.

Không ngừng sáng tạo

.

Từ các cuộc thi học sinh giỏi môn Tin học cấp thành phố và cấp quốc gia như Olympic 30-4, Tin học trẻ toàn quốc…, nhiều học sinh đoạt giải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm của mình, giúp người sử dụng tiếp cận được nhiều phần mềm, công cụ hữu ích. Và cũng từ các cuộc thi, nhiều em nuôi dưỡng niềm đam mê với Tin học, trở thành các kỹ sư, lập trình viên sáng giá ở nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Thầy Lê Quốc Hưng và học trò Võ Ngọc Đức Thịnh (Trường THCS Nguyễn Khuyến). Ảnh: H.N
Thầy Lê Quốc Hưng và học trò Võ Ngọc Đức Thịnh (Trường THCS Nguyễn Khuyến). Ảnh: H.N

Từ “ghét”, đến “yêu” lúc nào không hay

Đến từ một trường THCS không mấy “tên tuổi” - Trường Nguyễn Chí Thanh ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Vũ Khương Duy kể chuyện học của mình, của anh trai đầy hào hứng, với sự quan tâm, khích lệ của ba mẹ, thầy cô. Duy bảo, được chơi với máy tính từ bé, rồi lên lớp 6 mới được học căn bản môn Tin học, cũng chưa thấy yêu thích gì.

Sang năm lớp 7, gặp một bài toán tin khó hiểu, Duy cầm bài về hỏi anh trai là một “chuyên gia” Tin học trong mắt cậu bé mới lớn. Anh trai giảng nhưng Duy chẳng hiểu gì. Rồi suốt cả năm học lớp 7, hầu như ngày nào anh trai cũng “bắt” Duy lên phòng, đưa bài cho làm, giảng đủ kiểu. Duy bảo hồi đó em sợ môn Tin lắm, mỗi lần anh trai kêu dò bài là cậu viện đủ cớ trốn tránh. Mẹ khuyến khích con học, nhưng Duy sợ anh trai mà học chứ lúc đó “ghét” môn Tin lắm. Học trong tâm trạng miễn cưỡng, vậy mà đi thi học sinh giỏi môn Tin học cấp thành phố năm lớp 8, Duy đoạt giải nhì phần thi lập trình.

Năm đó, Duy học thêm môn Tin học với thầy Lê Quốc Hưng (Trường THCS Nguyễn Khuyến). Trong mắt Duy, thầy Hưng “cực kỳ tâm lý, tận tâm, không giống như anh trai lúc nào cũng la”. Rồi thầy bảo cậu học trò học thêm với thầy Đỗ Văn Nhỏ (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Cuối năm lớp 8, anh trai chính thức không còn thời gian để bày vẽ thêm nên Duy học thêm với các thầy là chính và em đoạt giải nhất cuộc thi Tin học trẻ cấp thành phố vào đầu năm học lớp 9. Ở cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc mùa hè vừa qua, Duy đoạt giải nhất quốc gia phần thi lập trình khối THCS.

Nhờ người anh trai hơn mình 15 tuổi, hiện đang làm Tiến sĩ ở Mỹ và là chuyên gia lập trình cho một hãng máy tính lớn ở đây, Duy thấy từ “ghét” sang “yêu” Tin học từ lúc nào chẳng hay và nhờ anh trai định hướng, em đã xác định con đường mình sẽ đi sau này. Giờ, Vũ Khương Duy đang là học sinh lớp chuyên Tin 10A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với 22 thành viên.

Duy bảo “trong lớp ai cũng giỏi nên thấy khó. Việc “cạnh tranh” với các bạn để lọt vào nhóm đầu, được đi thi các giải thưởng Tin học cấp quốc gia cũng là mục tiêu để mỗi người hướng tới”. Bữa nay, Duy cũng không còn “sợ” anh trai như trước nữa và dù ở cách nhau nửa vòng trái đất, Duy đang được anh hướng dẫn lập trình robot, các loại phần mềm dành cho thiết bị di động và đây là cách kích thích trí sáng tạo, để cậu thấy Tin học thực sự là niềm đam mê của mình.

