Thương nhau như người thân

.

Bức ảnh này tôi chụp tại một phiên chợ ở Đồng Văn. Hình ảnh quen thuộc ở miền núi, nhưng có lẽ người miền xuôi thì thấy lạ lẫm lắm. Hai vợ chồng người Mông (ảnh), đã già, dắt nhau đi chợ phiên. Có lẽ là đã bán xong một vài thứ gì đó, và sẽ mua vài thứ lặt vặt. Cũng có lẽ sẽ cùng nhau ghé vào hàng phở, ăn một bát phở, uống một chén rượu. Giữa cái quãng thảnh thơi ấy thì dừng chân, và hút vài hơi thuốc lào. Đàn ông hút thuốc lào là chuyện thường, đàn bà hút thuốc lào rất ít, trừ người miền núi. Hầu như bà Mông già nào tôi biết cũng nghiện thuốc lào.

Ở chợ, có những cái quán nhỏ bán vài thứ lặt vặt. Chủ quán có lúc ngồi đấy có lúc bỏ đi đâu đó một lúc. Riêng cái điếu cày, gói thuốc, diêm thì để đó, ai thích hút cứ việc dừng chân mà hút, không phải bận tâm trả tiền. Hoặc ai thích trả một vài nghìn tiền lẻ cũng được, tự để lại.

Ảnh: Đ.B.T
Ảnh: Đ.B.T

Hai ông bà lão này, lúc tôi đến thì bà đang đưa điếu cày lên và chậm rãi rít những hơi rất khẽ. Rồi cũng khẽ như vậy, phả ra một làn khói, mờ mờ, nhẹ nhẹ, loang trước mặt. Ông lão ngồi cạnh, bình thản, kiên nhẫn, chờ đợi vợ hút.

Bà lão khiến tôi nhớ đến một người. Một người phụ nữ Mông mà tôi đã đưa bà vào tiểu thuyết, truyện ngắn, phim. Bà May, hàng xóm nhà tôi. Bà May lấy chồng là ông Chú, không có con. Sau ông Chú lấy một bà vợ người Kinh nữa, tên Hoa, đưa về sống chung một nhà. Bà vợ Kinh đẻ liền 5 đứa con. 5 đứa con ấy đều một tay bà May chăm sóc, bà Hoa thì đi suốt, làm ăn buôn bán gì đó. Rồi bà Hoa mất sớm, ông Chú cũng mất sớm, bà May còn lại một mình trên đời với 5 đứa con không phải do mình sinh ra. 5 đứa con ấy, có đứa hiếu thảo cũng có đứa bất hiếu, chỉ vào bà mà nói rằng bà không đẻ ra tôi nên bà chẳng có quyền bảo tôi phải làm gì hay không làm gì.

Khi tôi gặp lại bà May, đứa út đã đủ lớn để đi bộ đội. Trong ngôi nhà vừa xây, còn chưa vôi ve của đứa con gái lớn nhất, bà rót rượu mời tôi. Và vừa hút thuốc, phả khói thuốc, bà vừa kể chuyện. Vẫn cái dáng người phốp pháp ấy, vẫn cái khăn đen vấn đầu, váy Mông dày cộp, cũ kỹ, cái áo sơ-mi cổ tròn đã sờn, và đặc biệt, tiếng cười vẫn vang giòn với âm vực rất rộng của mấy chục năm nào.

Nhìn bà, thấy đời người vừa ngắn ngủi, nhoáng cái đã mấy chục năm; vừa thấy sao mà nó dài quá. Bao nhiêu nặng nợ trả mãi không hết. Bà sống nhờ mảnh vườn, nuôi mấy con gà, con lợn, ốm đau tự khỏi không biết đến bệnh viện là gì, và vui buồn với lũ cháu, không hề máu mủ nhưng với bà không khác gì ruột thịt.

Phụ nữ Mông lấy chồng sớm, sinh con sớm, và già sớm. Cả đời vất vả, lao động nặng nhọc, lưng chẳng mấy chốc mà còng. Năm mươi tuổi mà trông như bảy mươi. Bảy mươi thì tưởng như đã vác cả thế kỷ trên vai. Từ khi bước chân ra khỏi nhà bố mẹ đẻ thì cả bầu trời, cả thế giới đều gói gọn trong gia đình chồng, và những đứa con, rồi đến những đứa cháu. Niềm vui hay nỗi buồn, đều đựng tất ở đó. Cái niềm vui dễ có nhất, và thường đến nhất, chính là những phiên chợ. Gom góp để dành từng quả trứng gà, mớ rau, con chó con mới đẻ hay con lợn vừa đủ để làm thịt, vợ chồng người dắt tay bế, mang xuống chợ. Ra khỏi nhà từ tinh mơ, có khi 3-4 giờ sáng. Đến chợ thì nắng đã lên. Bán được, đi mua sắm, rồi dắt nhau vào quán phở. Thường thì chồng uống say, say lắm.

