Chữ Việt gốc Pháp đồng âm khác nghĩa

.

* Từ “cua” trong cụm từ “cua gái”, từ “ga” trong “hố ga”, từ “băng” trong “ghế băng” có phải là những từ gốc tiếng Pháp? Xin quý báo giới thiệu một số chữ Việt gốc Pháp đồng âm khác nghĩa. (Nguyễn Mỹ Nữ, Hòa Vang, Đà Nẵng)

- Gần 100 năm người Pháp đô hộ Việt Nam, vì thế tiếng Việt vay mượn khá nhiều từ có nguồn gốc tiếng Pháp. Rất nhiều từ đã Việt hóa đến độ ít ai nghĩ rằng chúng có gốc Pháp, ví dụ như 3 từ nói trên.
Về chuyện này, TS. Nguyễn Hữu Phước có bài “Chữ Việt gốc Pháp” rất thú vị đăng trong cuốn “Tiếng Việt đa dạng”, NXB SEACAEF (Southeast Asian Culture Education Foundation - Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á), 2004.

Hố ga là cách nói gọn của từ regard trong tiếng Pháp. Nguồn: Internet
Hố ga là cách nói gọn của từ regard trong tiếng Pháp. Nguồn: Internet

Theo đó, chữ “cua” nguyên tiếng Pháp là cour trong cụm từ “faire la cour à une fille” nghĩa là “tán tỉnh một người phái nữ”. Về sau gọi tắt thành “cua gái”.

Đồng âm với cua có các từ khác nghĩa khác. Cours: lớp học, như trong cúp cua (couper le cours: trốn học). Court: ngắn; hớt cua (húi cua) là hớt tóc ngắn. Courbe là đường cong; thí dụ đi tới ngã ba thì quẹo cua về phía phải; hoặc xe chạy lẹ quẹo cua gắt quá có thể bị lật.

Liên hệ đến âm “cua” nhưng hoàn toàn khác nghĩa, có công cua (concours) là thi tuyển; đít cua (discours) là diễn văn. TS. Nguyễn Hữu Phước hóm hỉnh kể rằng, khi xưa ông có nghe nói đùa đại khái rằng buổi lễ không có gì quan trọng, chẳng cần “đít cua đít còng” gì cả (con cua và con còng là hai con vật có “họ hàng” và đều sống dưới nước). Đây là việc đem chuyện nọ xọ chuyện kia cho vui mà thôi.
Chữ “băng”, trong “ghế băng” có gốc Pháp là banc, chỉ cái ghế dài hay cái ghế ngồi trong xe.

Đồng âm với “băng” có các từ khác nghĩa khác. Banque: ngân hàng. Có tiền thì nên giữ ở nhà băng để kiếm chút lời. Bande: một nhóm người có cùng một khuynh hướng, thường chỉ một nhóm người làm những việc không tốt (băng cướp). Bande cũng có nghĩa là miếng vải nhỏ, dài, hoặc một cuộn phim (film). Cùng nghĩa với chữ băng sau cùng này có băng đô (bandeau) tức miếng vải quấn trên đầu; và băng đơ rôn (banderole) chỉ tấm vải lớn, dài, có viết chữ (khẩu hiệu).

Chữ “ga” trong “hố ga” là cách gọi tắt của từ tiếng Pháp regard. Đây là chỗ nước đọng xuống trước khi chảy vào cống chính. Nhờ cái hố ga này mà rác rến, hay các vật nặng khác như đất, sỏi, đọng lại đây và được vớt đem bỏ. Nếu không có hố ga ở mỗi miệng cống, các vật khác hơn nước có thể chui thẳng vào ống cống, và có thể làm nghẹt cống.

Đồng âm với “ga” có một số từ khác. Gare: nhà ga xe lửa. Gaz: loại vải thưa để bọc ngoài vết thương. Gaz: xăng đã đốt thành khí tống mạnh làm máy xe chạy; nghĩa rộng, chữ “ga” là khí (khí đốt, khí ngạt, khí thải…); từ ngữ này càng ngày càng thông dụng ở Việt Nam, kể từ khi người Việt dùng bếp ga. Gaz cũng có nghĩa là cái bàn đạp để tăng giảm tốc độ của xe hơi (nhấn ga).

Vì sự liên tưởng, tác giả nhắc đến một chữ gốc Pháp khác: ga lăng (galant). Ga trong ga lăng không liên hệ gì tới những từ ga bên trên. Ga lăng là một hành vi hay cử chỉ đẹp của phái nam dành cho phái nữ như nhường cho người nữ đi trước, mở cửa xe cho họ lên và đóng cửa xe lại; hoặc khi có ai mời người nữ lên diễn đàn thì một người sẽ đưa cánh tay ra cho người nữ nắm và dìu người nữ đi lên…

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.