.
Nghĩ

Bí hiểm thoát hiểm

.

Cuối tuần rồi đi mừng nhà mới, về mà cứ nhớ hoài hai cái lối thoát hiểm của căn nhà này. Hồi nào tới chừ tham quan nhà ai là y như rằng chỉ chăm chăm ngó nhà rộng, hẹp, cách bày trí bếp, cầu thang, phòng ngủ ra sao; kể cả vật dụng đựng bàn chải đánh răng để trong nhà tắm cũng được soi coi có chi tiện lợi, lỡ may sau này làm được cái nhà, mình sẽ bắt chước những sự hay ho đó.

Lần này thì cái khoản thoát hiểm mới làm mình nhớ miết, chắc do lối thoát hiểm đẹp quá. Nhà ống ở phố dễ gì khoét được cái cửa sổ đón gió. Ngôi nhà này cũng vậy, chẳng có cửa sổ hai bên nhưng lối thoát hiểm thì đến tận hai ngả. Sau nhà có cửa hậu ở tầm thấp, trẻ em khi cần thiết vẫn hoàn toàn có thể mở thoát ra ngoài. Phía trước, chủ nhà “trang trí” mặt tiền bằng cầu thang sắt dẫn từ ban công tầng thượng xuống tầng hai. Khoảng cách các bậc thang cũng phù hợp cho người già, trẻ con khi cần có thể trèo xuống. Dĩ nhiên, chủ nhà đã tính toán để cái lối này không thể là chỗ “bắc thang” cho trộm leo hay vị trí nguy hiểm cho trẻ con trong những ngày bình thường.

Để ý thì nhiều người tham quan nhà mới cũng giống kiểu của mình. Mọi người thường hỏi chủ nhà xây hết bao nhiêu tiền, sàn gỗ dễ bong tróc không, bàn ghế, rèm cửa, các thiết bị nhà vệ sinh được giảm giá chừng nào, hay tivi 4K mới nhất coi có đỉnh, chứ chẳng mấy ai tham khảo cách thiết kế lối thoát hiểm hay cách chọn loại bình chữa cháy gia đình phục vụ trong tình huống xảy ra nguy cấp. Không biết có phải tại cháy nổ, tai họa bất ngờ thường “dễ mấy khi gặp” nên nhiều người như mình ngó lơ chuyện thoát hiểm, hay vì vào nhà mới “kiêng dè” nên mọi người né nói đến những điều liên quan đến hoạn nạn. Chẳng biết vì lý do gì mà rồi lối thoát hiểm, cách thoát hiểm, đến dụng cụ thoát hiểm bao lâu nay vẫn là chủ đề xa lạ trong mỗi ngôi nhà, dù ai cũng hiểu không có và không biết mấy cái đó là chết có ngày.

Ngay cả khi toàn thành phố thực hiện phong trào nhà nhà sắm bình xịt dập lửa xách tay thì chuyện phòng cháy chữa cháy cũng còn lơ tơ mơ lắm. Nhà mình cũng có bình xịt mà giờ cái bình này nằm chỗ nào thì người cất nó mới nhớ. Nhìn quanh mấy nhà bên cạnh cũng chẳng khá hơn. Thi thoảng, ở khu dân cư nào đó lại tổ chức “cháy thử” hoành tráng. Có kịch bản, có nơi xuất phát điểm cháy, có người hô hoán, người “ngất xỉu”, có xe chữa cháy chuyên nghiệp… chờ sẵn cách đó không xa. Nói chung có đủ thứ trừ những “nhân vật chính”. Thường thì tham gia diễn tập chữa cháy chỉ có vài người đàn ông, thanh niên trai tráng trong khu dân cư, còn người già, phụ nữ, đặc biệt thiếu niên, nhi đồng tuyệt nhiên không thấy. Trong khi đó, những đối tượng không tham gia này lại là những người ở nhà thường xuyên, không lẽ có cháy lại đi tìm gọi mấy ông từng được diễn tập?! Đi qua các ngõ xóm, thử hỏi mấy bà, mấy chị cách dùng bình xịt chữa cháy là biết liền “tay nghề” của họ.

Nhiều khu dân cư bây giờ đã đạt thành tích 100% hộ có bình xịt chữa cháy, kể cả hộ nghèo, cận nghèo cũng được hỗ trợ mua. Nhưng chất chữa cháy thì loại nào cũng có hạn bảo hành (đồng thời là hạn sử dụng) nhất định tầm khoảng 6 tháng. Hết hạn, không bảo hành, không sạc bình thì coi như để trang trí cho vui chớ không có tác dụng chữa cháy. Tất cả mọi nhà đều sắm bình xịt đã là công đoạn khó, đoạn quan tâm tới cái bình đỏ đỏ ở góc nhà coi hết hạn chưa, khí, bột trong đó ra sao lại thiệt là… hên xui, khi chuyện thoát hiểm và phòng chống cháy nổ vẫn chưa là chủ đề thường nhật hoặc thích được đề cập trong mỗi ngôi nhà.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.