Theo đuổi con đường đã chọn

Hầu hết những em đoạt giải thưởng ở Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2016 đều từng tham gia thi các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia các năm trước. Các cuộc thi ngoài sự khẳng định “đẳng cấp” của từng học sinh khi đem sản phầm phần mềm hay lập trình của mình đi thi thố tài năng, còn giúp các em cọ xát với thực tiễn, học được nhiều điều hay từ các học sinh giỏi Tin trong cả nước, và đặc biệt là kích thích tinh thần ham học, say mê sáng tạo trong chính các em.

Võ Ngọc Đức Thịnh, học sinh lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ), vừa đoạt giải nhất phần thi phần mềm mang tên “Theo dòng lịch sử” cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc. Từ hồi là học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), Thịnh đoạt giải nhất quốc gia với phần mềm “Học mà chơi, chơi mà học” khi em đang là học sinh giỏi của đội tuyển môn Toán.

Thịnh muốn phần mềm “Theo dòng lịch sử” của mình sẽ được phát triển thêm, đa dạng với nhiều bài học lịch sử từ cổ đại, trung đại đến hiện đại, dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Cậu học trò này rất quan tâm đến vấn đề bản quyền, khi em luôn nhắc đến những hình ảnh riêng dùng trong phần mềm, tránh vi phạm bản quyền như một số trường hợp viết phần mềm nhưng phải sử dụng hình ảnh có sẵn trên mạng Internet.

Hay đôi bạn thân Nguyễn Văn Hoài Linh, lớp 12A1 và Ngô Quang Hiếu, lớp 12A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đều ước mơ sau này sẽ theo đuổi học ngành Điện tử-Viễn thông hoặc Tin học, để có thể tiếp tục với những đề tài nghiên cứu thuộc “phần cứng” như cách hai bạn đã chọn nhiều năm qua. Hoài Linh và Quang Hiếu vừa đoạt giải nhì Cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc với sản phẩm lập trình mang tên “Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị”.

Với sản phẩm này, hai bạn cùng viết chương trình, lập trình trên mạch điện, đưa lên thiết bị điều khiển. Suốt gần 5 tháng viết chương trình, hoàn thiện, sản phẩm này có giá thành chưa đến 1 triệu đồng, có thể giúp ích cho những người khiếm thị. Linh và Hiếu cho biết, sắp tới các bạn sẽ đầu tư thêm công sức để hoàn thiện tuyệt đối sản phẩm, và nếu được đưa vào sản xuất sẽ tạo thêm nhiều hữu ích cho việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với tri thức.

Hoài Linh và Quang Hiếu từng học chung ở Trường tiểu học Hàm Nghi; chung lớp ở Trường THCS Chu Văn An, cùng học chung môn Toán dành cho học sinh chuyên; và khi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Hoài Linh tiếp tục học chuyên Toán, Quang Hiếu học chuyên Tin, nhưng vẫn là đôi bạn thân như ngày nào. Hai bạn đang hẹn nhau cùng thi vào Trường ĐH Bách khoa, và cả hai đều nghĩ đến con đường tìm kiếm học bổng du học.

Thầy Lê Quốc Hưng, giáo viên bộ môn Tin học Trường THCS Nguyễn Khuyến tự hào kể tên những cậu học trò “cưng” của thầy, giờ đang thành công với danh hiệu là những chuyên gia lập trình giỏi của nhiều công ty lớn trên thế giới như Huỳnh Anh Huy, Huỳnh Anh Vũ, Huỳnh Lý Thanh Trung…, trong đó có hai tiến sĩ. Điểm chung của các em là học giỏi, đam mê môn Tin học, là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của thầy Hưng nhiều năm. Theo thầy Hưng, với môn Tin học, phải trải qua thời gian 10-15 năm sau, phải qua thời gian trải nghiệm như thế mới thấy được kết quả giáo dục. Kể chuyện các học trò cũ của mình, thầy Hưng lấp lánh niềm vui, khi các em “đều có khả năng tư duy lập trình và thực sự giỏi”.

Hy vọng những hạt mầm của cuộc thi Tin học trẻ những năm qua tiếp tục gặt hái được thành công trên con đường sáng tạo, đam mê không ngừng và có nhiều sản phẩm có ích cho đời.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.