Đà Nẵng cuối tuần

BẢO TỒN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Triển vọng du lịch làng nghề

08:22, 10/03/2024 (GMT+7)

Tiềm năng không nhỏ, kỳ vọng cũng rất lớn, nhiều năm nay, hoạt động du lịch làng nghề (gắn quá trình phát triển của làng nghề với du lịch) trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc; góp phần làm phong phú thêm sản phẩm và tăng chất lượng chiều sâu văn hóa đối với điểm đến.

Các hộ sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô (quận Liên Chiểu) không ngừng nỗ lực để sản phẩm truyền thống được đến với thị trường, trong đó có hoạt động du lịch.  Ảnh: K.H
Các hộ sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô (quận Liên Chiểu) không ngừng nỗ lực để sản phẩm truyền thống được đến với thị trường, trong đó có hoạt động du lịch. Ảnh: K.H

Điểm nhấn trong phát triển du lịch

Hơn một tháng nay, tại điểm dừng chân của khu du lịch Bana Rita Glamping Farm(xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) có thêm điểm nhấn để thu hút du khách đó là gian trưng bày những mặt hàng được chứng nhận là sản phẩm OCOP xuất xứ từ các làng nghề nổi tiếng như rượu cần Phú Túc, bánh tráng Túy Loan , đá mỹ nghệ Non Nước…

Ông Lê Thanh Tuấn, chủ sở hữu khu du lịch  chia sẻ, Bana Rita Glamping Farm hình thành trên vùng đất trước kia là khu vực bà con nông dân chuyên canh tác nông nghiệp nên chúng tôi lấy mục tiêu khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp làm tôn chỉ để phát triển. Trong khuôn viên 50.000m2 của nông trại, cùng với việc đã được chứng nhận nông trại du lịch đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của thành phố, chúng tôi đã xây dựng đề án trình các ngành chức năng đểmở rộng hình thành nên điểm trưng bày, mua sắm các sản phẩm từ những làng nghề truyền thống nổi tiếng của thành phố. Việc triển khai mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp như nói trên kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển tốt hơn. Khi du khách tới tham quan có thể mua các sản phẩm nông nghiệp, như vậy sẽ tạo thêm đầu ra cho hoạt động sản xuất tại các làng nghề. Ở chiều ngược lại, việc thu nhập từ hoạt động du lịch sẽ hỗ trợ tái sản xuất nông nghiệp.

Tại nông trại An Phú Farm, ông Dương Hiển Tú Giám đốc nông trại chia sẻ, nông trại hiện có 8.000m2 đất trồng rau, quả các loại và chăn nuôi gia cầm. Du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại An Phú Farm không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác làm nông nghiệp mà còn sẵn sàng mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch. Đây cũng là xu thế chung trong hoạt động du lịch hiện nay.

Phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch là hướng đi cần thiết để bảo đảm duy trì, gìn giữ và thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển. Du lịch làng nghề giờ đây đã trở thành một mảnh ghép quan trọng, là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng, tăng thêm chiều sâu khi gắn hoạt động du lịch với nét văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành như Vitour, Việt Đà, Omega Tour… đều có những chương trình tour, tuyến lồng ghép các điểm đến là làng nghề truyền thống.

Nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn

Giờ đây, không ít người dân và du khách biết đến hương vị mặn mòi, nồng đượm của những giọt nước mắm Nam Ô được chưng cất kỹ hàng tháng ròng. Câu chuyện của làng nước mắm truyền thống Nam Ô đã đi vào sử sách, được báo chí quan tâm, truyền thông mạnh mẽ thời gian qua, cùng nỗ lực của các cấp chính quyền và khát vọng khôi phục làng nghề của người dân vùng Nam Ô đã thành công vực dậy làng nghề này trước nguy cơ mai một.

Thành phố cũng ban hành đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch Đà Nẵng”.Giờ đây làng nước mắm Nam Ô ghi tên mình vào bản đồ những làng nghề truyền thống nức tiếng của cả nước cần được gìn giữ và phát huy. Nhiều địa điểm sản xuất nước mắm Nam Ô ở quận Liên Chiểu như: Hương Làng Cổ, Dì Sáu, Dì Nhứt, Bình Minh, Ô Long, Trần Ngọc Vinh, Bà Cử, Bà Hoa, Bà Siêng, Bà Lự, Bảy Tri, Hải Hiệp, Hai Liên, Bảy Ngưng, Hồng Hương... trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm của nhiều tour, tuyến du lịch.

Ông Bùi Thanh Phú chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ (quận Liên Chiểu) bày tỏmong muốn có một khu trưng bày sản phẩm chung cho hội viên, đây còn là điểm để tái hiện lại một cách sinh động quá trình chưng cất nên những sản phẩm nước mắm Nam Ô, giúp du khách phần nào hình dung được về đời sống của người dân miền biển cũng như lịch sử hàng trăm năm ông cha đã gầy dựng nên làng nghề. 

Du lịch làng nghề giờ đây đã trở thành một mảnh ghép quan trọng, là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng, tăng thêm chiều sâu khi gắn hoạt động du lịch với nét văn hóa truyền thống của địa phương.

Mới đây nhất, thành phố lại đón tiếp tin vui khi nghề làm bánh tráng truyền thống Túy Loan với tuổi đời hơn 500 năm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với người dân làng bánh tráng Túy Loan, chiếc bánh tráng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần lẫn vật chất, bởi nó không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng đặc biệt. Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp giỗ, cúng gia tiên hay ngày Tết, đến mức trở thành một phong tục truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện sự trân trọng, nâng niu truyền thống. Những ngày cận Tết, hơn 40 hộ cùng đỏ lửa làm bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, mỗi năm vào mùa lễ hội đình làng Túy Loan những hộ làm bánh tráng lại trổ tài “trình diễn” cho người dân, du khách “tận mục sở thị” các công đoạn làm bánh tránh truyền thống. Phần thưởng đôi khi chỉ là tràng pháo tay nhưng ai nấy đều hân hoan, phấn khích. 

Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô chia sẻ, để bảo tồn nghề sản xuất nước mắm truyền thống được gìn giữ và gắn với phát triển du lịch là nỗ lực trong thời gian dài của người dân, các ngành chức năng và các hộ tham gia sản xuất. Thực tế cho thấy, cần hoàn thiện hạ tầng đô thị, nâng cao tri thức cho cộng đồng để họ hiểu từ đó gìn giữ các giá trị nghề đã được ghi danh là di sản phi vật thể quốc gia. Một vấn đề quan trọng khác là khi việc kết nối thành công giữa phát triển làng nghề với với du lịch thì phải tập trung đào tạo cho đội ngũ kế nghiệp để nâng tầm sản phẩm, phát triển sinh kế bền vững cho người dân ở làng nghề.

Còn đó rất nhiều việc cần làm để đưa làng nghề thành sản phẩm du lịch được yêu thích, nhưng tin rằng với những đường hướng đúng đắn cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, địa phương đưa ra những quyết sách, hoạch định phù hợp sẽ phát huy hiệu quả những tiềm năng vốn có của làng nghề ở địa bàn thành phố.

KHÁNH HÒA

.