Đồng hành với thí sinh

.

Chỉ còn 2 tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn ra. Trong tâm thế đó, khắp các trường THPT trên địa bàn thành phố đang tăng tốc trong công tác ôn tập cho học sinh khối lớp 12, giúp các em có được kết quả về đích tốt nhất có thể.

Trường THPT Nguyễn Trãi tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp, hướng dẫn quy chế thi cho học sinh khối lớp 12. (Ảnh do nhà trường cung  cấp)
Trường THPT Nguyễn Trãi tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp, hướng dẫn quy chế thi cho học sinh khối lớp 12. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Là ngôi trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đại học hàng đầu trên địa bàn thành phố, song Trường THPT Phan Châu Trinh vẫn không chủ quan với việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT sắp đến.

Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm khác với các trường là Trường THPT Phan Châu Trinh chỉ tăng tiết ôn tập chứ không tăng buổi nhằm giảm áp lực cho học sinh. Nhà trường bắt đầu tiến hành ôn thi cho học sinh ngay từ đầu học kỳ 2.

Vào ngày 4-4 vừa qua, nhà trường đã tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cũng như hướng dẫn các thủ tục đăng ký dự thi cho khoảng hơn 1.100 học sinh khối lớp 12. Trước đó, nhà trường đã tổ chức một buổi tư vấn riêng cho giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng các lớp để phổ biến trước cho các bạn trong lớp, nhằm bảo đảm chất lượng của buổi tư vấn ngày 4-4, để các em học sinh có thời gian chuẩn bị trước những thắc mắc.

Ngoài ra, để giúp các em tự đánh giá kết quả ôn tập, nhà trường tổ chức 2 đợt kiểm tra chất lượng học tập, đợt 1 vào tháng 2, đợt 2 vào tháng 5. Thông qua thi thử, học sinh sẽ nhận ra những khiếm khuyết về kiến thức và kỹ năng để bổ sung kịp thời.

Cô Nguyễn Thị Thúy Diễm, Tổ phó Tổ Ngữ văn Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Do học sinh nhà trường có đầu vào cao, có năng lực nhưng phần lớn tập trung vào các môn tự nhiên nên kế hoạch ôn thi mà tổ chuyên môn xây dựng vừa phải bảo đảm hiệu quả, khai thác được năng lực qua các bài kiểm tra và thi THPT quốc gia, vừa không khiến các em cảm thấy bị quá tải. Với phương châm đó, nhà trường chỉ đạo phương pháp ôn tập cần được thống nhất và xây dựng từ đầu năm học, thực hiện xuyên suốt, nhất quán ở tất cả các lớp trong suốt năm học”.

Chương trình ôn tập thể hiện qua hệ thống đề kiểm tra bài viết tại lớp, chương trình tự chọn, chương trình tăng tiết. Đối với đề kiểm tra tại lớp, tổ chuyên môn thống nhất một ma trận chung cho mỗi bài viết, cấu trúc đề luôn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Đề đọc hiểu gồm các câu hỏi được xây dựng từ dễ đến khó. Đề làm văn bám sát yêu cầu của phân phối chương trình.

Chương trình tự chọn (từ học kỳ 2) bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để định hướng nội dung ôn tập. Sau khi đã hoàn thành từng nội dung, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành giải đề. Chương trình tăng tiết (từ ngày 1-4) gồm những chuyên đề nhằm vào các nội dung ôn thi với nhiều đề minh họa giúp các em tích lũy thêm kiến thức và rèn luyện kỹ năng.

“Bên cạnh những giờ ôn tập trên lớp, giáo viên còn hỗ trợ và giúp đỡ học sinh giải quyết những vướng mắc trong quá trình các em tự giải đề. Học sinh muốn chinh phục nhiều dạng đề, các em tự tìm đề trên Internet, chỗ khó các em sẽ nhờ giáo viên giúp đỡ”, cô Diễm chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác ôn tập cũng gặp không ít khó khăn. Cô Diễm bộc bạch: “Thông báo của Bộ GD&ĐT về chương trình ôn thi THPT quốc gia chủ yếu là chương trình lớp 12, chứ không nêu rõ là chỉ thuộc chương trình lớp 12, vậy nên chúng tôi phải đưa vào chương trình tự chọn một vài nội dung của chương trình lớp 10 và 11 như ôn tập văn học dân gian, văn học trung đại, thơ lãng mạn, truyện ngắn lãng mạn và hiện thực… để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Tỷ lệ kiến thức lớp 10 và 11 trong đề là bao nhiêu chúng tôi không rõ nên khá lo ngại, ôn hết thì sợ thừa, loãng kiến thức và quá tải, bỏ qua thì sợ không an toàn cho các em”.

