Ngày hè của em

.

Nắng như đổ lửa, ở vùng núi nên nắng có phần gay gắt hơn đồng bằng, vậy mà đám trẻ con ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) nơi chúng tôi đến vẫn đầu trần chân đất chạy nhảy nô đùa, tiếng cười hồn nhiên của chúng làm rộn ràng cả vùng đồi núi.

Trẻ Cơ tu thích thú với các trò chơi vừa được Cung Thiếu nhi thành phố lắp ghép cuối tháng 5 vừa qua ở thôn Giàn Bí. Ảnh: Q.T
Trẻ Cơ tu thích thú với các trò chơi vừa được Cung Thiếu nhi thành phố lắp ghép cuối tháng 5 vừa qua ở thôn Giàn Bí. Ảnh: Q.T

Dắt tay em trai, chỉ những cây dại ven đường, Lâm Quang Bảo (học lớp 4) nói: “Cây ni là ăn được nè. Cây mận núi đó. Nhưng mà bây giờ chưa chín đâu. Đợi ít bữa nữa chín nó chuyển sang màu trắng mới ăn được. Giờ còn xanh, chát lắm”. Cậu bé Hoài Linh (học lớp 1) cười rạng rỡ khoe hàm răng sún, láu lỉnh: “Anh Bảo tìm kỹ trong lùm coi có quả nào chín chưa, chắc là có quả chín đó, hái cho em đi”. Mấy đứa trẻ đi cùng cũng chạy đến, vạch lá tìm kiếm.

Thấy những trái mận mới nhú, nhỏ chút, chúng tiếc rẻ: “Chưa chín rồi”. Bảo ra dáng đàn anh: “Thôi bỏ đi, lên nhà Gươl chơi đồ chơi đi”. Bọn trẻ nhanh chóng quên đi nỗi buồn, tiếng cười nắc nẻ đuổi theo nhau lại vang lên, làm rộn ràng cả vùng rừng núi heo hút.

Không như trẻ em thành thị, tha hồ lựa chọn giữa các môn học năng khiếu đàn, hát, vẽ… mỗi dịp hè, trẻ em người đồng bào Cơ tu nơi đây chưa thể tiếp cận các lớp học như thế. Quãng đường xa xôi, cha mẹ bận rộn với nương rẫy, các em như những con nai ngơ ngác giữa đại ngàn. Thời gian qua, lãnh đạo xã Hòa Bắc đã nỗ lực đưa những chủ trương, chính sách vào thực tế để các em được hưởng nhiều quyền lợi.

Không chỉ được miễn các khoản tiền học, mỗi em đi học còn được nhận tiền hỗ trợ học tập 130.000 đồng/tháng (từ mầm non đến THPT). Những trẻ em con hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí…

Chị Hồ Thị Gái, cán bộ phụ trách công tác Lao động, Thương binh và Xã hội xã Hòa Bắc chia sẻ, kinh phí dành cho trẻ em có hạn nên chỉ có thể “liệu cơm gắp mắm” tổ chức những hoạt động nho nhỏ vào những dịp như Tết Nguyên đán, Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu… và kêu gọi các tổ chức cá nhân tặng quà động viên cho trẻ đồng bào vào dịp đầu và cuối năm học. Ngoài ra, trên này chưa có phòng đọc sách hay sân chơi nào cho trẻ. Nghỉ hè là tụi nhỏ quanh quẩn tự chơi với nhau, xem ti-vi, giúp bố mẹ làm những việc lặt vặt trong nhà.

Nhà Bảo có 5 anh chị em, đứa nào cũng siêng năng, ngoài giờ học phụ mẹ nấu cơm, quét nhà, theo mẹ ra rẫy. “Ba mẹ con đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Buổi trưa ở nhà có chị Hai nấu cơm ăn. Hôm nào chị Hai bận đi học thì con tự nấu mì tôm. Bình thường thì con đi chơi với mấy bạn trong thôn.

Lúc nào rảnh thì con lấy sách Lịch sử lớp 12 của chị Hai ra đọc. Chị Hai hứa nếu chị thi đậu đại học sẽ chở con xuống phố mua thêm mấy cuốn truyện tranh lịch sử đọc”, Bảo nói. Đứng bên cạnh Bảo, lúc lắc mái tóc hoe vàng vì cháy nắng, Bình (học lớp 3) bẽn lẽn: “Lúc đi học thì con thích nghỉ hè, mà chừ nghỉ hè con lại thích đi học.

