50 năm ngày mất của Lê Đình Thám (23-4-1969 - 23-4-2019)

Dấu ấn của người con đất Quảng

.

Nhìn lại hành trạng cuộc đời Lê Đình Thám, có thể nhận ra phẩm chất của một danh sĩ đất Quảng từ trong quan niệm, mục đích lối sống, cách hành xử ở đời, sống nhiệt huyết và cái gì cũng đi đến tận cùng, thể hiện khát vọng của đời sống, trong cả khoa học, yêu nước kháng chiến và cả triết lý cao siêu của một bậc chân tu chân giáo.

 

Lê Đình Thám sinh năm Đinh Dậu 1897 (ảnh)- là một người Quảng xa quê. Quê ông ở làng La Kham, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, nhưng thời gian ông sống ở quê hương Quảng Nam không nhiều.

Năm 1916, tốt nghiệp thủ khoa Y sĩ Đông Dương Hà Nội, Lê Đình Thám được bổ nhiệm về hành nghề ở các bệnh viện Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa, mãi đến năm 1926 mới được chuyển về Bệnh viện Hội An. Mấy tháng sau đó thì xảy ra sự kiện nhà yêu nước Phan Châu Trinh - một nhân vật trong “bộ ba Quảng Nam” - qua đời ở Sài Gòn.

Do tham gia tổ chức truy điệu và để tang Phan Châu Trinh ngay tại nơi làm việc, lại là đối tượng bị mật thám Pháp theo dõi trước và sau cái chết của người anh ruột Lê Đình Dương (sinh năm Giáp Ngọ 1894) - một trong những yếu nhân trong cuộc khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916, cũng từng học y khoa ngoài Hà Nội và cũng hành nghề tại Bệnh viện Hội An - nên Lê Đình Thám bị thuyên chuyển ra Hà Tĩnh và nhiều nơi khác, mãi đến cuối năm 1946 mới cùng gia đình tản cư về quê nhà một thời gian ngắn và đến năm 1949 thì được điều động ra công tác ở miền Bắc cho tới khi từ trần tại Hà Nội vào năm 1969.  

Không sống nhiều ở đất Quảng, song dấu ấn của quê hương trong cuộc đời Lê Đình Thám và dấu ấn của Lê Đình Thám đối với quê hương vẫn rất sâu đậm. Trước hết là do ảnh hưởng của gia đình, nhất là của người cha.

Thân phụ của Lê Đình Thám là Lê Đình Đĩnh - một trong những quan chức người Quảng sớm có tư tưởng canh tân đất nước. Đi trước chủ trương lập hội buôn bên cạnh nghĩa thục, rất mực đề cao vai trò thương nghiệp của các nhà duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX hơn 20 năm - ngay từ năm 1881 sau khi đi sứ sang Hong Kong về nước - Lê Đình Đĩnh đã dâng biểu lên vua Tự Đức kiến nghị nên hướng nước Đại Nam đi theo con đường phát triển thương nghiệp của phương Tây cũng như của Nhật Bản và Trung Quốc: “Các nước Thái Tây mà phú cường là cốt ở việc binh và việc buôn bán.

Lấy buôn bán mà nuôi binh lính. Gần đây, Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người nước ngoài ra vào buôn bán. Nước ta người khôn ngoan, lại lắm sản vật. Nếu theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ vững được nền độc lập và chủ quyền quốc gia...”. 

Trên phương diện học hành, anh em Lê Đình Thám chịu nhiều ảnh hưởng của thân phụ - không chỉ được cha dạy Hán học, mà còn được cha sớm định hướng chuyển sang Tây học và quan trọng hơn là được cha truyền lửa về tình yêu Tổ quốc, về tư tưởng canh tân đổi mới, về ý thức phục vụ đất nước và cộng đồng…

Tiếp nữa là do ảnh hưởng của quê hương và của những người cùng quê Gò Nổi - gồm ba xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong. Người Điện Quang ngày nay thường tự hào quê mình có hai người từng là tổng đốc Hà Nội, bởi trước khi Lê Đình Đĩnh giữ chức Tổng đốc Hà Yên (Tổng đốc Hà Nội kiêm quản Hưng Yên), đã có Hoàng Diệu làng Xuân Đài giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (Tổng đốc Hà Nội kiêm quản Ninh Bình).

