Những dự án thiết thực cho cộng đồng

.

Để vận hành an toàn, giảm thất thoát năng lượng và giải bài toán thu gom rác thải trên bề mặt nước, đội Clean - UED và Euphoria đến từ các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu thành công những dự án mang tính sáng tạo, có giá trị cho cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu Clean - UED với dự án “Thiết bị thu gom rác trôi nổi” đoạt giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa của UNESCO” do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà tổ chức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhóm nghiên cứu Clean - UED với dự án “Thiết bị thu gom rác trôi nổi” đoạt giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa của UNESCO” do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà tổ chức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thu gom rác trên bề mặt nước

Sau thời gian điều chỉnh, hoàn thiện thiết bị thu gom rác trôi nổi trên bề mặt nước, thành viên nhóm Clean - UED (Trường Đại học Sư phạm) mạnh dạn mang dự án tham gia cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa của UNESCO” do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà tổ chức. Vượt qua nhiều dự án tiềm năng, thiết bị thu gom rác trên bề mặt nước của nhóm Clean - UED đoạt giải Nhất và được chọn triển khai thí điểm tại Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, nơi đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nước do rác thải nhựa khá nghiêm trọng.  

Sinh viên Đỗ Đăng Hiếu, thành viên nhóm Clean - UED chia sẻ, hiện nay, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường nước có nguy cơ tăng. Vì vậy, để nhặt rác trôi nổi không thể phụ thuộc hoàn toàn vào con người mà phải sử dụng thiết bị tự động thu gom. Việc làm này tiết kiệm chi phí và sức người. Cơ chế hoạt động của thiết bị thu gom rác thải như thùng rác nổi lướt trên bề mặt nước khá đơn giản bằng cách bơm nước vào thiết bị với hệ thống bơm chìm phía dưới.

Phía trên là hệ thống nổi có khả năng cân bằng giữa lực hút của máy bơm và sức đẩy của bề mặt nước, giúp hút rác vào, đồng thời ngăn rác trôi ra ngoài. Bên cạnh đó, thiết bị không chỉ thu các loại rác thải có kích thước lớn mà còn thu các loại vi nhựa kích thước nhỏ bằng bộ lọc bổ sung. Bằng cách hoạt động như một bộ lọc rác, thiết bị cũng có thể làm sạch nước khỏi các chất hữu cơ bị ô nhiễm như lá cây, rong rêu…

Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn, giảng viên Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, hướng dẫn nhóm nghiên cứu nêu rõ, hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, liên tục, lắp ráp không quá phức tạp, giá thành sản phẩm phải chăng với kích thước gọn, phù hợp các dạng thủy vực thông dụng ở khu vực miền Trung và nhiều địa phương khác trong cả nước. Qua quá trình nghiên cứu hơn 2 năm, thiết bị thu gom rác thải nổi trên mặt nước của nhóm dần được hoàn thành với những tính năng, tiện ích hiệu quả.

Hỗ trợ vận hành điện an toàn, tiết kiệm

Sinh viên Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đội trưởng Đội Euphoria (gồm sinh viên các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Kinh tế) cho biết, trong chuyến thực tập tại huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), đội có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Điện lực huyện Chư Pưh. Anh Tiến bày tỏ khó khăn trong quá trình vận hành trạm điện như: chất lượng điện năng không bảo đảm do không kịp thời giám sát được tình trạng bất thường; thất thoát năng lượng trên lưới điện; tỷ lệ tai nạn cao và kinh phí cao nếu muốn thay mới toàn bộ hệ thống. Mong muốn hỗ trợ người dân, công nhân vận hành trạm điện an toàn trong môi trường điện, cả đội bắt tay nghiên cứu xây dựng dự án thiết kế hệ thống nâng cao chất lượng điện năng từ xa thay thế phương thức vận hành thủ công. Đội nhận định đây là tiềm năng cho ngành điện nếu thi công điện năng an toàn với hơn 100.000 tủ điện tại huyện Chư Pưh nói riêng và cả nước nói chung. Giải pháp này đã mang về cho đội Euphoria giải Nhất cuộc thi “Thử thách sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2023.

Euphoria thiết kế bộ thu thập dữ liệu với nhiệm vụ giám sát các dữ liệu về chất lượng điện năng theo thời gian thực; qua đó, hệ thống phát hiện kịp thời các tình trạng vận hành bất thường. Thông tin sẽ được xử lý và tải lên cơ sở dữ liệu, trực quan hóa trên web và ứng dụng điện thoại để giám sát viên có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó, hệ thống hỗ trợ dự đoán tình trạng tiêu thụ cung ứng điện tốt hơn, bảo đảm chất lượng điện năng, giảm tổn thất năng lượng trên lưới, giúp hệ thống điện vận hành an toàn và tin cậy.

“Dự án được triển khai tại trạm Nguyễn Trãi, Điện lực huyện Chư Pưh trong thời gian 2 tháng, giúp điện năng tổn thất giảm từ 3,5% xuống 3,02% và phát hiện 3 trường hợp bất thường trên hệ thống điện khi hoạt động. Cùng với đó, công nhân vận hành tủ điện không phải đi kiểm tra định kỳ trực tiếp như trước vì hệ thống đã giám sát toàn bộ từ xa theo thời gian thực”, sinh viên Trần Trung Hiếu, thành viên đội nghiên cứu nói thêm.

Trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Ngô Đình Thanh, giảng viên Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa cho hay, khi dự án chính thức vận hành tháng 1-2023, đội tiến hành làm hồ sơ, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, song song với đó là triển khai kế hoạch nghiên cứu thị trường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và phát triển chiến lược truyền thông trước khi đưa sản phẩm thương mại hóa.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.