Nước mắt Vọc

.

Cậu thanh niên Cư Seo Vọc, người Mông, 23 tuổi. Tôi sẽ kể câu chuyện của Vọc, cũng là câu chuyện của rất nhiều người Mông di cư vào Tây Nguyên hôm nay.

Người phụ nữ này đã sinh sống hai chục năm ở Suối Phèn, lấy chồng và sinh con, nhưng cả 6 đứa con của chị đều không có tên cha trong giấy khai sinh. Ảnh: Đ.L
Người phụ nữ này đã sinh sống hai chục năm ở Suối Phèn, lấy chồng và sinh con, nhưng cả 6 đứa con của chị đều không có tên cha trong giấy khai sinh. Ảnh: Đ.L

Chúng tôi mất hai tiếng đồng hồ bò như… cua trên con đường đất mù mịt bụi, chi chít những hố và rãnh sâu hoắm, dài 20km tính từ trung tâm xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) để vào Suối Phèn. Thôn Suối Phèn (tạm được gọi như vậy) có 100% số hộ là người Mông di cư.

Người Mông Suối Phèn đã định cư ở đây tròn 20 năm. 20 năm qua, những trung niên thời ấy giờ đã thành những ông già bà cả, những đứa trẻ kịp lớn lên làm bố làm mẹ của cả đàn con đông đúc, và rất nhiều đứa trẻ nguyên quán Tây Bắc đã được sinh ra ở Tây Nguyên.

Người Mông di cư là câu chuyện vắt qua nhiều thế kỷ. Di cư là tập tính của người Mông. Cứ đất cạn màu là di cư, tìm nơi mới để gây dựng cuộc sống mới. Và Tây Nguyên, đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi, mưa nhiều. Thật là một mảnh đất lý tưởng.

Người Mông Suối Phèn, chủ yếu là từ Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai di cư vào, có một đặc điểm chung là: Không ai có… hộ khẩu. Bao nhiêu năm qua không có hộ khẩu, cũng tức là không có Chứng minh nhân dân (CMND), mọi thứ liên quan đến văn bản mang tính hợp pháp cứ… lơ lửng như thế. Hệ quả của nó là:

Tất cả trẻ em Suối Phèn khi đi học từ cấp tiểu học không được hưởng chính sách ưu đãi nào theo quy định hiện hành, dù là dân tộc thiểu số, ở xa trung tâm, xa trường học. Tất cả mọi chiếc xe máy đang chạy vè vè trong thôn đều không phải xe chính chủ. Chủ xe không phải là người đang sở hữu chiếc xe đó mà thường là ông chủ… đại lý xe máy ngoài huyện. Và mọi đàn ông hay phụ nữ biết chạy xe máy, có xe máy đều không có giấy phép lái xe. Người được giao phụ trách cụm dân cư này là Giàng A Dơ.

Dơ mang ra cho chúng tôi xem một xấp có lẽ đến hàng trăm chiếc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà anh cất trong tủ có khi đến vài tháng rồi. Nhiều người, thực ra là đa số bà con, không buồn lấy thẻ BHYT, không phải vì họ quá khỏe, chả bao giờ phải đến bệnh viện, mà là vì có lấy về cũng không dùng được.

Chiếc thẻ BHYT chỉ là một mảnh giấy có in chữ, không hơn không kém. Chưa hết, một thanh niên khác khi được hỏi chuyện, đã chạy quanh xóm và gom cho chúng tôi xem một tập giấy khai sinh. Điều kỳ lạ nhất mà tôi chưa từng gặp là tất tật số giấy khai sinh này phần họ tên bố đều… bỏ trống. Đồng thời với chi tiết đó là tất cả trẻ em được khai sinh đều mang họ mẹ…

Tại sao lại có những chuyện kỳ lạ, khó hiểu đến vậy ở Suối Phèn? Chỉ có một câu trả lời chung duy nhất: Không có CMND. Không có CMND thì không được thi tốt nghiệp THPT, không được đăng ký xe máy, không được thi lấy bằng lái xe máy, không được đăng ký kết hôn nên khi khai sinh cho con, rõ ràng con có bố mà không được ghi tên bố cũng không được mang họ bố; không sử dụng được thẻ BHYT vì muốn sử dụng phải có CMND đi kèm…

Vậy câu hỏi tiếp theo là tại sao người Mông ở Suối Phèn lại không có CMND? Đơn giản vô cùng. Đó là bởi họ di cư tự do từ Tây Bắc vào Tây Nguyên. Họ đã tự “rơi tõm” vào giữa đại ngàn ngút ngát mù mịt của Đắk Nông từ 20 năm trước. Suối Phèn khi ấy, mù mịt đến nỗi mà người Mông đã đốn cây, phá rừng, lập thôn lập bản đến mấy chục nóc nhà từ năm 1998 mà đến tận 2004 cán bộ xã mới biết. Và ở thì ở trên đất lâm nghiệp, không cần xin phép ai hết, chính vì thế mà đến tận 19 năm sau cũng không thể có được quyền sử dụng đất. Không có quyền sử dụng đất, thì làm sao cấp được hộ khẩu, làm sao làm được CMND đây?