Câu chuyện về Hoàng Diệu tuẫn tiết ở thành Hà Nội do vậy chắc chắn đã tác động mạnh đến tuổi thơ của anh em Lê Đình Thám, nhất là qua câu đối viếng đầy ấn tượng của Tôn Thất Thuyết trước mộ Tổng đốc họ Hoàng: Nhất tử thành danh tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa đương niên đại cuộc khả vô tâm (Một cái chết nên danh không phải chí anh hùng từ trước/ Trọn đời trung nghĩa không thẹn lòng với đại cuộc ngày nay).

Rồi vợ Lê Đình Dương là Hoàng Thị Tuất - cháu nội của Hoàng Diệu/ cháu ngoại của Phạm Phú Thứ càng khiến tác động tinh thần của “người giữ thành Hà Nội” đối với anh em Lê Đình Thám thêm sâu đậm. Cũng có thể kể đến tác động của tư tưởng canh tân đất nước mà Phạm Phú Thứ làng Đông Bàn - nay thuộc xã Điện Trung - là một trong những chủ súy lỗi lạc.

Cũng có thể kể đến tác động của tư tưởng yêu nước Trần Cao Vân làng Tư Phú - nay thuộc xã Điện Quang - là người đồng chí/ thủ lĩnh của Lê Đình Dương trong cuộc khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916 (và người Điện Quang ngày nay cũng thường tự hào rằng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành phố Hà Nội mang tên Hoàng Diệu còn tỉnh Quảng Nam mang tên Trần Cao Vân)…

Riêng Lê Đình Thám còn chịu ảnh hưởng tư tưởng đấu tranh bất bạo động của Phan Châu Trinh - người đồng hương Quảng Nam, nhất là từ ngày Lê Đình Dương hy sinh tại nhà lao Buôn Ma Thuột sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916 bị người Pháp dìm trong biển máu. Dấn thân vào cuộc đấu tranh vũ trang này, Thái Phiên, Trần Cao Vân và Lê Đình Dương cùng bao nhiêu đồng chí đồng hương đã chọn đi theo con đường đấu tranh bạo động của Phan Bội Châu và Việt Nam Quang phục hội.

Chính cái chết của người anh ruột đã khiến Lê Đình Thám phải luôn suy ngẫm về câu Phan Châu Trinh từng nói thẳng với Phan Bội Châu khi hai người gặp nhau ở Nhật Bản năm 1906: Bất bạo động, bạo động tắc tử; bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu (Chớ bạo động, bạo động thì chết; chớ vọng ngoại, vọng ngoại là ngu).

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương - cũng là sau khi chứng kiến đất Quảng chưa đầy chục năm đã hai lần bị kẻ thù dìm trong biển máu (vào năm 1908 Trung Kỳ dân biến và năm 1916-khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân), Lê Đình Thám mới bắt đầu nghiên cứu về Phật học.

Thời gian hành nghề ở Bệnh viện Hội An hồi đầu năm 1926, Lê Đình Thám có dịp đến thăm chùa Tam Thai ở Ngũ Hành Sơn và nhập tâm bài kệ của Lục tổ Huệ Năng khắc trên vách chùa: Bồ đề bổn vô thọ/ Minh cảnh diệc phi đài/ Bổn lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai.

