Trở lại tháng sáu

.

Có lẽ, thời gian càng xa cách, khi những nếp gấp trưởng thành càng hiện rõ ở gương mặt thì mỗi người càng thâm thúy hơn những lời thơ ngày trước đã tự nhiên in hằn vào tâm trí: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người” (Quê hương, Đỗ Trung Quân). Để rồi giữa bộn bề của muôn lẽ mưu sinh, guồng quay vội vã của phố phường đô hội, tấc lòng lúc nào cũng tha thiết ước mong trở về.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tháng sáu ở quê, nắng nồng vàng đượm. Nắng cũng thơm phưng phức. Trong sắc vàng ấy còn chứa bao trạng thái vàng sống động khác, đó là màu vàng giòn tan của rơm, của rạ được nắng mà khô rang, là con đường quê rợp những loài hoa mùa hạ, đặc biệt là những gốc muồng hoàng yến. Lục trong nắng, còn có những mùi hương chân chất, mùi của rơm rạ, của cỏ khô, của hương hoa đồng nội. Cả một thời thơ ấu ở làng tôi đã no nê trong những màu sắc và hương thơm ấy. Nó không có một gợn bụi, không pha lẫn sự náo nhiệt, ồn ào và cũng chẳng nhẩn nha một sự khó chịu như cái nắng mà tôi phải đối mặt ở thành phố. Chúng đã cho tuổi thơ của tôi nơi vùng quê nghèo thêm rực rỡ và chan hòa ánh sáng.

Tôi nhớ tháng sáu ở quê, khi lòng cũng nương lấy cả một khu vườn mùa hạ ngập tràn hoa trái. Trước cổng nhà là hàng hoa tigôn bé nhỏ nên thơ, tinh tế nở; gốc râm bụt hoa cũng đỏ rực và cả ao sen nơi góc vườn cũng trắng hồng thơm ngát, tiễn hương thanh khiết cả khu vườn. Tháng sáu cũng là khi gốc vải thiều trước ngõ đã chín đỏ, những gốc mít cũng lừng thơm, chúng bắt đầu chín. Tôi nhớ lắm những con người, những cuộc đời in dấu nơi khu vườn ấy, mà nhất là ông ngoại với biết bao câu chuyện cổ tích, thần thoại mà ông kể cho tôi nghe ngày thơ trẻ dưới khoảng sân gạch trong những đêm trăng thanh mát, những câu chuyện ấy đã đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay.

Tôi lại nương nỗi nhớ của mình vào chân đê quen thuộc ven con sông vắt vẻo, uốn lượn trữ tình trước ngõ. Chợt nghĩ về những câu thơ của Tế Hanh “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè / Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng” (Nhớ con sông quê hương). Để rồi hình ảnh thân thuộc ven đê và con sông ấy lại hiện lên sắc nét. Nơi chốn yên bình của tuổi ấu thơ, những chiều mùa hạ chăn trâu, men theo cánh diều mà bung thỏa ước mơ, cả những buổi trưa hè trốn mẹ không ngủ, ríu rít cùng đám trẻ con trong làng ra đầu sông ngụp lặn. Tôi thấy mình trong đôi mắt ngày xưa, những chiều mưa lặng cả đôi bờ hiền hòa. Tháng sáu mùa này, dọc sông chắc cỏ hoa đều khô khốc vì nắng và gió Lào rát bỏng, nhưng ở đó vẫn có một loài hoa phơn phớt tím, bung nở đưa mình trong gió, nghĩa tình vương víu vào bước chân ai qua.

Nhớ tháng sáu, tôi nhớ mẹ cha của mình tha thiết, nhớ những buổi trưa hè nắng ròng rọc, những chiều muộn hoàng hôn buông cha mẹ mới từ đồng trở về mang theo biết bao chát mặn của mồ hôi, mùi nồng tanh của bùn ruộng vương víu ngày cánh đồng sắp bước vào vụ hè thu. Nhớ khôn nguôi những bữa cơm gia đình ngày còn khó khăn có nồi niêu cơm trắng thơm thảo, có bát canh mướp hái từ ngoài giàn, có món cá mẹ kho từ những mẻ cá mà cha đi soi mỗi đêm và những quả cà mặn giòn mà váng muối chưa phai. Những bữa cơm thân thuộc, chân chất, giản đơn nhưng đó lại là biểu tượng của những giá trị văn hóa, của nghĩa tình và tấm lòng bao dung luôn mênh mông trong lòng quê, lòng cha mẹ...

Nhớ tháng sáu, để tôi trở lại tháng sáu. Cuộc sống với những áp lực thực tại khiến cho con người ta không phải lúc nào cũng được trở về trên quê hương dẫu cho trong lòng ăm ắp nỗi nhớ. Nhưng cũng có những cuộc hồi hương đặc biệt, cuộc hồi hương bằng tâm tưởng, bằng ký ức ngày thơ. Con đường về trong nỗi nhớ có lẽ chẳng huyên náo còi xe, cuồn cuộn bụi đường nhưng cũng rợp nắng vàng, hương hoa, âm thanh và cả những sự bồi hồi, xúc động...

TRẦN VIỆT HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.