Ba giờ chiều tan chợ thì chân đã xoắn như hai cái quẩy. Đi được một đoạn thì say quá, không thể nào nhấc được chân nữa, phải nằm xuống vệ đường ngủ một giấc. Ông ngủ thì tôi ngồi đợi. Nắng thì che ô cho mà ngủ. Cứ ngồi yên lặng đấy, nhìn đất nhìn trời, chờ cho chồng tỉnh. Đi chợ nên cũng không ai mang lanh đi mà tước cho nó đỡ sốt ruột. Cứ ngồi không vậy thôi. Hàng vài tiếng đồng hồ. Quen rồi. Chồng say, muốn ngủ thì để cho nó ngủ. Không nỡ về trước. Về rồi nhỡ mưa ào xuống thì lấy ai che ô cho nó?

Tôi cứ nhìn thấy cảnh ấy lại nghĩ, liệu những bà vợ Mông kia nghĩ gì trong suốt khoảng thời gian đằng đẵng ngồi im lặng bên cạnh ông chồng đang ngáy khò khò? Nghĩ đến đàn con đang chờ ở nhà, hay nghĩ đến mấy con lợn đang réo gọi đòi ăn trong chuồng? Nghĩ đến nương ngô cỏ đang lên, mai phải đi làm sớm? Nghĩ đến mấy tấm váy phơi trên bờ rào, tối rồi, ai sẽ thu vào?...

Phiên chợ ở vùng cao giống như một ngày gì đó đặc biệt lắm, chứ nó không chỉ là nơi mua mua bán bán. Cả tuần liền, chỉ biết có thức khuya dậy sớm, làm lụng quần quật không ngơi tay, đêm khuya đặt lưng xuống giường là chân tay như muốn rời ra khỏi người. Nhưng phiên chợ đến thì như một cái đốm sáng, nó lóe lên giữa bóng đêm dài dằng dặc. Nó đánh thức cái niềm vui nhỏ bé giản dị, vốn ẩn nấp rất sâu trong tâm hồn con người, vốn bị che kín bởi vô số những công việc hằng ngày.

Đàn ông đàn bà, người già người trẻ, có gia đình hay chưa có gia đình, thì đều sẽ chuẩn bị những bộ quần áo, váy áo tươm tất để mà xuống chợ. Ngày thường mặc thế nào cũng được, nhưng xuống chợ thì phải tinh tươm, sạch sẽ, mới thì càng tốt. Không mặc váy áo đẹp vào phiên chợ thì mặc vào lúc nào? Thật thế đấy.

Một ngày trong một tuần, được buông tay khỏi công việc, buông ý nghĩ khỏi những âu lo, nên thiếu gì thì thiếu, hàng trăm năm nay chưa khi nào vùng cao thiếu phiên chợ.

Ông lão Mông chờ vợ hút xong điếu thuốc lào, phả hết cả khói thì cùng đứng dậy, đi cho hết phiên.
Phụ nữ Mông thường nghe lời chồng. Đàn ông Mông hiền lành, chất phác, thích uống rượu. Rượu ít khi mua, toàn vợ tự nấu. Sống với nhau hầu như cả đời, từ lúc còn chưa thành người lớn hẳn, đến lúc thành người già, rất già, con cái đã đi lấy vợ lấy chồng hết, vẫn ở với nhau.

Ở lâu, thành người thân, thành ruột thịt. Đi qua cái ngưỡng người yêu từ lâu lắm rồi, không nhớ mình đã từng nói lời yêu người kia từ khi nào nữa. Cũng không nhớ là mình phải yêu vợ mình, yêu chồng mình, mà là gắn chặt vào nhau, quấn vào nhau như mớ rễ dưới một bụi cây.

Người Mông vì thế, ít khi ly hôn.

Con cái người Mông ít khi phải đưa ra quyết định sống với bố hay với mẹ. Có cả bố cả mẹ là đương nhiên, đói no sướng khổ cũng vậy, cứ từ từ mà lớn. Lớn lại từ từ tách ra, làm một ngôi nhà khác, thành một gia đình khác. Sinh sôi năm này qua năm khác, những cái xóm nhỏ nằm dưới chân hay lưng chừng núi, vài năm lại có thêm một nếp nhà.

Chúng ta, những người sống ở thành phố, có mấy khi thong thả đi cạnh nhau và ngồi chờ người kia hút xong một điếu thuốc lào, mà không hề cau có, sốt ruột, càu nhàu, như thể ngồi lâu chút nữa thì trái đất sẽ dừng quay mất. Thực tế thì, hàng triệu năm nữa trái đất vẫn sẽ cứ quay mà thôi.

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
.
.
.