Nhiều người cho rằng bài kệ này đã đưa Lê Đình Thám đến với Phật giáo, trở thành cư sĩ Tâm Minh vào năm 1928. Nghĩ vậy không sai nhưng chắc rằng con đường đến với Phật giáo của Tâm Minh Lê Đình Thám là do phức hợp của nhiều nguyên nhân: bài kệ của Lục tổ Huệ Năng và quan trọng hơn là những lý giải về ý nghĩa bài kệ này của Hòa thượng Giác Tiên trụ trì chùa Trúc Lâm ngoài Huế, y đức trị bệnh cứu người của một bác sĩ tài năng từng cùng với đồng nghiệp người Pháp là Giám đốc Y tế Trung Kỳ Normet phát minh ra sérum/ dịch truyền mang tên Normet (lẽ ra phải mang tên hai đồng tác giả), và cả tư tưởng đấu tranh bất bạo động của nhà yêu nước đồng hương Phan Châu Trinh…  

Lê Đình Thám tham gia kháng chiến chống Pháp ở vùng tự do Liên khu V. Đầu năm 1947, ông được phân công tổ chức Viện Quân y đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, cũng là viện quân y đầu tiên của miền Nam Trung Bộ. Và ngày 25-1-1948 ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính miền Nam Trung Bộ theo Sắc lệnh số 126/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh(1).

Tuy nhiên, đóng góp quan trọng của Lê Đình Thám thời gian này vẫn là những hoạt động phụng sự đạo pháp và dân tộc, chẳng hạn ông đã tập hợp một số đoàn viên của Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục đang sinh sống ở vùng tự do Liên khu V để thành lập tổ chức Phật giáo và Dân chủ mới tại huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định…

Và tất cả những hoạt động phụng sự đạo pháp và dân tộc cùng uy tín cá nhân của Lê Đình Thám được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao, và vào năm 1949, người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vốn rất biết dùng người đã điều động Lê Đình Thám - với tư cách Trưởng Đoàn Đại biểu Nam Trung Bộ ra chiến khu Việt Bắc dự Hội nghị Kháng chiến toàn quốc - về công tác ở Trung ương, đề cử ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam được thành lập ngày 19 tháng 11 năm 1950 tại huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên.

Ngay sau khi nhậm chức, Lê Đình Thám đã cùng với Tổng Thư ký Ủy ban Dương Bạch Mai chỉ đạo chiến dịch lấy chữ ký hưởng ứng hai nghị quyết của Hội đồng Hòa bình thế giới; nghị quyết năm 1950 tại Stockholm (Thụy Điển) về thủ tiêu vũ khí hạt nhân và nghị quyết năm 1951 tại Berlin (Đức) về việc đòi các cường quốc phải ký hiệp ước hòa bình nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới - chỉ trong một năm đã thu được 6,5 triệu chữ ký(2).

Ngày nay, Lê Đình Thám được vinh danh ở nhiều nơi trên quê hương đất Quảng. Ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng như ở thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đều có đường phố mang tên Lê Đình Thám. Người Quảng rất tự hào khi biết quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) và thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng có đường phố mang tên Lê Đình Thám.

Đặc biệt người Quảng rất ấm lòng khi biết ở thành phố Huế còn có bức tượng bán thân của Lê Đình Thám đặt trong khuôn viên chùa Từ Đàm, và chắc sẽ ấm lòng hơn nữa nếu như tại khu nhà ở số 71-75 đường Phan Bội Châu- nơi Bác sĩ Lê Đình Thám/ Cư sĩ Tâm Minh từng sinh sống gần 20 năm (từ năm 1928 đến năm 1946)- được gắn một tấm bia lưu niệm… “Rằng trăm năm kể từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” (thơ Nguyễn Du)(3).

Bùi Văn Tiếng

(1) Sắc lệnh này đang được con trai út của Lê Đình Thám là nhạc sĩ Lê Đình Lực sống tại Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam lưu giữ (thông tin được tham khảo từ bài báo Tâm Minh Lê Đình Thám với Hà thành của tác giả Vinh Quang Phong đăng báo Quảng Nam điện tử ngày 16-10-2010).

(2) Thông tin được tham khảo từ bài Chặng đường 65 năm của Ủy ban Hòa bình Việt Nam của tác giả Uông Chu Lưu đăng báo Nhân Dân điện tử ngày
18-11-2015.

(3) Thông tin được tham khảo từ bài Học trò trong Quảng ra thi… của tác giả Phạm Phú Phong đăng báo Quảng Nam điện tử ngày 03-01-2014.

;
;
.
.
.
.
.