GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Tối ưu hệ thống xe buýt trợ giá

.

Thời gian qua, Đà Nẵng tập trung cải thiện mạng lưới xe buýt trợ giá thông qua các giải pháp như điều chỉnh lộ trình, rút ngắn thời gian đi lại, hạn chế chuyển tuyến, đầu tư điểm trung chuyển xe buýt kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng cũng như triển khai hệ thống vé QRcode ETicket dành cho vé tháng…

Tỷ lệ người dân đi xe buýt tại Đà Nẵng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: T.Y
Tỷ lệ người dân đi xe buýt tại Đà Nẵng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: T.Y

Tăng khả năng tiếp cận của người dân

Đi xe buýt mỗi ngày 2 lượt từ đường Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đến Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cơ sở 2 (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), em Nguyễn Thị Kim Anh, sinh viên Khoa Dược cho biết, lý do chọn xe buýt vì tiết kiệm, an toàn, tiện lợi.

Theo Kim Anh, quãng đường từ nhà đến trường dài hơn 25km, đi - về bằng xe máy khá nguy hiểm bởi lượng xe tải, xe container và các loại ô-tô lưu thông trên tuyến khá nhiều, nhất là khung giờ cao điểm. Do đó, khi thành phố điều chỉnh tuyến xe buýt 16 (tên gọi cũ R16), chiều đi từ Kim Liên (quận Liên Chiểu) đến Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (quận Ngũ Hành Sơn) giữa năm 2022 có điểm quay đầu tại dải phân cách cổng trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cơ sở 2, Kim Anh đã chọn xe buýt làm phương tiện đi học thường xuyên.

Theo Kim Anh, việc điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt 16 giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng dễ dàng di chuyển giữa cơ sở 1 ở đường Hùng Vương (quận Hải Châu) đến cơ sở 2 ở phường Hòa Quý và ngược lại. “Nhiều thời điểm, buổi sáng em có tiết học ở cơ sở 2 Hòa Quý nhưng buổi chiều phải về cơ sở 1 thực hành, sinh hoạt ngoại khóa hoặc tham gia các hoạt động Đoàn, hội sinh viên.

Trước đây, khi tuyến 16 chưa kết nối cơ sở 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, em phải đi bộ hơn 1km mới tới điểm đón xe buýt, nay lộ trình phù hợp giúp việc di chuyển của em và mọi người dễ dàng hơn rất nhiều. So với đi xe máy, mỗi tháng em tiết kiệm hơn 500.000 đồng tiền xăng. Chỉ cần theo dõi ứng dụng Danabus trên di động là biết xe đang đi tới đâu để tính toán giờ ra trạm phù hợp”, Kim Anh hồ hởi cho biết.

Được biết, từ tháng 6-2022, tuyến xe buýt số 16 được thành phố điều chỉnh dài 32,63km (tăng 1,05km so với tuyến hiện trạng), có điểm đầu Kim Liên, điểm cuối Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, qua 20 trạm dừng với tần suất hoạt động 15-30 phút/chuyến.

Đây là tuyến buýt trục chính xuyên tâm, hoạt động hiệu quả nhất trong toàn bộ hệ thống xe buýt trợ giá tại Đà Nẵng thời gian qua, với 12 xe buýt hoạt động, trung bình mỗi chuyến phục vụ khoảng 25 hành khách.

Ngoài tuyến 16, Đà Nẵng cũng điều chỉnh mạng lưới xe buýt các tuyến số 5 (Khu công nghiệp Hòa Khánh - Công viên Biển Đông), số 7 (Xuân Diệu - bến xe phía Nam), số 8 (Vũng Thùng - Phạm Hùng), số 11 (Xuân Diệu - Bệnh viện Phụ sản - Nhi), số 12 (Xuân Diệu - Phạm Hùng), số 10 (Sân bay Đà Nẵng - Thọ Quang), số 6 (Sân bay Đà Nẵng - Non Nước)… theo hướng phù hợp, kết nối trường học, bệnh viện, khu dân cư, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Trong đó, nhiều tuyến như tuyến số 12, 10, 6 thay đổi toàn bộ lộ trình, xây dựng lại theo dạng tuyến buýt trục xuyên tâm với lộ trình ngắn, bảo đảm tiết kiệm thời gian di chuyển của khách.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam khẳng định, trên cơ sở khảo sát nhu cầu đi lại thực tế của người dân, thời gian qua Đà Nẵng tập trung điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt nhằm tăng tính kết nối các khu vực có nhu cầu, kết nối tuyến buýt nội thành với các loại hình vận tải khác như xe buýt liên tỉnh, taxi, giao thông cá nhân…  Qua đó, loại bỏ, thay đổi một số tuyến bất hợp lý nhằm tối ưu lộ trình, bảo đảm đúng chức năng vận chuyển hành khách từng loại tuyến.

