BẢN SẮC ĐÔ THỊ

Đột phá về tổ chức không gian đô thị

.

Thời gian qua, một trong những giải pháp mạnh mẽ giúp mang lại diện mạo mới cho đô thị Đà Nẵng là việc triển khai mở rộng không gian đô thị thành phố. Bước đi đúng đắn này đã tạo cú hích lớn để mở rộng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
Tuyến đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Thiết kế đô thị dựa trên yếu tố tự nhiên

Tôi từng nghe một thị trưởng người Hàn Quốc bày tỏ cảm nhận khi lần đầu đến Đà Nẵng rằng, thành phố Đà Nẵng có địa hình tự nhiên phong phú và độc đáo khi có bán đảo, đồi núi, sông suối, ao hồ và dãi cát ven biển… gần giống thành phố quê hương ông nên khiến ông có cảm nhận rất quen thuộc và gần gũi. Có lẽ vì thế, mà trong thời gian qua, du khách Hàn thường chọn Đà Nẵng là điểm đến ưa thích ở khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình phát triển của mình, Đà Nẵng biết khai thác lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên độc đáo để phát huy giá trị riêng trong thiết kế đô thị.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố cho rằng, Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố đặc thù của tự nhiên như biển ăn sâu vào không gian đô thị, đặc biệt không gian biển ở phía đông rất dài và tiếp cận trực tiếp với không gian đô thị nên có nét đặc thù riêng, phù hợp cho mô hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển. Cùng với đó, nhiều đồi núi tập trung ở phía tây tạo thành bức bình phong để thành phố nương tựa.

Đặc biệt, hệ thống đồi núi xen lẫn bên trong đô thị như Sơn Trà, Non Nước, Phước Tường, Phước Lý… tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các lõi xanh đô thị. Ngoài ra, hệ thống sông và kênh phong phú, trong đó sông Hàn chảy xuyên qua đô thị với thủy văn ổn định như một dải lụa bắc qua thành phố. Đây là yếu tố tự nhiên tuyệt vời để tổ chức không gian cho trung tâm đô thị. Sân bay quốc tế Đà Nẵng nằm trong trung tâm thành phố nhưng nhiều du khách cũng cho rằng, đây là yếu tố đặc thù có tính cạnh tranh cao để phát triển du lịch nhờ tính tiện lợi trong việc di chuyển.

Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 1-1-1997, Đà Nẵng từ một đô thị quay lưng ra biển, ra sông, ít quan tâm khai thác yếu tố tự nhiên thì lãnh đạo lúc đó đã có chủ trương hướng biển, “kéo dài” bờ biển, “kéo dài” dòng sông. Nhờ đó, đô thị phát triển về phía đông, nhiều nhà chồ lụp xụp ven biển, ven sông được di dời giải tỏa với khối lượng lớn.

Đặc biệt, thành phố phát triển không gian trung tâm với nhiều nhà cao tầng tạo diện mạo mới cho đô thị. Không gian đô thị từ khi chỉ có 5.000 hecta thì nay đã tăng lên gấp 5 lần với trên 25.000 hecta. Các trục đường chính của đô thị cũng dần dần được định hình.

Thành phố đã cải thiện đáng kể về kiến trúc, từ kiến trúc chắp vá, Đà Nẵng đã mạnh dạn áp dụng kiến trúc hiện đại, hài hòa với không gian tự nhiên, không bị lai căng. “Cái khó của thành phố là công trình di sản không nhiều nhưng thành phố vẫn tạo ra được những công trình kiến trúc hiện đại. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố quan tâm hơn về mặt kiến trúc đô thị khi chú trọng xây dựng nhiều cây cầu có kiến trúc độc đáo trên sông Hàn để tạo hình ảnh kiến trúc đô thị.

Trong đó, cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sự kết nối lòng dân, cầu Rồng là hình ảnh khát vọng vươn xa của thành phố. Nhiều công trình công cộng tuy không lớn nhưng đã tạo được nét riêng như công viên APEC thể hiện khát vọng vươn lên với mái vòm cánh diều. Bảo tàng Đà Nẵng được trùng tu, tôn tạo khá thành công và được nhiều du khách thích thú đến tham quan, chụp ảnh trong dịp Tết vừa qua”, ông Nguyễn Thành Tiến nhận xét.  

Tạo nét đặc trưng về đô thị

Quá trình phát triển quy hoạch đô thị đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có những hệ lụy từ sự phát triển quá nhanh này. Một số khu vực phát triển không đồng bộ, cấu trúc đô thị biến dạng và mất cân đối, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt theo quy định.

