, đường… trong một nồi nước gạo để làm ra những chiếc bánh khi nướng lên mang hương vị thơm ngon, giòn rụm.

Theo thời gian, nhiều làng nghề hào hứng với máy móc, thiết bị mới giúp công việc diễn ra nhanh - gọn - lẹ, thì người Túy Loan vẫn giữ lại phương pháp sản xuất thủ công cho nghề tráng bánh. Vẫn còn đó những bếp lò được quây lại bởi gạch, đất sét để giữ ngọn lửa luôn nồng đượm. Hiện xã Hòa Phong còn hơn 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng. Với công thức gia truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ, bánh tráng tại đây nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, giòn rụm và càng ngon hơn khi ăn kết hợp với tô mì Quảng Túy Loan.

Ngồi cạnh bếp lò đỏ lửa của một hộ dân giữa thôn Túy Loan Tây, ông Ngô Văn Nhân vạch ra những bước đi sắp tới của làng nghề. Phải làm sao để bánh tráng Túy Loan không chỉ đơn thuần là sản phẩm ở chợ truyền thống, mà phải có mặt ở các kệ hàng siêu thị, thực phẩm sạch. Việc cải tiến mẫu mã bao bì là điều cần thiết, nhưng cũng cần thống nhất chung một công thức, một nguyên liệu để dù sản xuất ở cơ sở nào, bánh tráng Túy Loan vẫn giữ được mùi vị đó, độ giòn đó và được kiểm định chất lượng đầu ra. Từ đó, mới hướng tới bước đi xa hơn là xây dựng làng nghề bánh tráng trở thành điểm đến trải nghiệm, nơi du khách được tham gia vào các công đoạn làm ra một chiếc bánh thơm ngon.

Cũng theo ông Nhân, nghề làm bánh tráng được công nhận di sản tạo cơ hội cho giới trẻ địa phương nhìn nhận lại giá trị nghề thủ công truyền thống. Cùng với định hướng, chính sách phát triển, xã đang gấp rút xây dựng vùng nguyên liệu lúa xiệc 13/2 để ổn định lâu dài nguồn cung, đồng thời đề xuất xây dựng tuyến du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm nghề tráng bánh.

Xây dựng thương hiệu làng nghề

Sự góp mặt của nghề bánh tráng Túy Loan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tạo nên thế kiềng ba chân bền vững cho các làng nghề truyền thống tại Đà Nẵng. Nếu nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) vững vàng với những đơn hàng vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia thì nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu) đã đứng trên bước đà của sự phát triển khi hình thành tấm bản đồ bảo hộ chỉ dẫn địa lý thể hiện rõ tài nguyên làng nghề.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô khẳng định, sức mua của thị trường mang lại cho người dân Nam Ô những lời khuyên về chất lượng. Vì thế trong định hướng phát triển, bài toán giữ gìn công thức làm mắm truyền thống luôn đi kèm với bài toán thị trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên, như nhiều dân làng Nam Ô, ông Vinh luôn giữ vững niềm tin về mắm tốt, bảo đảm chất lượng, sẽ được khách hàng tìm đến. Bằng chứng là từ doanh thu 3,6 tỷ đồng năm 2015, đến nay làng nghề đã đạt doanh thu xấp xỉ 10 tỷ đồng khi sản xuất ổn định hơn 110.000 lít/năm.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, không ít chuyên gia nhìn nhận du lịch cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy nghề truyền thống phát triển, nhất là khi được đặt trong không gian tổng thể của làng nghề. Để làm được điều này, mỗi làng nghề cần phải làm một cuộc cách mạng thay đổi từ thói quen đến ý thức của người dân.

TS. Nguyễn Minh Phương, Trưởng bộ môn Việt Nam học, khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, để tồn tại và phát triển, các nghệ nhân làng nghề không ngừng tư duy, sáng tạo giúp sản phẩm phong phú hơn về mẫu mã, chất lượng. Chưa kể, các làng nghề với lòng tôn kính tổ nghề, cộng các yếu tố tâm linh giúp hình thành một sợi dây gắn kết những con người cùng chung “phường hội”. Đây là những yếu tố giúp làng nghề có sức sống bền vững trong cộng đồng dân cư.

Việc các nghề truyền thống được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể giúp địa phương có thêm nguồn kinh phí phục vụ công tác bảo tồn và phát triển. Đơn cử, sau thời gian nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã ban hành Đề án mở rộng làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, giai đoạn 2019-2022 với kinh phí gần 45 tỷ đồng. Cùng với đó, lễ hội làng nghề đá Non Nước (hay còn gọi giỗ Tổ làng nghề) diễn ra ngày 16-3 âm lịch hằng năm cũng được địa phương nâng tầm thành lễ hội văn hóa tâm linh, thu hút hàng trăm người dân, du khách tham gia.

Có thể nói, giữ gìn và phát triển làng nghề trong bối cảnh hiện nay không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Và tất nhiên, trên tất cả các yếu tố làm nên thương hiệu làng nghề, thì con người vẫn là yếu tố quyết định cho mọi sự thành công. Đây cũng là lý do vì sao trong tất cả các đề án, kế hoạch phát triển làng nghề, một bài toán luôn được đặt ra là làm thế nào để cộng đồng dân cư có thể “sống” được và thụ hưởng được những giá trị văn hóa, tinh thần từ câu chuyện phát triển đó.

Theo thời gian, nhiều làng nghề hào hứng với máy móc, thiết bị mới giúp công việc diễn ra nhanh - gọn - lẹ, thì người Túy Loan vẫn giữ lại phương pháp sản xuất thủ công cho nghề tráng bánh. Vẫn còn đó những bếp lò được quây lại bởi gạch, đất sét để giữ ngọn lửa luôn nồng đượm.

TIỂU YẾN - THÙY TRANG

.