.

Về đâu phần mềm ứng dụng?

.

Vài năm trở lại đây, đoàn Đà Nẵng đi thi Tin học trẻ toàn quốc thường đạt thứ hạng cao, nhiều năm được xếp nhất toàn đoàn, trong đó có nhiều phần mềm sáng tạo đoạt giải nhất, nếu được phát triển có thể ứng dụng trong thực tế. Sau các cuộc thi, những phần mềm này có bị “xếp xó” hay tiếp tục được nghiên cứu ở mức cao hơn, mang tính khả dụng hơn trong cuộc sống?

Hy vọng các sản phẩm mới đoạt giải này sẽ không rơi vào nguy cơ bị “xếp xó” như nhiều sản phẩm trước. TRONG ẢNH: Đoàn Đà Nẵng xếp giải nhất toàn đoàn tại Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 22. (Ảnh do Thành Đoàn Đà Nẵng cung cấp)
Hy vọng các sản phẩm mới đoạt giải này sẽ không rơi vào nguy cơ bị “xếp xó” như nhiều sản phẩm trước. TRONG ẢNH: Đoàn Đà Nẵng xếp giải nhất toàn đoàn tại Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 22. (Ảnh do Thành Đoàn Đà Nẵng cung cấp)

Trả lời câu hỏi trên của phóng viên, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, mục đích của cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc là nhằm khuyến khích thanh-thiếu nhi (lứa tuổi Tiểu học, THCS, THPT) học tập, nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ thông tin (CNTT), qua đó phát hiện các tài năng trẻ CNTT trong trường học, góp phần phát triển nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn 10 năm tham gia cuộc thi cấp quốc gia này, học sinh Đà Nẵng đạt được kết quả tốt qua hơn 10 phần mềm sáng tạo xếp giải nhất.

Ví như phần mềm Xây dựng hệ thống tra cứu bản đồ Đà Nẵng trên điện thoại di động của tác giả Nguyễn An Khương được phát triển ứng dụng tại thành phố London (Vương quốc Anh) nơi em theo học đại học và nhận được Giải Bạc ngay năm thứ nhất (2007). Học tiến sĩ tại Đại học Cambridge, Khương đang nghiên cứu theo lĩnh vực robot và an toàn thông tin. Phần mềm cQuizTest và Code Assistant của em Nguyễn Trần Viết Chương được sử dụng hỗ trợ hệ thống kiểm tra trắc nghiệm và hỗ trợ tốt cho người học lập trình và lập trình viên. Phần mềm Hỗ trợ học toán của em Hoàng Cung Phúc, khi du học Pháp năm 2012, em đã nghiên cứu tiếp tục đưa phần mềm này dự thi tại Université de Technologie de Troyes (Đại học Công nghệ Troyes) và được đánh giá cao…

Ngoài ra, còn nhiều phần mềm sáng tạo khác đã được các đơn vị mua lại bản quyền hoặc giúp tác giả thành công trên lĩnh vực CNTT trong nước và nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Hùng cũng chỉ ra rằng, bên cạnh đó, còn có các phần mềm tuy thể hiện tốt ý tưởng nhưng để thực sự đưa vào ứng dụng hiệu quả thì rất cần sự tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển, cần nhiều yếu tố khác nữa mới có thể trở thành một sản phẩm CNTT có tính thương mại. Rất tiếc, có em khi lên cấp học cao hơn hoặc vào đại học thì chọn ngành nghề khác nên không tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực CNTT nữa.

Nhìn chung cuộc thi Tin học trẻ tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em học sinh để khơi dậy niềm đam mê học tin học, từ đó hình thành cho các em học sinh sở thích và định hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình sau này là trở thành những kỹ sư CNTT giỏi phục vụ cho xã hội. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Khánh, Phó Giám đốc Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic Đà Nẵng, rất nhiều các sản phẩm và ý tưởng hay cũng chỉ dừng lại ở phạm vi cuộc thi, chưa được hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thực tế sau khi cuộc thi kết thúc.

