Mối cảm hoài trong thơ Mai Hữu Phước

.

Những người quen với Mai Hữu Phước, đọc thơ anh lại hình dung ra con người anh: hiền hòa, khiêm cung, nhẹ nhàng; trong quan hệ ít thấy anh lớn tiếng với ai bao giờ. Thơ của anh cũng vậy, trong sáng, dịu dàng, thanh thoát, điềm tĩnh.

Sau 4 tập thơ đã xuất bản, tập thơ 4 câu Rồi từ đó (NXB Hội Nhà văn) mới đây cũng phảng phất một giọng thơ như thế, không ồn ào náo động hay nổi loạn theo cách của những nhà thơ đương đại mà đằm thắm thiết tha.

Thơ như thế dễ đi vào lòng người; bất kể tuổi tác, người đọc đều tìm thấy trong thơ anh một chút bóng dáng của chính mình. Không có gì phải ngạc nhiên, rất nhiều người đã đọc thuộc thơ anh, nhiều câu, nhiều bài. Người làm thơ mà chỉ cần người ta nhớ cho mình một câu thôi đã là hạnh phúc dường nào, huống chi là…

Rồi từ đó gồm 70 bài thơ ngắn 4 câu với những xúc cảm bất chợt bắt gặp đâu đó những hình ảnh trong cuộc sống với một chút u hoài, tiếc nhớ một nỗi hoài vọng từ ký ức của một tâm hồn thơ dễ xúc động trước những gì đã qua. Một cánh phượng với màu hoa thắp lửa miền nhung nhớ, một màu dã quỳ Em qua áo cũng vàng xao xuyến/ Tôi đứng chôn chân đến võ vàng,... Nỗi niềm bâng khuâng trở về nơi vườn mẹ Con về thoáng chốc rồi đi biệt/ Thương mẹ hao gầy với nắng mưa (Vườn mẹ). Chút hụt hẫng ngỡ ngàng khi thăm lại xóm cũ Về thăm xóm cũ thành người lạ/ Giật mình trẻ nhỏ hỏi tìm ai (Thăm xóm cũ). Cảm giác ngậm ngùi khi trở lại quán cũ đã vắng bóng người xưa: Gió muốn nói điều gì không rõ/ Cát ngoài kia mù mịt chạy vòng quanh (Anh đã đến)…

Có khác chăng trong Rồi từ đó, bằng một cảm quan nghệ thuật lành mạnh, một quan niệm nghệ thuật xác tín, nhà thơ với những nét bút phác họa tưởng như đơn giản để vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc của đời sống với niềm thương cảm sâu xa với thời quá vãng.

Nhà thơ người Đức Rilke từng nói rằng: Mỗi câu thơ phải là số thành cuộc đời. Dằng dặc trong suốt tập thơ tác giả nghiêng về góc nhìn theo đuổi cái bình thường, sự thường hằng của đời sống, anh không đặt nặng vào những câu chuyện xã hội.

Bao nhiêu năm mê mải say đắm với thơ, dầu dãi với nắng mưa, sóng gió của đời, tác giả chọn lựa sáng tác thơ 4 câu là một trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã của đời sống, câu chữ cần được nén lại, tích tụ nhưng lại chuẩn bị cho sự bung vỡ của cảm thức, dù vẫn giữ được nét tiềm ẩn, chìm đắm trong một âm hưởng nhẹ nhàng của ngôn ngữ thơ.

Chỉ là những cánh hoa lau thôi, Hoa lau nở trắng bờ Thương Nhớ/ Em có về qua ngõ đợi chờ. Nhưng hai câu thơ tiếp theo đẩy lên bằng một hình ảnh có tính ẩn dụ Anh đứng bên trời mưa phủ trắng/ Hồn còn trôi dạt nẻo bơ vơ (Hoa lau). Hai câu thơ sau lại chuyển mạch, hình ảnh hoa lau đã không đứng yên nữa đã biến thành hình tượng nghệ thuật mưa phủ trắng.

Cùng một mô-típ nghệ thuật, bài thơ Rồi từ đó cũng viết bằng một giọng thơ nhẹ nhàng như có như không: Có một hôm ta vô chùa nằm lại/ Nghe sư thầy tịnh niệm mấy hồi kinh/ Rồi từ đó những sân si danh lợi/ Nhẹ bay qua như gió thoảng sân đình. Nghe sao mà dễ dàng đến vậy.

Người ta tu tập khổ hạnh cả đời người mà tâm còn đồng vọng huống chi chỉ nghe mấy hồi kinh mà sân si danh lợi đã như gió thoảng sân đình. Nhưng đó là sự bừng tỉnh của ý thức phản tỉnh đem tới một thức tỉnh cần thiết để cứu rỗi sự bất an của một con người bị vây bủa giữa trùng khơi hệ lụy. Đó là cơ may chạm được phút giây hạnh ngộ để thoát ra khỏi cái vòng tục lụy.

Thơ 4 câu của Mai Hữu Phước bó hẹp trong chiều kích của trang giấy, câu chữ ít ỏi nên lời ít mà ý nhiều. Cấu trúc nội dung của bài thơ thường theo một trình tự cổ điển, từ “tả thực” ở hai câu đầu chuyển qua “luận” ở hai câu cuối. Câu kết thường đẩy cái suy niệm đi xa hơn nhằm diễn đạt một tâm thức ý tại ngôn ngoại.

Bài thơ Ông lão phơi thơ là một dẫn dụ. Mưa gió mấy ngày vây bủa khắp/ Nhà dột che mưa đến mệt khờ/ Nắng hửng nhà nhà phơi thóc lúa… Trong một khung cảnh ở miền quê nghèo, nhà thì dột, mưa gió vây bủa nhiều ngày, lúa không phơi kịp thì hư hạo, cái đói đe dọa trước mắt mà Cụ ngồi hiên vắng để phơi thơ. Ông già làm một việc thật dở hơi, thật kỳ quặc… nhưng câu kết lại mang đến sự đột ngột làm ta ngạc nhiên. Câu thơ đã chuyển tải một điều đơn giản, ông cụ làm một công việc coi thơ quý hơn cơm áo, coi sáng tạo văn học quý hơn “sự sống”?

Đọc Rồi từ đó, cho dẫu đó là những hiu hắt, se buốt của buồn thương mất mát nhưng vẫn thấy ấm áp với những nỗi đời. Nó như một vạt nắng mới lên sau những ngày giông gió, như sau một đêm dài, bất chợt sớm mai nghe tiếng chim hót ngoài khung cửa. Chỉ thoáng qua nhưng vẫn le lói một thoáng niềm vui và hy vọng, mang lại cảm giác tin yêu đời sống cho người đọc.

Hồ Sĩ Bình

;
;
.
.
.
.
.