Khởi đầu cho những ước mơ…

.

Sân khấu ở bờ đông cầu Rồng nhiều năm nay trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách. Tối mồng 5 Tết (29-1), chương trình nghệ thuật chào năm mới 2020 với chủ đề: “Xuân và tuổi trẻ” thu hút khá đông khán giả đến thưởng thức.

Một tiết mục được dàn dựng công phu trong đêm thi tối mồng 5. Ảnh: Q.T
Một tiết mục được dàn dựng công phu trong đêm thi tối mồng 5. Ảnh: Q.T

Hòa chung không khí nô nức của mùa xuân, từng tốp bạn trẻ đến xem và hò reo cổ vũ cho các tiết mục. Có mặt tại chương trình, Thùy Dương (SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) phấn khởi nói: “Tôi về Đà Nẵng nghỉ Tết và được bạn bè rủ đến xem chương trình nghệ thuật này. Tôi thấy rất vui và háo hức vì chương trình có cả ca nhạc, hài kịch, MC, diễn thời trang… Các tiết mục đều do những bạn trẻ biểu diễn nên rất mới mẻ, hiện đại. Sân khấu cũng được thiết kế hoành tráng, âm thanh nghe rất hay. Đặc biệt, chương trình còn miễn phí nữa”.

Đi cùng Thùy Dương, Minh Anh (19 tuổi, SV Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng) hào hứng nói: “Chúng tôi đến xem chương trình và cổ vũ cho anh Mai Tiến Vũ, “đàn anh” ở trường. Anh ấy tham gia hát đơn ca tiết mục “Con cò”. Chúng tôi đã nhiều lần được nghe anh hát trong các chương trình tại trường và rất kỳ vọng anh sẽ đoạt huy chương vàng”. Ngay lúc ấy, trên sân khấu là phần thi MC đơn của thí sinh Ngô Văn Trung (SV Trường Đại học Duy Tân). Kịch bản với chủ đề: “Tết của người xa xứ” của Trung gây xúc động mạnh cho khán giả. Mở đầu phần thi, Trung nói: “Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp gia đình quây quần bên nhau sau một năm làm việc mệt nhọc và đây là lúc chúng ta ngồi lại và đúc kết những hoạt động của năm vừa qua, cùng chào đón năm mới với những hy vọng tốt lành, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành và ấm áp…”. Xuyên suốt nội dung kịch bản, Trung lồng ghép những câu chuyện đời thực về những người phải ăn Tết xa quê, về những chuyến xe thiện nguyện đưa những học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động về quê ăn Tết… Gặp Trung nơi “cánh gà”, chàng thanh niên 24 tuổi chia sẻ: “Tôi viết kịch bản “Tết của người xa xứ” dựa trên những bài báo hằng ngày. Đặc biệt là từ những bạn sinh viên đang phụ bán quán cho mẹ tôi. Những ngày giáp Tết, tôi đọc được cảm giác ngóng trông được trở về quê của các bạn. Mới thấy, khoảnh khắc sum vầy cùng gia đình quý giá biết chừng nào”.

Chương trình nghệ thuật tối mồng 5 là cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ dành cho thí sinh lứa tuổi 16-25 của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố. Tuy là chương trình nghệ thuật “đến hẹn lại lên” nhưng mỗi năm, trung tâm đều thay đổi chủ đề để tạo sự mới mẻ cho thí sinh cũng như khán giả. Đây được xem là điểm hẹn cho các bạn trẻ yêu thích văn hóa nghệ thuật có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, tạo không khí tươi vui và phấn khởi cho người dân thành phố trong những ngày đầu xuân. Ví như năm nay, ban giám khảo được trung tâm đổi mới toàn bộ, xen kẽ giữa những nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi là những nhạc sĩ trẻ, có đời sống âm nhạc gần gũi với giới trẻ. Sau đêm nhạc vào tối mồng 5 Tết, chương trình đêm công diễn tiếp tục được tổ chức vào tối mồng 7 tháng Giêng (31-1).

Thí sinh Ngô Văn Trung dự thi tiết mục dẫn chương trình. Ảnh: Q.T
Thí sinh Ngô Văn Trung dự thi tiết mục dẫn chương trình. Ảnh: Q.T

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố cho biết, chương trình Tài năng nghệ thuật trẻ do trung tâm tổ chức có bề dày hơn 20 năm, là bệ phóng cho rất nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng xuất thân từ vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng. “Sân chơi của chúng tôi nhằm mục đích tìm kiếm những “hạt giống” nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật của thành phố, chương trình phục vụ cộng đồng. Các thí sinh trưởng thành từ phong trào địa phương, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Từ những chương trình nghệ thuật trẻ này sẽ phát hiện ra những tài năng, lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến các em”, ông Bảy nói.

Cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố phát động từ đầu tháng 12-2019, với mục đích nâng cao nhận thức, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và bảo tồn nét đẹp văn hóa Việt Nam. Các tiết mục tham gia phải xoay quanh nội dung này. Mai Tiến Vũ (23 tuổi, thí sinh tham gia cuộc thi) cho biết đã tập luyện cho tiết mục hát đơn ca bài “Con cò” trong hơn một tháng. Nhưng để đến với cuộc thi này, Vũ có hơn một năm chuẩn bị. Mỗi ngày Vũ đều tự luyện tập thanh nhạc, cách biểu diễn… Trong khi mọi người háo hức đi chợ hoa, sắm đồ Tết thì Vũ miệt mài luyện tập với mong muốn đoạt giải cao nhất.

Hầu hết thí sinh đến với cuộc thi đều mang tâm lý như Vũ nên các tiết mục được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm tính nghệ thuật cho chương trình. Mai Lan (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) hào hứng kể: “Mấy năm gần đây, sân khấu ở bờ đông cầu Rồng trở thành điểm đến yêu thích của tôi và những người bạn. Trong bối cảnh các sân khấu ca nhạc ở Đà Nẵng còn ít và bán vé thì những chương trình nghệ thuật miễn phí là món ăn rất cần thiết của người dân. Hy vọng, ngày càng nhiều chương trình nghệ thuật như thế này được tổ chức. Vừa có điểm đến cho người dân vui chơi, vừa thưởng thức nghệ thuật”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.