Đam mê và có định hướng, Nguyễn Trần Viết Chương tiếp tục nghiên cứu và phát triển sâu hơn phần mềm của mình. TRONG ẢNH: Viết Chương trong lần sang Malaysia tham dự cuộc thi Sáng tạo trẻ châu Á. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đam mê và có định hướng, Nguyễn Trần Viết Chương tiếp tục nghiên cứu và phát triển sâu hơn phần mềm của mình. TRONG ẢNH: Viết Chương trong lần sang Malaysia tham dự cuộc thi Sáng tạo trẻ châu Á. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Khánh trước đây công tác ở Softech-Aptech Đà Nẵng cùng với các thầy cô tham gia hướng dẫn các em học sinh làm phần mềm sáng tạo (Tin học trẻ) cấp 1, 2, 3 từ năm 2003. Sau khi chuyển về Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Đà Nẵng (năm 2011), anh vẫn tiếp tục hướng dẫn và huấn luyện các em dự thi Tin học trẻ toàn quốc. Nhiều năm tham gia lĩnh vực này nên anh có cái nhìn tương đối tổng quát: “Nhiều sản phẩm thiếu sự quan tâm và tiếp tục phát triển hoàn thiện hơn để ứng dụng vào cuộc sống dù rằng các sản phẩm khá thiết thực và hoàn thiện. Lý do đơn giản là cuộc thi đã kết thúc, các em phải hoàn thành chương trình phổ thông, đại học, không ai nuôi dưỡng và dẫn dắt các em để phát triển tiếp phần mềm”.

Cùng với nhận xét này, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Lập trình viên chuyên nghiệp (iViettech) Vy Văn Việt cho rằng, mục đích của các cuộc thi vẫn là khuyến khích học sinh học tập, ứng dụng CNTT chứ không phải sáng tạo ra sản phẩm dùng được hoặc kinh doanh; vì thế, sản phẩm của các em cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng và triển khai ban đầu. “Ở lứa tuổi các em thì việc học văn hóa và tham gia các kỳ thi ở trường đã chiếm hết thời gian của các em và rất khó để phụ huynh đồng ý cho các em đầu tư sâu vào sản phẩm. Tôi tin rằng khi các em trưởng thành hoặc có điều kiện tốt hơn về thời gian và vật chất để đầu tư thì các em sẽ dùng những kỹ năng này để sáng tạo ra những sản phẩm CNTT có giá trị”, ông Việt khẳng định.

Thực tế, vẫn có những cá nhân với sự đam mê sâu sắc và có sự định hướng mới tiếp tục nghiên cứu và phát triển sâu hơn. Ví như một trong các sản phẩm CNTT điển hình gần đây nhất là iKID - Phần mềm hỗ trợ phụ huynh quản lý học sinh sử dụng máy vi tính, cũng của em Nguyễn Trần Viết Chương, đoạt giải nhất ở Hội thi phần mềm sáng tạo Tin học trẻ Đà Nẵng, giải ba Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2013.

Chương hiện học khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Duy Tân. Trao đổi với phóng viên, Chương kể thêm một số giải thưởng khác dành cho phần mềm của em như: Huy chương vàng Cuộc thi Sáng tạo trẻ thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc; huy chương bạc Cuộc thi Sáng tạo trẻ châu Á tại Malaysia (tháng 5-2014), được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng danh hiệu Best Young Inventor (Tài năng trẻ sáng tạo nhất).

Đoàn Đà Nẵng xếp nhất toàn đoàn với 5 phần mềm có giải tại Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 22 được tổ chức tại Bình Định vào thượng tuần tháng 8 vừa qua. Nếu có ai đó quan tâm, động viên và nuôi dưỡng thì các sản phẩm mới này sẽ không rơi vào nguy cơ bị “xếp xó” như nhiều sản phẩm có tên trong “bảng phong thần” các cuộc thi trước..

“Thành tựu sáng tạo dù nhỏ, dù là ý tưởng ban đầu, nếu bỏ dở, không tiếp tục phát triển đều đáng tiếc. Lý do có nhiều. Một là, do sự đầu tư và tự thân các em khi chọn hướng đi tương lai. Hai là, Đà Nẵng chưa có các cơ sở nâng đỡ cho ý tưởng sáng tạo kiểu như Trung tâm phần mềm SDC của Đại học Đà Nẵng – nơi sinh viên tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình và được hưởng quyền lợi theo giá trị sản phẩm; hoặc Trung tâm phát triển phần mềm học sinh/sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi ban đầu được sự hỗ trợ của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh nay chuyển thành công ty chuyên phát triển phần mềm giáo dục phục vụ cho học sinh - sinh viên - giáo viên của thành phố và cả nước. Ba là, Thành Đoàn Đà Nẵng (đơn vị chủ trì), Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật thành phố, các sở ngành liên quan cần tham mưu UBND thành phố có đề án, kế hoạch hỗ trợ hiệu quả các tài năng Tin học trẻ về cơ sở nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, kinh phí, chế độ khen thưởng, đầu tư bán sản phẩm phần mềm...”.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.