Cư Seo Vọc xuất hiện trước mặt chúng tôi trong một bộ dạng khá tươm tất với áo sơ-mi và quần âu. Vọc là một trong 4 học sinh của Suối Phèn đã học đến lớp 12 mà phải chua chát quay về Suối Phèn vì không được thi tốt nghiệp THPT. Vọc kể về việc đi học, ước mơ được học đại học, một trường nào đó liên quan tới âm nhạc vì cậu rất thích hát. Cậu thậm chí hát cho chúng tôi nghe một khúc hát bằng tiếng Mông. Nhưng giấc mơ cao tận trời xanh ấy của Vọc đã dừng lại. Và, nhớ lại giấc mơ ấy, Vọc bật khóc.

Tất cả chúng tôi đều lặng đi mất vài phút khi thấy hai dòng nước mắt lăn trên má Vọc. Một cảm giác buồn bã, thương, chia sẻ bất chợt dâng ngập. Trong sâu thẳm, Vọc có trái tim, tâm hồn của một nghệ sĩ. Và trái tim, tâm hồn ấy trong một khoảnh khắc được đánh thức, đã khiến Vọc không kiềm chế được. Sau khi khóa lại cánh cửa mộng mơ ấy, Vọc quay về Suối Phèn. Và, như mọi thanh niên khác, Vọc lấy vợ, sinh con, tiếp tục một cuộc đời chung thủy tuyệt đối với núi rừng.

Tôi thực sự không bao giờ quên được hình ảnh những tờ giấy khai sinh mà trên đó không có tên bất kỳ một người cha nào. Những người phụ nữ ấy, khi bàn với chồng, thậm chí là với bố mẹ chồng, chọn một cái tên đẹp đẽ, giàu ý nghĩa nào đó cho con, sẽ cảm thấy thế nào khi biết trước rằng nó sẽ mang họ mẹ? Và chỉ có thể mang họ mẹ? Giàng Thị Chen, sinh ngày 6-2-2015, họ và tên mẹ: Giàng Thị Lơ; Giàng Thị Si, sinh ngày 23-12-2016, họ và tên mẹ: Giàng Thị Lâu… những tờ giấy khai sinh ấy rồi sẽ đi theo các em nhỏ cho đến tận khi trưởng thành, đến khi làm bố, làm mẹ, làm ông bà…

Câu chuyện người Mông di cư đến Suối Phèn, hồn nhiên phá rừng lập xóm lập thôn không phải chỉ là câu chuyện của Quảng Hòa, Đắk Glong, của riêng Đắk Nông, mà là câu chuyện của cả Tây Nguyên. Ở bài viết này, tôi chỉ hy vọng rằng, bằng một cách nào đó những người Mông ở Suối Phèn sẽ sớm có được những quyền lợi thiết thực mà họ đáng được thụ hưởng.

Một tấm CMND thôi, sẽ giải quyết vô số những vấn đề đang hiện diện từng ngày một, tác động từng ngày một tới đời sống của người Mông Suối Phèn, đặc biệt là tác động tới lớp trẻ. Ông bà, cha mẹ di cư tự do, tùy tiện phá rừng, tùy tiện canh tác, sai thì cũng sai rồi. Nhưng những đứa trẻ được sinh ra sau này, trên vùng đất ấy, thì chúng có tội tình gì đâu?

Những câu hỏi như vậy hiện vẫn còn là điều nhức nhối!

Ông Lê Quang Dân-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông: Tạo mọi điều kiện để nhập hộ khẩu

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đăk Nông đã lập và triển khai 16 dự án đầu tư, mục tiêu bố trí, sắp xếp cho gần 11.000 hộ, tổng số vốn phê duyệt dự án là 1.530 tỷ đồng. Vì số lượng dân di cư tự do đến Đăk Nông rất lớn nên đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, bởi đặc điểm dân di cư tự do chủ yếu sinh sống phân tán, rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng, cách trung tâm xã, đường giao thông đi lại khó khăn nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, tỉnh Đăk Nông sẽ tập trung lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư dứt điểm các dự án đã được phê duyệt, đến năm 2020 cơ bản bố trí, sắp xếp ổn định cho 11.511 hộ/51.753 khẩu dân di cư tự do đã đến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ di cư tự do được nhập khẩu tại địa phương, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

ĐỨC LÂM

;
;
.
.
.
.
.