Tại Trường THPT Nguyễn Trãi, công tác ôn tập cho học sinh khối 12 được bắt đầu từ đầu năm học. Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trong 5 năm trở lại đây, ngay từ học kỳ 1, nhà trường đã tiến hành công tác ôn tập kiến thức thi tốt nghiệp THPT cho các em học sinh khối lớp 12. Đề cương ôn tập được biên soạn bám sát đề cương minh họa của những năm trước. Học sinh đi học nghiêm túc. Giáo viên luôn sẵn sàng trả lời những thắc mắc của học sinh”.

Trong năm học 2018-2019, vào tháng 2, tháng 3, Trường THPT Nguyễn Trãi phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức những buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối lớp 12 lồng ghép vào những tiết sinh hoạt trên lớp, những tiết chào cờ đầu tuần; song song đó là tổ chức buổi tư vấn cách làm hồ sơ, hướng dẫn quy chế thi.

Vào ngày 15-3 vừa qua, nhà trường cũng đã tổ chức cho học sinh khối lớp 12 thi thử. Theo đó, học sinh có số điểm cao nhất đạt 29,7 điểm; có 6 học sinh dưới 12 điểm và khoảng 78,8% học sinh có tổng điểm thi trên 20 điểm.

“So với năm trước thì số học sinh thay đổi tổ hợp môn dự thi trong giai đoạn sát ngày nộp hồ sơ giảm đi đáng kể. Và đây là một trong những kết quả mà nhà trường đạt được khi quyết định cho học sinh khối lớp 12 đăng ký tổ hợp môn sẽ dự thi tốt nghiệp THPT, đại học và ôn tập ngay từ đầu năm học, giúp các em có thời gian để sớm biết được năng lực của bản thân phù hợp với tổ hợp những môn nào, từ đó sớm có sự điều hướng phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều học sinh rơi vào trường hợp đến gần ngày nộp hồ sơ vẫn phân vân trong việc chọn trường. Với những trường hợp này thì nhà trường sẽ tư vấn riêng”, cô Huệ chia sẻ.

Bên cạnh sự đồng hành của nhà trường thì các học sinh còn nhận được sự đồng hành từ bố mẹ. Chỉ đơn giản là một lời nhắc đi ngủ sớm khi thấy con học bài khuya, nhắc ăn uống đúng giờ khi thấy con lo học mà không để ý chuyện ăn uống nhưng cũng đủ tiếp thêm động lực cho các sĩ tử, giúp các em giữ được sức khỏe tốt để vượt qua kỳ thi quan trọng đang gần đến.

Chị Lê Thị Nga (ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), phụ huynh em Trần Phương Thảo, học sinh có số điểm thi thử cao nhất tại Trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ: “Năm cuối cấp nên con đi học nhiều lắm, rồi cả thức khuya học bài. Chưa kể có hôm không kịp ăn cơm vì sợ đến lớp trễ. Tôi với bố nó luôn nhắc ngủ sớm, ăn uống đúng giờ nhưng cũng hiểu là thời gian học của con chật vật nên nhắc đâu lại vào đấy. Về kiến thức thì vợ chồng tôi không thể hướng dẫn cho con nên chỉ biết động viên tinh thần, lo cho con ăn uống đủ chất để có sức khỏe mà học hành. Chúng tôi luôn ủng hộ những quyết định của con, nhưng đồng thời cũng cố gắng tìm hiểu để tư vấn cho con phù hợp với năng lực, sở thích”.

Mai Hiền
 

 

;
;
.
.
.
.
.