Đa dạng hình thức bán vé

Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình xe buýt theo hướng phù hợp với nhu cầu thực tế, đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt trên địa bàn thành phố tăng 18,6% so với năm 2021.

Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Datramac), đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải cho biết, những tháng đầu năm 2023, các tuyến xe buýt có lượng khách ổn định, có tháng đạt 106.505 lượt. Xe buýt trợ giá thành phố sau hơn 6 năm hoạt động đạt được một số kết quả khả quan, người dân dần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ xe buýt công cộng.

Ưu điểm của xe buýt trợ giá là sạch sẽ, thoáng mát, tiện nghi, có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, số lượng nhà chờ xe buýt, vịnh dừng xe tăng hằng năm, bảo đảm tách làn giao thông khi dừng, đón, trả khách… Đặc biệt, trung tâm đa dạng hóa hình thức bán vé, như bán trực tiếp, trực tuyến, triển khai hệ thống vé QRcode ETicket dành cho vé tháng; có nhiều loại vé như vé lượt, vé tuyến, vé liên tuyến với mức giá rẻ, trung bình 6.000 đồng/lượt/hành khách.

"Làm việc tại sân bay Đà Nẵng, tôi thường xuyên lên tuyến xe buýt số 10 để di chuyển từ nhà tại đường Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đến nơi làm việc. Công việc của tôi hiện không phải di chuyển nhiều nên việc chọn xe buýt làm phương tiện khá thuận lợi và tiết kiệm. Để dễ dàng tìm kiếm chuyến xe phù hợp, tôi cài sẵn ứng dụng Danabus tra cứu lịch trình, khung giờ xuất bến và đăng ký mua vé tháng thông qua mã QR tại ứng dụng. Tôi thấy cách đăng ký này rất tiện lợi, chỉ cần chuẩn bị file ảnh và chụp lại căn cước công dân hoặc bằng lái xe, hộ chiếu tải lên trong quá trình đăng ký. Ở mức vé 120.000 đồng/tháng, theo tôi là rẻ hơn rất nhiều so với di chuyển bằng phương tiện cá nhân, nhất là ô-tô trong thời điểm giá xăng cao”

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà

Được biết, khi Đề án nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh tổng thể hiện trạng mạng lưới các tuyến xe buýt nội thành và xe buýt liên tỉnh liền kề giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được UBND thành phố thông qua tại Quyết định số 1549/QĐ-UBND ngày 10-6-2022, Sở Giao thông vận tải tập trung điều chỉnh lộ trình một số tuyến có hướng tuyến đi chưa phù hợp, tối ưu lộ trình, thời gian mở bến (hạn chế chuyển tuyến, rút ngắn thời gian đi lại, không chạy lòng vòng) trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu đi lại thực tế của người dân trên tuyến. Từ đó, đầu tư điểm trung chuyển xe buýt kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng, giúp người dân chuyển tuyến dễ dàng.

Đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà chờ, lắp bảng điện tử cung cấp thông tin thời gian xe buýt di chuyển. Có chính sách linh hoạt về giá đối với khách hàng là học sinh, sinh viên hoặc làm việc tại các công ty ngoài khu công nghiệp. Bố trí điểm dừng gần khu dân cư, nhà ga, đường sắt, các điểm đặt xe đạp công cộng, trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly đi bộ trung chuyển giữa các điểm ngắn…

Để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ, Datramac tăng cường tuyên truyền thông tin lộ trình, giá vé, thời gian mở bến, tần suất chuyến/lượt trên chương trình Fm giao thông (98,5 Mhz), hệ thống loa phát thanh tại 51 cụm cút giao thông, nhắn tin zalo trên Tổng đài dịch vụ công 1022, ứng dụng Danabus.

Đặc biệt, trung tâm thường xuyên tiếp nhận và phản hồi thông tin của người dân trên facebook “Danabus - Xe buýt Đà Nẵng”; xây dựng các video clip ngắn có nội dung liên quan giao thông công cộng đăng tải trên ứng dụng tiktok nhằm thu hút hành khách trẻ. “Song song với các giải pháp hoàn thiện mạng lưới tuyến xe buýt trợ giá, Datramac nghiêm túc kiểm tra, giám sát hoạt động của 6 tuyến xe buýt được giao quản lý, thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe, cũng như yêu cầu đội ngũ phục vụ có thái độ hòa nhã, lịch sự với hành khách sử dụng dịch vụ. Đồng thời, duy trì 13 điểm bán vé cố định nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận.

Để mở rộng đối tượng khách hàng, chúng tôi phối hợp Sở Du lịch đưa thông tin về hệ thống xe buýt vào sổ tay du lịch thành phố để du khách có thể tham khảo, sử dụng và dành tặng những món quà nhỏ đối với khách hàng thân thiết, thường xuyên sử dụng dịch vụ vận tải công cộng khi di chuyển”, ông Cường cho hay.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.