Đà Nẵng cuối tuần

Tìm thấy cung điện 3.400 tuổi ở Iraq

11:11, 07/07/2019 (GMT+7)

Tình trạng hạn hán khiến mực nước trong hồ chứa đập Mosul ở Iraq rút xuống đã để lộ một cung điện 3.400 năm tuổi của đế chế Mitanni cổ đại. Đập Mosul, đập chứa nước lớn nhất ở Iraq, nằm trên sông Tigris ở phía tây tỉnh Ninawa, thượng nguồn của thành phố Mosul.

Cung điện Kemune cổ xưa lộ ra trên lòng hồ đập Mosul.
Cung điện Kemune cổ xưa lộ ra trên lòng hồ đập Mosul.

Các nhánh của hai dòng sông Tigris và Euphrates tạo thành một hệ thống sông lớn ở Tây Á, có nguồn gốc ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, chảy qua Syria qua Iraq vào vịnh Ba Tư. Con đập Mosul tạo ra thủy điện và phục vụ cung cấp nước tưới tiêu hạ lưu. Khu vực này đã bị ngập khi đập Mosul được xây dựng vào giữa những năm 1980.

Một căn phòng tại cung điện Kemune trong quá trình khai quật.
Một căn phòng tại cung điện Kemune trong quá trình khai quật.

Mới đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tàn tích của cung điện Kemune. Sự tồn tại của cung điện Kemune bên dưới con đập được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2010. Tuy nhiên, mực nước dâng cao, cũng như cái bóng đe dọa của IS, khiến việc tiếp tục làm việc trên khu vực này trở nên khó khăn. Năm nay đánh dấu lần đầu tiên con đập đủ khô để các chuyên gia bắt đầu khai quật. Nhà khảo cổ người Kurd, Hasan Ahmed Qasim nói: “Phát hiện này là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất trong khu vực những thập kỷ gần đây. Chúng tôi đã phát hiện ra địa điểm này vào năm 2010 khi con đập có mực nước thấp  nhưng chúng tôi không thể khai quật cho đến bây giờ”.

Chữ Nêm (chữ Ba Tư xưa).
Chữ Nêm (chữ Ba Tư xưa).

Cung điện Kemune là một phần của Đế quốc Mittani bí ẩn cai trị Syria và miền bắc Mesopotamia từ hàng ngàn năm trước. Cung điện được xây dựng bằng những bức tường gạch bùn. Theo Ivana Puljiz, đồng trưởng nhóm khai quật và là nhà khảo cổ học của Viện Nghiên cứu Cận Đông cổ đại, các bức tường của cung điện dày hơn một mét và cao hơn hai mét. Cung điện rộng ít nhất 6.000m2.

Vào thời cổ đại, cung điện Kemune nhìn xuống thung lũng Tigris, chỉ cách bờ sông phía đông khoảng 3 mét. Để giúp ổn định cấu trúc trên địa hình thung lũng dốc, một bức tường lớn được xây dựng phía tây cung điện.

Từ trên không của địa điểm khảo cổ này bằng máy bay không người lái, có thể thấy thoáng qua mặt tiền của cung điện cổ đại trông như thế nào, và các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những điều thú vị hơn nữa bên trong khu vực.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những viên gạch nung lớn được sử dụng làm tấm sàn ở một số khu vực của cung điện. Tòa nhà cổ có nhiều phòng khác nhau với những bức tường trát vữa và đồ trang trí, như tranh tường rực rỡ với màu đỏ và màu xanh. Đồ trang trí nghệ thuật như thế chưa bao giờ được tìm thấy trong một trạng thái được bảo quản tốt so với trước đây, vì vậy chúng có ý nghĩa như một phát hiện chính của cung điện.

Một mảng tranh tường được phát hiện tại cung điện Kemune.
Một mảng tranh tường được phát hiện tại cung điện Kemune.

Theo nhà khảo cổ Pul Puliz, vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, tranh tường có lẽ là một đặc điểm điển hình của các cung điện ở vùng Cận Đông cổ đại, nhưng chúng ta hiếm khi thấy chúng được bảo tồn. Khám phá những bức tranh trên tường ở cung điện Kemune là một điều quan trọng đối với khảo cổ học. Các nhà khảo cổ đang hy vọng có được thông tin về chính trị, kinh tế và lịch sử của đế chế bằng cách nghiên cứu các mẫu tự được phát hiện trong cung điện.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy 10 mảnh đất sét với một hệ thống chữ viết cổ được gọi là chữ “hình nêm” (chữ Ba Tư xưa). Các mẫu tự cổ này đang được phân tích, khảo nghiệm ở Đức. “Từ các mẫu tự cổ này, chúng tôi hy vọng có được thông tin về cấu trúc bên trong của đế chế Mittani, tổ chức kinh tế và mối quan hệ của thủ đô Mittani với các trung tâm hành chính ở các khu vực lân cận”, Puljiz nói với CNN.

Nhà khảo cổ Hasan A
Nhà khảo cổ Hasan A

Đế chế Mittani là một trong những nền văn minh ít được nghiên cứu nhất của vùng Cận Đông cổ đại Mitanni, còn được gọi là Hanigalbat, là một quốc gia nói tiếng Hurrian ở miền bắc Syria và phía đông nam Anatolia từ năm 1500 đến 1300 trước Công nguyên. Dựa trên các chữ viết cổ được tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ ở Ai Cập ngày nay,  cho thấy các vị vua của đế chế được tôn sùng ngang hàng với các pharaoh Ai Cập và các vị vua của Hatti và Babylonia.

Cho đến ngày nay, vẫn chưa có nhiều thông tin về Đế chế Mittani và nó vẫn là một trong những đế chế ít được nghiên cứu nhất của Vùng Cận Đông cổ đại. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những tàn tích của Cung điện Kemune cổ xưa sẽ giúp họ tìm hiểu thêm về Mittani, Đế chế đã mất từ lâu.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

.