CHUYỂN ĐỘNG TRẺ

Ly nông bất ly hương

.

Cùng với quá trình đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Thay vì lên thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm thì nhiều bạn trẻ ở huyện Hòa Vang quyết bám trụ quê hương, mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng thương mại, dịch vụ và du lịch. Họ là những nhân tố mới, là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên học tập khi chọn quê hương để phát triển sự nghiệp.

Làm du lịch gắn với thế mạnh địa phương

Tôi tình cờ gặp Lê Thanh Đán (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) trong một buổi tập huấn về môi trường cho bà con nơi đây của dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, bảo tồn và phát huy tri thức truyền thống, văn hóa dân tộc Cơ tu, phát triển du lịch sinh thái thành phố Đà Nẵng” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Lúc đó, Đán đang hỗ trợ truyền thông về mặt hình ảnh cho Hợp tác xã du lịch cộng đồng xã Hòa Bắc.

Với lợi thế sinh ra và lớn lên ở Hòa Bắc, Đán am hiểu văn hóa và con người nơi đây nên rất thuận lợi trong việc hỗ trợ dự án giúp bà con nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng để phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, Đán đầu tư mở quán cà phê Thanh Đán vừa phục vụ du khách có địa điểm check-in, giải khát vừa là nơi tổ chức các giải cờ tướng, chạy bộ, đạp xe… của các đơn vị trong và ngoài thành phố khi Đán tham gia đồng tổ chức.

“Hòa Bắc có thiên nhiên đẹp và khí hậu mát mẻ nên rất thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động đạp xe, chạy bộ… Tham gia những loại hình thể thao lành mạnh này, người chơi có thể thử thách bản thân vượt lên chính mình đồng thời kết hợp với du lịch giã ngoại. Đối với những dự án du lịch cộng đồng, em thường xuyên hỗ trợ các giảng viên đại học và các chuyên gia khi có những hoạt động tư vấn, tập huấn cho người dân. Cái hay của du lịch cộng đồng khi tham gia các tour đạp xe, chạy bộ là du khách cùng làm, cùng trao đổi với bà con mà không có sự sắp xếp nào từ trước. Em chỉ lên khung chương trình, còn mọi thứ để thuận theo tự nhiên”, Đán chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi học xong THPT và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Đán chuyển sang làm du lịch. Kể về cơ duyên đến với nghề, Đán cho biết, em thích làm những công việc liên quan đến du lịch nên tự mày mò làm trang fanpage “Du lịch Hòa Bắc - Đà Nẵng”. Khi các chuyên gia và các giảng viên lên triển khai dự án du lịch cộng đồng cho người dân thì em đi theo các thầy cô vừa hỗ trợ vừa học hỏi.

“Em nghĩ, nếu làm du lịch cộng đồng thì người dân địa phương sẽ bán được sản phẩm nông nghiệp tốt hơn và bà con đỡ lo đầu ra cho sản phẩm. Người dân rất vui khi bán được giá và hướng đến sản xuất sạch để bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ cũng có những buổi ngồi lại họp bàn để phát biểu suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình nhằm thực hiện hiệu quả hơn. Qua đó không chỉ giúp bà con biết cách làm du lịch, phục hồi và bảo tồn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, làng nghề của địa phương mà còn phát triển thêm các dịch vụ đi kèm, hướng đến du lịch bền vững”, Lê Thanh Đán nhấn mạnh.

Cùng chung ý tưởng với Đán, anh Đinh Văn Khoa ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc cũng thành công với mô hình kinh doanh giải khát khi tận dụng quang cảnh đồi núi tuyệt đẹp và yên bình ngay chính địa phương mình. Ý tưởng mở quán cà phê Lúa Coffee House bắt đầu nhen nhóm khi anh Khoa nhận thấy nhiều bạn trẻ ở phố có xu hướng thích trở về với thiên nhiên. Xã Hòa Bắc có nhiều cánh đồng lúa nên thơ nằm bên những ngọn đồi xanh ngắt, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch này.

Sau khi ra đời, Lúa Coffee House thu hút nhiều du khách lên check-in và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Không chỉ có thức uống bổ dưỡng, anh Khoa còn tận dụng nguồn thực phẩm sạch của người dân địa phương để chế biến thêm món gà nướng. Nhờ đó, du khách rất thích thú khi có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa thưởng thức món gà nướng trong không khí hương đồng gió nội giữa miền sơn cước thơ mộng. Đây cũng là cách để quảng bá hình ảnh du lịch của xã Hòa Bắc đến với du khách trong và ngoài thành phố.

Lập nghiệp trên mảnh đất quê hương

Tuy không có điều kiện thuận lợi về cảnh đẹp thiên nhiên như xã Hòa Bắc nhưng lại nằm ở vị trí trung tâm huyện lỵ, anh Nguyễn Tấn Liêm (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong) chọn đầu tư mở xưởng in áo quần. Anh Liêm chia sẻ, trước đây, anh có điều kiện làm việc ở Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đà Nẵng nên hiểu biết về in ấn. Sau khi nghỉ việc ở công ty, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh học thêm kỹ thuật in để nâng cao tay nghề, rồi đầu tư mở xưởng in tại quê nhà. Xưởng in của anh đã hoạt động hơn 7 năm.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Liêm mạnh dạn đầu tư 170 triệu đồng mua máy in PET. Đây là máy in kỹ thuật số đời mới nhất hiện nay. “Với sự hỗ trợ của hội liên hiệp phụ nữ xã, tôi vay Ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng và mượn thêm bạn bè, người thân để mua máy mới. So với việc in một màu một khung và mất nhiều thời gian khi in nhiều màu, nhiều lần như trước đây thì với máy PET kỹ thuật số, chỉ cần in một lần nhưng in được nhiều màu cùng lúc. Chúng tôi nhận áo quần từ các xưởng và công ty may ở Đà Nẵng. Đặc biệt vào mùa hè có nhiều sự kiện diễn ra, nhiều đơn vị có nhu cầu in áo cho các thành viên tham gia các hoạt động cắm trại, thiện nguyện, tình nguyện, teambuilding… Mỗi tháng thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng”, anh Liêm nói.

Công việc in áo quần tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Khi áo vừa cắt thành thanh thì công ty may chuyển cho xưởng của anh Liêm để in, sau đó công ty may mới ráp áo hoàn chỉnh. Anh Liêm cho biết, hiện nay nhu cầu in đồng phục rất cao nhưng công suất in của xưởng chỉ đạt khoảng 100 cái/ngày. Khó khăn lớn nhất của xưởng là thiếu vốn để mở rộng sản xuất và thuê nhân công.

Ngoài anh Nguyễn Tấn Liêm ở xã Hòa Phong, ở xã Hòa Liên còn có anh Lê Thái Sanh mở công ty in và may áo đồng phục Sblue rất chuyên nghiệp đóng tại xã Hòa Sơn. Nhờ sự năng động và sáng tạo của đội ngũ nhân viên trẻ, công ty đã tạo được uy tín và chỗ đứng trên thị trường. Không chỉ các đơn vị công sở, nhà hàng, khách sạn, trường học… đóng chân trên địa bàn huyện mà nhiều đơn vị khác trên địa bàn thành phố cũng tìm đến công ty của anh Sanh để in và may đồng phục.

Qua đó, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ ở địa phương. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự nỗ lực của bản thân, những thanh niên như Đán, Khoa, Liêm, Sanh… đang ngày ngày chung tay góp sức thay đổi diện mạo nông thôn Hòa Vang. Họ trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ học tập và cảm thấy vững tin hơn khi quyết tâm lập thân lập nghiệp ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.