Ở nhà đi chơi miết cũng chán. Mẹ cũng chưa mua sách vở lớp 4 cho con. Mẹ kêu đợi khi nào mẹ rảnh sẽ đi quanh trong xóm xin sách của mấy anh chị lớp lớn cho con đọc trước”. Chị Đinh Thị Hà (thôn Giàn Bí) chia sẻ, lâu nay ở đây hầu như không có một sân chơi, một khu vui chơi nào cho trẻ em cả. Nghỉ hè tụi nó cũng chỉ quanh quẩn ở nhà thôi, đầu trần chân đất giang nắng cả ngày.

Cuối tháng 5 vừa rồi, Cung Thiếu nhi thành phố có đến trao tặng cho trẻ em trong thôn một công trình vui chơi có cầu trượt, đu quay. Tụi nhỏ thích lắm. Nhưng mấy đứa lớn hơn chút thì không chơi được. Thật may là từ năm ngoái đến nay, tại điểm trường chính Trường tiểu học Hòa Bắc có dạy bơi cho trẻ. Tụi nó háo hức lắm. Đứa nào cũng mong được học bơi”.

Mùa hè năm nay là mùa hè thứ 2 trẻ em ở xã Hòa Bắc được học bơi. Dù vậy, số lượng trẻ em người dân tộc tham gia học bơi còn rất ít ỏi. Trong 85 trẻ em người Cơ tu đang theo học tại Trường tiểu học Hòa Bắc, chỉ có 8 em đăng ký học. Anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí bộc bạch, ngày trước, trẻ nhỏ ở đây thường theo cha mẹ lên nương rẫy, trèo đèo lội suối rồi tự học bơi lấy. Chúng rất thích ngâm mình dưới sông, thi thố nhau bơi lội.

Ngày nay, trẻ đến trường nhiều hơn, thời gian tập bơi không có nên tụi nhỏ ít biết bơi. Trên này sông suối nhiều, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Việc có hồ bơi, được học bơi bài bản là rất tốt cho trẻ miền núi. Dù vậy, đường đi lối lại còn xa xôi. Từ trên này xuống dưới xã là 10 cây số. Phụ huynh ở đây chủ yếu làm nghề hái lá keo, chặt củi, làm thuê, 6 giờ sáng đã ra khỏi nhà, không có ai chở tụi nó đi học.

Hai em Bùi Thị Khánh Huyền (học lớp 5) và Đinh Công Hiếu (học lớp 4) là hai trẻ hiếm hoi được học bơi mùa hè này. Huyền thổ lộ: “Hồi cuối năm học, khi cô giáo đưa phiếu đăng ký học bơi hè, cả lớp con ai cũng nhao nhao đăng ký, bạn nào cũng thích học bơi hết. Nhưng đến khi đi học chỉ gặp có vài bạn thôi. Mấy bạn kia kêu không có ai chở đi. Mỗi bữa đi học bơi con phải lo dậy thiệt sớm, ăn cơm trước rồi tranh thủ ra đường đứng “quá giang” xe xuống xã. Lúc đi cũng cực mà khi về cũng không có ai đưa về. Mẹ con làm ở trạm y tế xã nên học xong mà không có ai chở về thì qua trạm mẹ chơi, đến trưa hoặc chiều mẹ đưa về”. Hiếu đứng bên bẽn lẽn: “Con thường đi chung xe với chị Huyền. Có bữa không ai chở thì hai chị em mượn điện thoại bà nội gọi cho thầy xin nghỉ. Mấy bạn trong thôn thấy hai chị em được đi học bơi thì thèm lắm. Cứ hỏi hồ bơi ra răng, sâu không, có giống hồ trước nhà mình không… Với nghỉ hè dài quá nên con thích đi học bơi để gặp lại bạn bè”.

Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc nói rằng, nhu cầu học bơi của trẻ miền núi rất lớn. Ngoài việc biết kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước, thì ngày hè có thêm một môn thể thao cho tụi nhỏ tham gia vì ở đây không có nhiều trò chơi, giải trí. Năm nay, trường có 217 trẻ đăng ký học bơi. Số lượng trẻ Cơ tu đăng ký học còn khá khiêm tốn. Chỉ những em có cha mẹ làm tại các cơ quan dưới xã thì mới chở đi được. Học trò đồng bào còn nhiều thiệt thòi.

Nếu có thêm đồ chơi, có thêm một phòng đọc sách thiếu nhi, chắc mùa hè của các em sẽ đỡ dài đến mênh mông suốt 3 tháng…

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.