Đế Võng hay Để Võng?

.

* Ở gần Cửa Đại, thành phố Hội An, có một con sông nhiều tài liệu ghi là Đế Võng, nhưng cũng có chỗ khác ghi là Để Võng. Xin cho hỏi, cách gọi nào đúng? (Hoàng Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam).

- Đây là đoạn cuối của sông Cổ Cò nơi sông đổ ra Cửa Đại, Hội An. Về tên gọi của đoạn sông này đã có nhiều sách báo, tài liệu ghi không chính xác.

Minh họa lưới đáy. Nguồn: Internet
Minh họa lưới đáy. Nguồn: Internet

Cách gọi đúng phải là sông Để Võng, nghĩa là sông Lưới Đáy.

Cao học Sử học Võ Văn Dật trong cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975)” (NXB Nam Việt, San Jose, CA, 2007) có đoạn ghi: “Dấu vết trên thực địa ngày nay và trên bản đồ quân sự của Pháp vẽ tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ 1/100.000 cho thấy ngày xưa, khoảng giữa Ngũ Hành Sơn và sông Để (ĐNCT nhấn mạnh) Võng chạy dọc theo bờ biển, có một con sông lớn, nay đã bị vùi lấp và biến thành đồng ruộng giữa vùng cát trắng mênh mông với những hồ nước là dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp hết. Đại Nam nhất thống chí cho biết lai lịch sông này như sau:

“Lộ Cảnh Giang (sông Cổ Cò) - ở vùng cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía tây núi Tam Thai (tức Ngũ Hành Sơn hay Non Nước) nhập với sông Cẩm Lệ. Nay nước sông cạn, ghe thuyền đi không thông”.

Sách vở ghi Để Võng, nhưng ban đầu sông này có tên là sông Lưới Đáy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy (Đà Nẵng) giải thích: Sông Để Võng từ phía bắc chảy xuống, hợp lưu với các sông Thu Bồn (phía tây) và Trường Giang (phía nam) cùng chảy ra Cửa Đại. Sông Để Võng là nơi tụ tập, sinh sôi nẩy nở của nhiều loại cá nước lợ ngon nổi tiếng, ngư dân tổ chức đánh bắt bằng lưới đáy - lưới đánh cá hình ống to và dài, có cọc để giữ miệng lưới. (Ca dao: “Cha chài mẹ lưới con câu/ Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò”).

Trong cuốn “Trong cõi”, GS Trần Quốc Vượng khi nói về “Vị thế địa-lịch sử và bản sắc địa-văn hóa của Hội An” đã viết: “Sông Để Võng - Cổ Cò nối vịnh Hàn qua đầm Trà Quế với Hội An - Cửa Đại”.

Như ta đã biết, sông Cổ Cò (Đại Nam nhất thống chí gọi là Lộ Cảnh giang) là con sông chạy từ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) ra Cửa Đại (Hội An), đoạn giáp với Cửa Đại thì sông này có tên là sông Để Võng.

Một số công trình nghiên cứu đã gọi đúng tên con sông này là Để Võng. Như luận văn Thạc sĩ Khoa học “Nghiên cứu địa mạo phục vụ quản lý môi trường bờ biển tỉnh Quảng Nam” năm 2014 của Trần Văn Bình (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên  - ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong công trình này, có đoạn:

“Nét đặc biệt về mạng lưới thủy văn trong vùng nghiên cứu là sông Để Võng và sông Trường Giang chạy song song với bờ biển hiện nay. Sông Để Võng nối liền Cửa Đại với cửa Sông Hàn, còn sông Trường Giang lại nối Cửa Đại với Cửa Lở và cửa An Hòa”.

Trong phần mô tả khách sạn Hội An Beach Resort đăng trên new.bookin.vn có đoạn: “Khu nghỉ mát bốn sao này, nằm ở Hội An, Việt Nam, di sản văn hóa thế giới nổi tiếng với quần thể kiến trúc lâu đời của nó. Khách sạn nằm giữa sông Để Võng và biển Cửa Đại và dễ dàng đi đến di sản Mỹ Sơn, Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng bằng xe”.

Để (= đáy) là từ cổ ít dùng nên rất nhiều người nhầm lẫn.

Vì sao để biến thành đế?

Theo chúng tôi, để (Hán Việt) ít ai nghĩ là đáy (thuần Việt) mà hầu hết đều cho rằng đây là từ thuần Việt, có nghĩa là đặt, để. Từ đó, nhiều người lại suy luận rằng Để Võng là cách ghi không chuẩn xác của từ Đế Võng (!), bởi Đế Võng nghe có vẻ chữ nghĩa hơn là Để Võng!

Đây cũng là cách viết nhầm lẫn của không ít tác giả về tên hiệu của một số nhân vật xứ Quảng xưa. Mính Viên (Huỳnh Thúc Kháng), nghĩa là Vườn Chè, nhiều người viết sai thành Minh Viên (Minh Viên nghe có vẻ chữ nghĩa, sang trọng hơn là Mính Viên). Tương tự, Thai Xuyên (Trần Quý Cáp) nhiều người lại viết thành Thái Xuyên!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.