Về không gian đô thị, thành phố chú trọng cải tạo nhiều không gian mở cho khu dân cư, tăng thêm các vườn hoa nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu xã hội. Số lượng mảng xanh đô thị, tuyến phố cây xanh đặc thù, vườn hoa cảnh quan còn ít, vẫn chưa tìm ra cây bản địa có yếu tố đặc thù, nhất là các tuyến đường cửa ngõ thành phố.

Đặc biệt ở khu trung tâm còn thiếu nhiều không gian công cộng, không gian mở. Một số không gian đô thị do yếu tố lịch sử sử dụng đất trong quá trình phát triển nóng của đô thị, khiến một số tuyến đường tổ chức còn bất cập, nhất là tuyến đường gần biển nên không gian biển còn hạn chế.

Mặc dù việc khai thác sử dụng đất có quy hoạch và tính toán hiệu quả, tiết kiệm hơn nhưng vẫn còn một số khiếm khuyết chưa đáp ứng nhu cầu chuyên ngành như đất sử dụng giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh vườn dạo trong khu dân cư, trong khu trung tâm; hạ tầng thiết chế văn hóa, sinh hoạt cộng đồng còn thiếu, thành phố vẫn chưa có nhà hát lớn.

Bên cạnh đó, việc phát triển nhiều công trình cao tầng không có sự định vị đã làm cho hạ tầng quá tải, không gian bị ngộp. Mỗi công trình tự đầu tư riêng biệt, chưa có sự kết nối đồng bộ khiến khối đế còn lộn xộn…

Tuy nhiên, Đà Nẵng kịp thời nhìn nhận những hạn chế này và hiện đang điều chỉnh bằng đồ án quy hoạch mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào 15-3-2021, kỳ vọng với đồ án quy hoạch này sẽ giúp thành phố giải quyết bài toán nói trên.

Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá công tác quy hoạch không gian đô thị thành phố một cách kỹ lưỡng và đưa ra định hướng phát triển thành phố trong 10 năm tới hài hòa, đột phá về không gian.

Theo đó, nhiều ý tưởng phát triển cho đô thị trong tương lai đã được đề xuất, trong đó, chia thành phố thành 12 phân khu; 3 vùng đặc trưng: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái; hình thành 2 vành đai kinh tế: vành đai phía bắc - vành đai Công nghiệp công nghệ cao và cảng biển, vành đai phía nam - vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đáng chú ý là ý tưởng giãn dân từ trung tâm ra đô thị ven trung tâm, đô thị sườn đồi; phát triển đô thị khu công nghệ cao, đô thị phát triển tài chính, ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao; khai thác không gian du lịch có giá trị như bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà, đồng thời kết hợp nông thôn, sườn đồi để phát triển du lịch cộng đồng.

Đối với khu trung tâm, hình thành đô thị nén để nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo không gian cho công cộng, hình thành những đô thị chất lượng cao. Nếu tổ chức thành công, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tạo được nét đặc trưng về đô thị, về không gian điểm nhấn, về quy hoạch sử dụng đất và tính tiện ích của đô thị.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó phòng Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết: "Hiện thành phố đang quy hoạch các phân khu dựa trên Quyết định số 359/QĐ-TTg. Đối với những lõi trung tâm, khu dân cư đông đúc, thành phố sẽ tái thiết đô thị để tạo không gian thuận tiện cho giao thông và bảo đảm phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, cố gắng tận dụng những khu đất trống còn lại để tạo công viên cây xanh cho khu dân cư.

Đối với phân khu ven vịnh Đà Nẵng, sẽ đề xuất sử dụng những khu đất lấn biển làm không gian và hiện đang trong quá trình tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư để điều chỉnh. Sau khi phân khu được phê duyệt sẽ phát triển không gian cho các hoạt động giải trí về đêm. Phân khu cảng biển Liên Chiểu sẽ thiết kế khu đô thị cảng biển kết hợp hài hòa với không gian sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan. Còn phân khu ven sông Hàn và bờ đông đã hình thành bờ kè nên tập trung thiết kế khu giải trí về đêm ở khu vực Thuận Phước.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách nghiêm túc, bài bản và khoa học sẽ là nền tảng quan trọng, có tính quyết định để kiến tạo những động lực mới cho Đà Nẵng tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn trong tương lai, hiện thực hóa mục tiêu Đà Nẵng trở thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.